Hàm Nghi là vị vua chống lại thỏa ước Pa-te-nốt (1884) do thực dân Pháp ép buộc triều đình Huế ký kết. Ông lên làm vua đúng một năm thì nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, mở đầu bằng trận tập kích đồn Mang Cá và tòa Khâm Sứ Trung kỳ (tại kinh đô Huế) đêm mồng 5 tháng 7 năm 1885.
Nơi hạ chiếu Cần Vương lần hai
Trận tập kích thất bại, Vua Hàm Nghi và các cận thần xuất quân ra thành Tân Sở (Quảng Trị) xuống Chiếu Cần Vương lần thứ nhất. Tháng 9 năm 1885, đức vua di giá ra Sơn phòng Phú Gia, Tây Nam huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đặt đại bản doanh ở thôn Phú Hòa. Tại đây vua nhận lễ bái mạng của các thân sĩ Hà Tĩnh lên bái yết gồm: Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Lê Ninh… Vua Hàm Nghi đã tấn phong Đình nguyên Phan Đình Phùng làm Tán Lý Quân Vụ, thống lĩnh các đạo nghĩa binh.
|
Bộ lục lạc trong bộ báu vật. |
Ba năm sau khi rời căn cứ Phú Gia, lúc đang ở Tuyên Hoá (Quảng Bình), vua bị tên Trương Quang Ngọc (người cầm đầu đội quân bảo vệ vua) phản bội, bắt nộp cho Pháp để lĩnh thưởng. Ngày 28 tháng 11 năm 1888, tàu thủy chở vua Hàm Nghi từ cửa Thuận An (Huế) đến Sài Gòn, sau đó bọn thực dân Pháp đưa nhà vua xuống tàu “Biên Hòa” bắt đầu cuộc đời lưu lạc rồi cập bến cảng Alger thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Tại đây, vua được đưa đến một biệt thự với một thị vệ người Việt do triều đình Đồng Khánh cử sang và một phụ nữ người Pháp luống tuổi làm quản gia kiêm luôn việc “kiểm soát”. Phải mất gần một năm Cựu Hoàng mới chịu học tiếng Pháp vì cho rằng đó là thứ tiếng của những kẻ đã sang cướp nước Việt Nam. Dù vậy, Cựu Hoàng vẫn luôn mặc áo dài đen, bịt khăn đen với tóc búi to trên đầu, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt do người bên nước sang nấu nướng, thờ cúng tổ tiên đúng theo nghi lễ cổ truyền. Cựu Hoàng có ba người con, đều được giáo dục nuôi dạy thành đạt.
Chứng tích Sơn Phòng và câu chuyện báu vật
Trong dân gian Hà Tĩnh từ lâu đã lưu truyền nhiều huyền tích về vua Hàm Nghi. Đặc biệt là, những bí ẩn về quân sự, về tài chính mà vị vua này đã để lại trong quá trình “dấy binh cứu nước” ở mảnh đất rừng núi Phú Gia, Hương Khê. Chúng tôi đến đây và ngỡ ngàng khi được tiếp xúc với thành Sơn Phòng của vua Hàm Nghi – công trình kiến trúc kháng Pháp độc đáo ở đất miền Trung. Tại đây nhà vua được lãnh binh Hà Tĩnh là Phan Mỹ, Lê Ninh đưa 500 quân đến giúp bảo vệ. Nhà vua ban chiếu tố cáo mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp, vạch trần bộ mặt phản động của bọn gian thần… Nhà vua cũng kêu gọi nhân dân chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và đã dấy lên phong trào kháng Pháp sôi nổi rộng khắp.
|
Tác giả trước ban thờ vua Hàm Nghi. |
Thành Sơn Phòng xây theo hướng Nam, 4 cạnh thành có 4 ụ đất đặt súng thần công với diện tích gần 44.000m2. Thành hình chữ nhật được đắp cao 2,2 - 2,7m, chân thành rộng 9m, mặt thành rộng 7m, mặt ngoài dốc đứng rất khó leo lên được. Ngược lại mặt phía trong, những vị trí trọng yếu có thể lên xuống dễ dàng. Phía ngoài tường thành cách 5m là hào nước sâu 1,7m, rộng 5,5m để ngăn cản quân địch bao vây. Hào là đường giao thông thủy nối liền với các khu vực trong thành và cũng là con đường thoát ra sông Tiêm để vào rừng khi có nguy hiểm. Trong thành có cung thất, nhà cửa cho vua Hàm Nghi và các đại thần như Tôn Thất Thuyết ở, có hồ voi tắm. Ngày nay thành Sơn Phòng được tu bổ lại trong một khuôn viên gọn gàng, xinh xắn. Trước cửa điện thờ vua Hàm Nghi có hai con voi trắng đúc bằng bê tông rất đẹp. Trên bàn thờ có di ảnh của vua Hàm Nghi thời trẻ với khuôn mặt khôi ngô, đầu chít khăn, thần sắc vẫn lẫm liệt, oai phong toát ra sự tự tin và quyết đoán.
