Hỏi: Cứ mỗi lần nghĩ đến câu này của bà, tôi chỉ muốn chạy trốn thật xa, chấm dứt mọi mối quan hệ tình cảm với anh, không cho phép ai xúc phạm, sĩ nhục mình nữa.
Tôi quen anh đến Tết này là tròn một năm. Anh là người dễ thương, nhiệt tình, rất chiều chuộng tôi. Thời gian đầu, tôi ngây ngất vì hạnh phúc khi được anh cưng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Tôi rơi từ trên trời xuống đất ngay lần đầu tiên anh đưa về nhà ra mắt gia đình, mẹ anh nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt không thể tả được, vừa khinh bỉ vừa ghê tởm như thể tôi là cái gì bẩn thỉu, đáng sợ lắm.
|
Tôi trân trối chết lặng trước ánh mắt và ngôn từ khinh bỉ của mẹ người yêu. Ảnh minh họa. |
Mặt tôi như dày ra, trơ đi, mất hết cảm giác khi bà ta hết hỏi hết nghề nghiệp bố mẹ tôi (bố tôi là bộ đội về hưu, còn mẹ buôn bán ngoài chợ), ngôi nhà đang ở diện tích bao nhiêu, lương của tôi một tháng… Tôi ra về trong sự ê chề, chào hỏi bà ta cũng không thưa, không một ai ra tiễn ngoài người yêu tôi…
Về nhà, tôi khóc hết nước mắt, vừa căm phẫn vừa tủi phận. Dù nghèo nhưng bố mẹ tôi rất trọng đạo đức, luôn ý thức cho tôi học hành, tự trọng, tự bước đi trên đôi chân của mình chứ không phải lấy chồng giàu để đổi phận. Tôi đến với anh bằng tình yêu chân thành, lúc tôi chưa biết gì về gia đình, của cải nhà anh. Tôi quyết định chia tay người yêu nhưng anh tìm mọi cách năn nỉ, cầu xin tôi bình tĩnh lại, anh sẽ tìm cách thuyết phục gia đình.
Sau lần gặp đó, mẹ người yêu tôi liên tiếp gọi điện, tìm cách nhục mạ tôi. Bà ta nói tôi là “đũa mốc mà chòi mâm son”, đi dụ dỗ con trai bà, con trai bà ngu dốt nên không nhận ra nhưng đừng hòng che mắt được bà. Bà còn nói không bao giờ chấp nhận một đứa con dâu kém cỏi như tôi, thách thức tôi muốn cưới thì bước qua xác bà.
Suốt một năm liền là không biết bao nhiêu cuộc điện thoại đe dọa, chửi bới, không biết bao nhiêu đêm tôi khóc ướt gối. Nhiều lần, tôi quyết tâm dứt tình, xin nghỉ làm về quê nhưng người yêu tôi đều tìm về, năn nỉ tôi quay lại, tôi lại mềm lòng trước anh ấy. Người yêu tôi hứa là Tết này, anh sẽ nói chuyện thiệt hơn với bố mẹ, nếu ông bà không đồng ý hai đứa sẽ đăng ký kết hôn và tự tổ chức, hai đứa cũng sẽ tự thuê nhà ở Hà Nội (hiện tại anh đang ở nhà do bố mẹ mua cho.)
Tôi băn khoăn rất nhiều, người yêu tôi vốn làm ở một bộ của nhà nước, lương ba cọc ba đồng, anh vẫn được bố mẹ chu cấp hàng tháng, tiền tiêu không cần nghĩ. Đến cả đồ ăn thức uống mẹ anh cũng mua cho, tháng vài ba lần đưa xuống bỏ vào tủ lạnh, dọn dẹp nhà cửa cho anh. Bây giờ, nếu hai đứa về sống với nhau, với mức lương cọc cạch của cả hai, lại phải trả tiền thuê nhà, sợ anh sướng quen giờ không chịu được khổ, vợ chồng đâm ra cãi cọ, đó là chưa nói đến chuyện con ra đời, anh chưa tự lo thân bao giờ lại phải chăm vợ chăm con… Xin hãy tư vấn giúp tôi, có nên bỏ mặc những lời chửi bới cấm đoán của mẹ anh để bảo vệ cho tình yêu của mình và làm sao để chắc chắn rằng người yêu tôi sẽ vững vàng để cùng tôi vượt qua sóng gió này?
(Lê Hải Hoài, Long Biên, Hà Nội)
|
Làm sao tôi có thể chắc người yêu mình đủ vững vàng để vượt qua sóng gió này. Ảnh minh họa. |
Đáp: Có nhiều trường hợp lúc đầu, bà mẹ không ưng hoặc hiểu nhầm người yêu của con trai, nhưng rồi qua ngày tháng, sự gặp gỡ tiếp xúc, những mâu thuẫn được hóa giải, có nhiều người mẹ đã chấp nhận, thậm chí yêu thương cô con dâu mà trước kia mình từng ghét bỏ.
Thế nhưng, ở tình huống của chị, mọi thứ có vẻ khó khăn hơn nhiều. Cách ứng xử của mẹ người yêu chị gắn liền với quan điểm, lối sống của bà nên không dễ gì thay đổi. Điều này có nghĩa là, nếu quyết tâm đến với anh ấy, hai người sẽ phải chung sống và chiến đấu lâu dài với mẹ chồng, sẽ còn bị bà chửi mắng, coi thường, gây xung đột chia rẽ hai vợ chồng.
Do vậy, về lâu dài, giải pháp tự đăng ký và tổ chức đám cưới có thể là điều phải tính đến. Tuy vậy, với tình trạng hiện tại của chị và người yêu, thực hiện điều này luôn và ngay có thể hơi mạo hiểm. Người yêu chị có thể yêu thương chị chân thành, chấp nhận trái lời bố mẹ để cưới chị, nhưng với tính cách không tự lập, phụ thuộc tài chính vào bố mẹ, liệu anh ấy có thể vững vàng chèo chống gia đình khi suốt ngày phải đau đầu vì tiền, lo cơm từng bữa? Lúc này, anh ấy ăn cơm, tiêu tiền bố mẹ thì dễ nói lời yêu, an ủi chị, nhưng đến lúc anh ấy không đồng nào trong túi, chị lại mệt mỏi với mẹ chồng, thì liệu anh ấy có đủ kiên trì để đứng giữa, cho chị mượn bờ vai?
Hãy trao đổi với người yêu chị về viễn cảnh hai người tự đăng ký, tự đi thuê nhà, rồi mức thu nhập của hai vợ chồng so với cuộc sống ở Hà Nội để anh ấy chuẩn bị tinh thần. Từ từ để chồng bạn dứt khỏi “bầu sữa” gia đình, không tiêu tiền bố mẹ gửi nữa, khuyến khích anh ấy tự lập hơn trong cuộc sống, tìm cách gia tăng thu nhập. Một khi, người yêu chị hình dung được những khó khăn mà mình phải đối mặt, tìm cách lo toan cho cuộc sống và tài chính gia đình, thì đó mới là lúc thích hợp để quyết định tiến một bước xa hơn trong mối quan hệ của hai người.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa
BÀI ĐỌC NHIỀU