Hỏi: Vợ tôi sống tự lập từ nhỏ. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, bố bỏ đi theo người đàn bà khác, mẹ phải gửi cô ấy về quê để đi làm kiếm tiền nên cô ấy sớm phải tự lo toan cho bản thân.
Tôi đã từ khâm phục, cảm mến rồi chuyển thành thương yêu cô ấy khi thấy cô ấy đã vượt lên hoàn cảnh, sống làm một người con gái giỏi giang, đàng hoàng. Tôi đã cưới cô ấy trong rất nhiều sự phản đối của gia đình, khi ngại ngần người con gái ấy sẽ quá mong manh hoặc quá dạn dĩ trước cuộc đời.
Tôi đã tin vào cô ấy, tin vào tình yêu của mình sẽ cảm hoá, sẽ làm mềm trái tim nhiều tổn thương của cô ấy, nhưng hoá ra, điều gia đình tôi từng băn khoăn lại có nhiều phần đúng.
|
Tôi đã tưởng rằng tình yêu sẽ cảm hóa trái tim cô ấy. Ảnh minh họa. |
Vợ tôi yêu chồng, chăm con hết mực. Nhưng không giống với đa phần những phụ nữ khác, cô ấy lúc thì như con thỏ non, lúc lại hầm hè như con hổ. Niềm tin cô ấy dành cho tôi không bao giờ trọn vẹn 100%, lúc nào cô ấy cũng để lại một phần cho sự nghi ngờ: nghi tôi nói dối, nghi tôi bồ bịch, nghi tôi có quỹ đen... Lúc nào cô ấy cũng nói: người đàn ông có thể trở mặt ra đi bất cứ lúc nào, vì thế không thể đặt niềm tin tuyệt đối.
Bởi không tin, nên cô ấy cũng có những toan tính riêng cho mẹ con mình. Lương của tôi, cô ấy bắt trích 1/3 gửi vào tài khoản mang tên con, mà cô ấy được quyền giám hộ; cô ấy bắt tôi ký hợp đồng, nếu tôi và cô ấy chia tay vì lý do tôi có người đàn bà khác, thì tôi chỉ được ra đi tay trắng, tất cả tài sản phải để lại cho con.
Không chỉ chuyện kinh tế, trong vấn đề nuôi dạy con và tình cảm vợ chồng, cô ấy cũng mang sự đề phòng ấy vào mà áp dụng. Cô ấy không cho con quá yêu tôi, hễ thằng bé bảo yêu bố nhất là cô ấy mắng. Cô ấy bảo con phải yêu cả bố, cả mẹ, cả ông bà nhất... vì chỉ yêu mình bố, chỉ yêu bố nhất, nhỡ bố không yêu con thì con hụt hẫng lắm.... Tôi bực mình vô cùng, đã quát cô ấy mấy lần nhưng cô ấy mặc kệ.
Cô ấy giữ tất cả thẻ tài khoản các loại của tôi (dù cô ấy chẳng chi tiêu gì cả), nhưng các loại thẻ, điện thoại, máy tính... nói chung những gì thuộc về cá nhân của cô ấy thì cô ấy lại giữ khư khư. Thậm chí cô ấy đặt pass máy tính, pass điện thoại không cho tôi sờ vào. Cô ấy luôn sử dụng điệp khúc: đàn ông mà biết hết về đàn bà, kể cả người đàn bà ấy là vợ, chẳng chóng thì chầy họ cũng sẽ chán!
Tôi giận vợ, cáu vợ, nhưng thực tâm tôi thấy thương cô ấy nhiều hơn. Có lẽ tuổi thơ không cha, xa mẹ, bà ngoại cô ấy đã gieo rắc quá nhiều những ý nghĩ xấu xa về đàn ông vào đầu cô ấy nên cô ấy chẳng bao giờ tin dù người đó là chồng mình.
Tôi không muốn ép, mà tôi muốn cô ấy tin, cô ấy yêu, cô ấy chủ động mở cửa lòng mình, xoá bỏ hoài nghi, chia sẻ mọi thứ với chồng.
Tôi phải làm thế nào?
(Phạm Văn Bình, Cầu Giấy, Hà Nội)
|
Tôi phải làm thế nào để vợ bớt hằm hè, nghi ngờ, mở lòng ra với chồng hơn. Ảnh minh họa. |
Đáp: Hẳn là nhiều lúc anh cảm thấy tức giận, không hài lòng với sự đề phòng thái quá, thiếu niềm tin của vợ mình. Tuy vậy, đúng như anh chia sẻ, cô ấy xứng đáng được thông cảm và thương yêu, bởi quá khứ đau khổ và bị tổn thương đã hằn in quá sâu vào tâm trí cô ấy, khiến cô ấy sợ hãi, không dám tin cậy vào người khác.
Bản thân một người không thể tin tưởng hoàn toàn vào ai - thậm chí với người chồng gần gũi yêu thương nhất với mình – cũng chẳng sung sướng gì, nếu không muốn nói là đau khổ hơn. Tháp nhu cầu nổi tiếng của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow cũng chỉ rõ nhu cầu được an toàn, được thuộc về nơi nào đó yêu thương, tin cậy là nhu cầu cơ bản của con người. Đằng sau vẻ bất cần, xù lông nhím của vợ anh là nỗi sợ hãi bị tổn thương, bị phản bội, sự hoang mang thường trực khi không thể tin vào điều gì do trải nghiệm từ quá khứ.
Nếu được, anh có thể thuyết phục vợ mình tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý trực tiếp. Bởi vì quá khứ chưa thực sự đi qua trong trái tim cô ấy, nó vẫn để lại những di chứng, những sự tổn thương và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hiện tại. Bằng sự lắng nghe, kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, các chuyên gia tư vấn sẽ khuyến khích vợ anh chia sẻ những nỗi đau, dồn nén từ thời thơ ấu, giúp cô ấy giải tỏa những giận dữ, thay đổi những niềm tin tiêu cực của cô ấy đối với đàn ông, với cuộc đời. Bản thân anh có thể đồng hành cùng vợ để giúp cô ấy vượt qua nỗi ám ảnh nặng nề này.
Về phần mình, mỗi lần bực và cáu vợ, anh hãy nhớ lại những điều mà cô ấy phải chịu đựng để có thể bình tĩnh, kiên nhẫn, ứng xử với cô ấy bằng tình yêu thương. Bằng cách mưa dầm thấm thâu, hãy thể hiện cho vợ thấy anh là người đáng tin cậy và hết lòng với vợ, bằng cả lời nói và hành động: giữ lời hứa với cô ấy, tin tưởng vợ, chia sẻ thành thật với vợ nỗi lòng của mình, làm mọi điều để cô ấy vui vẻ và cảm thấy được yêu… Khi vợ anh vượt qua được nỗi đau trong quá khứ, dần dần tin cậy hơn vào chồng mình và người khác, cô ấy sẽ mở lòng mình, đón nhận tấm lòng của anh và cảm nhận hết hạnh phúc vẹn toàn mà mình đang có.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh
TIN LIÊN QUAN