Khi đi tìm báu vật của vua Hàm Nghi, ngoài việc tìm hiểu về cuộc đời của vị vua yêu nước và căn cứ địa thành Sơn Phòng, chúng tôi rất quan tâm đến xã Phú Gia, địa phương được cho là cất giữ rất nhiều những báu vật quí của vua. Phú Gia tiếp giáp dãy núi Giăng Màn, có thác Vũ Môn thắng cảnh với sự tích “Cá Chép vượt Vũ Môn” nổi tiếng. Đặc biệt ở đây có đền Trầm Lâm, nơi có giếng Trăm Năm. Ngoài ra còn có đền Công Đồng và đền Trại Trụ (còn gọi là đền Ngàn Trụ). Đền Trầm Lâm là ngôi đền thiêng, có liên quan đến sự tích báu vật của vua Hàm Nghi. Theo truyền ngôn của nhân dân vùng Ấu Sơn thì vào thế kỷ 14, khi triều đại phong kiến nhà Trần đổ nát, triều Hồ lên thay. Mượn tiếng phù Trần diệt Hồ, giặc Minh ồ ạt đưa quân sang xâm lược nước ta, đánh vào kinh thành Thăng Long, vào Tây đô (Thanh Hóa). Phía Nam bọn giặc chiếm thành, lấn tới quấy nhiễu, hà hiếp người dân, cảnh điêu tàn đói rách, nạn chạy giặc của nhân dân vô cùng bị thảm. Để cứu lấy nhân dân, xuất hiện một nàng tiên nữ ra tay độ thế, đó chính là đức Thánh Mẫu, bà đã giúp mọi người thoát khỏi bọn giặc. Sau đó, nơi đây có đền thờ bà. Còn theo sách Lễ chí nhà Minh thì ghi: “Đền Trầm Lâm cũng là một trong 6 ngọn nước có tiếng ở An Nam. Năm Hồng Vũ thứ 3 (1370) vua Thái Tổ nhà Minh đã sai sứ sang tế”. Sách “Địa dư tỉnh Hà Tĩnh” của Trần Kinh chép cụ thể: “Về làng Phú Gia có một khoảnh rừng cây cối um tùm, giữa có cái hồ bơi tròn rộng chừng 4 sào. Tục truyền hồ không đáy, nước trong hồ một năm có 4 mùa, thay đổi bốn màu sắc: Mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng, mùa đông nước đen”.
Tương truyền đêm 20 tháng 9 năm 1885, trời không trăng, không sao, vua Hàm Nghi nằm ngủ tại thành Sơn Phòng thì mộng thấy một phụ nữ mặc áo đào đến bảo: “Nhà vua hãy rời khỏi nơi này, bọn “bạch quỹ” (tức giặc Pháp) đang vây bắt, cần phải định liệu”. Tỉnh dậy vua Hàm Nghi hỏi ở đây có đền thờ nữ thần nào không, cư dân cho biết cách đây không xa có đền Trầm Lâm thờ một nữ thần nổi tiếng linh thiêng. Nhà vua gọi các cận thần lại thông báo giấc mộng và giao cho Tôn Thất Thuyết chuẩn bị sắc phong cùng các lễ vật tạ lễ ở đền Trầm Lâm. Ngày 25 tháng 9 năm 1885 vua ban sắc phong cho nữ thần tại đền Trầm Lâm chức “Thượng thượng đẳng tối linh thần” kèm theo những phẩm vật quí giá như vi bố (màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng dùng cho vua), áo mũ triều thần 8 bộ, cờ lộng, tàn quạt 20 chiếc, 2 con voi bằng vàng, 1 con voi bằng đồng, 2 bảo kiếm lưỡi sắt cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thiếp vàng.