Con gái đòi “con là con trai cơ”

Google News

(Kiến Thức) - Nếu ai cần một minh chứng cụ thể nhất về tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra khá nghiêm trọng, thì mời đến nhà mình.



Con gái mình thích làm siêu nhân giống các anh. Ảnh minh họa
Con gái mình thích làm siêu nhân giống các anh. Ảnh minh họa
Nhà mình, hai bên nội ngoại tổng cộng lại là sáu anh chị em, tất cả đều đã lập gia đình và xong nhiệm vụ con cái, nghĩa là có 12 đồng chí thiếu nhi, thế nhưng chỉ có bé Mốc của mình là “tiểu thư” duy nhất. 

Bé Mốc giờ mới 2.5 tuổi, cái tuổi bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về giới tính. Mình chỉ nhận ra điều này sau đợt cho con về bà ngoại một tuần mùa hè vừa rồi. Nhà bà ngoại có hai anh con bác cả ở cùng, cũng chỉ trên Mốc 1, 2 tuổi.

Trước đó, Mốc chưa từng có biểu hiện gì khiến mình lo lắng.

Thế mà sau một tuần xa con, khi vừa mở cửa nhà bà, hí hửng nghĩ rằng con sẽ như mọi lần, lao ra ôm mẹ, hôn hít mẹ, bảo nhớ mẹ lắm thì công chúa nhà mình nhảy bụp một cái từ trên giường xuống giữa nhà, chân xoạng ra, hai tay múa may, miệng hét ầm ầm “ta là siêu nhân đây”. Mình hơi bất ngờ nhưng chỉ nghĩ “ai bảo trẻ con là khỉ đúng là chuẩn không cần chỉnh, chắc học hai anh”.

Trong khi mình đang cố gắng nựng nịu “siêu nhân” ra cho mẹ bế thì bà ngoại kể chuyện. Bà bảo mấy con gấu, búp bê, bộ nấu ăn mình mang về cho con, con bỏ ra nhưng các anh không chơi cùng, bảo đồ chơi con gái. Con chơi một mình chán nên đến ngày thứ hai cũng bỏ xó, hùa theo các anh chơi ô tô, siêu nhân, rô bốt, đua xe lắc, xe ba bánh ầm ầm....

Mình chợt nghĩ: ở Hà Nội gần các bác bên nội, nhưng mỗi lần qua bác chơi, các anh nhà bác cũng chỉ cho con tham gia nếu con chơi Tôn Ngộ Không, chơi rô bô biến hình hay múa sư tử cùng; giờ về quê, lại cũng các anh, chỉ chơi với con nếu con là siêu nhân. Chuyện chơi đùa cũng chỉ là chuyện trẻ con, nhưng khi con lớn hơn lên, con còn có những tâm sự giới tính, còn những sự phát triển sinh lý, con sẽ chẳng có chị em nào mà chia sẻ.

Đang miên man nghĩ như thế thì Mốc buồn tè, mình không tập trung nên con gọi đến lần thứ ba mới nghe tiếng. Khi mình chạy xuống nhà lấy cái bô lên thì nàng đã tè xong, trong tư thế... đứng của con trai. Cái quần tự tụt xuống gối đã ướt nhẹp. Con bối rối, sợ sệt nhìn mẹ vì tè ướt quần; mình thì cũng bối rối vì không biết làm sao để bảo con rằng con không tè như anh được.

Sau đó, mình để ý quan sát con đến tối và nhận ra, con thích bắt chước làm con trai giống các anh. Đi tắm, con đòi dùng vòi sen gội đầu rồi tắm luôn; tắm xong con không chịu mặc váy mà đòi mặc quần đùi may-ô. Con thắc mắc mẹ “chim con đâu”, “sao con không giống anh Hoàng, anh Huy”?

Mình đã phải cấp tốc lên mạng để tìm giải pháp ứng xử với con cho phù hợp. Tối ấy, lúc nằm ru con ngủ, mình vừa bắt đầu thủ thỉ với con: “con là con gái xinh của mẹ này” thì Mốc đã cãi: “con là siêu nhân” – mình tán đồng: “đúng rồi, con là siêu nhân công chúa đấy”. Mốc rất thích thú khi thấy mẹ ủng hộ, và nàng chăm chú nằm nghe mẹ kể chuyện.

Mình đã phải bịa ra một câu chuyện, để nói với con rằng có con trai và con gái trên đời. Con gái để làm công chúa, vừa xinh đẹp vừa ngoan ngoãn, biết bảo yêu mẹ, nhớ mẹ; con trai để làm siêu nhân, anh hùng, bảo vệ công chúa, đánh sói xám xấu xí (chú sói trong phim “Hãy đợi đấy” mà Mốc nhà mình thích)... Mốc nằm nghe rất lâu, rất chú ý, để rồi cuối cùng nàng kết luận “con là con trai cơ”.
Mốc xoạng chân, khòng tay bắt chước điệu bộ của khỉ Tôn Ngộ Không
Mốc xoạng chân, khòng tay bắt chước điệu bộ của khỉ Tôn Ngộ Không

Vài ngày sau đó về đến Hà Nội, Mốc nhà mình vẫn không chịu thay đổi những “trò” đã học được của các anh. Hơn thế, con còn có nhiều biểu hiện mà theo mình lúc ấy là “nam tính”: con chạy nhảy huỳnh huỵch, ăn thì bê bát lên lấy thìa và lấy và để cơm vào mồm cho vãi tứ tung, thích ra gạ gẫm bố mẹ đánh nhau....

Vào lúc mình hoang mang lo lắng con sẽ phát triển giới tính lệch lạc nhất, định đưa con đến bác sỹ tâm lý thì may mắn mình gặp lại cô bạn thời phổ thông, giờ là chuyên gia tâm lý của một trường mẫu giáo. Nghe mình kể, bạn mình cười phá lên rồi khuyên mình: cứ kệ để con thích làm gì thì làm; không ủng hộ nhưng tuyệt đối đừng ngăn cản, phản đối. Bạn mình bảo ở tuổi này trẻ rất để ý các hành động của bạn bè, anh chị, cả bố mẹ để bắt chước. 

Chuyện bé gái đứng tè, bé trai đòi mặc váy, cài nơ hầu như nhà nào cũng có, không phải quá lo lắng nếu đó là hành động bé tự phát học hỏi hay sở thích như bé gái lại mê ô tô, bé trai thích búp bê cũng không có gì nguy hiểm... các bé sẽ tự nhận ra những điểm không thuận lợi và tự điều chỉnh trong quá trình trưởng thành của mình. Bố mẹ càng phản đối, con sẽ càng thích làm theo ý mình.

Mình đã nghe bạn. Từ bữa đó mình không nhắc nhở, mắng mỏ, khó chịu những hành động “con trai” của Mốc nữa. Quả nhiên, các chiêu trò “bắt chước” của Mốc giảm dần rồi mất hẳn. Đầu tiên là việc lần nào đi tè cũng ướt quần, phần sợ mẹ mắng, phần xí hổ, nàng bắt đầu quay lại ngồi bô; rồi chuyện tắm gội bằng vòi sen, bị cay mắt, sặc mũi, lúc trước vì mỗi lần thế mẹ mắng, Mốc cố ương, bây giờ mẹ mặc kệ, Mốc lại xụt xịt khóc rồi bảo “mẹ bế con gội đầu”... cuối cùng là trò chơi siêu nhân, trò nhảy nhót ầm ĩ không có người hô hào hưởng ứng cũng trở nên buồn chán. Mình sung sướng cười thầm trong bụng.

Hóa ra, bài học giới tính đầu tiên cho con mình được học là bài học “mặc kệ những trò thử làm đứa trẻ khác giới của con”. Và có lẽ bài học đầu tiên Mốc nhà mình được học là bài học: con gái làm những việc của con trai, thật khó!

(Ghi theo lời kể của mẹ bé Mốc, Đống Đa, Hà Nội)


Huyền Thanh

Bình luận(0)