Điều trị tại chỗ là đưa thuốc chống ung thư trực tiếp vào khối u, làm tăng nồng độ thuốc tại khối u và giảm thiểu tác dụng độc của thuốc...
- Hỏi: Tôi bị ung thư lưỡi đã được điều trị tại chỗ. Tôi vừa đi khám lại bác sĩ lại chỉ định điều trị bổ trợ. Xin hỏi, điều trị bổ trợ là gì? Nó có tác dụng gì? Phương pháp này khác gì với điều trị tại chỗ? - Ngô Đăng Minh (Hải Dương).
GS.TS Nguyễn Bá Đức trả lời: Điều trị tại chỗ là đưa thuốc chống ung thư trực tiếp vào khối u, làm tăng nồng độ thuốc tại khối u và giảm thiểu được tác dụng độc của thuốc với toàn thân.
Điều trị bổ trợ là phương pháp điều trị hệ thống sau khi đã điều trị triệt căn bằng các phương pháp điều trị tại chỗ. Bệnh tái phát (tại chỗ, toàn thân) sau điều trị triệt căn tại chỗ chủ yếu do sự tồn tại của các vi di căn tiềm ẩn đã có mặt khi bệnh được chẩn đoán.
Sử dụng các thuốc chống ung thư bổ trợ sau điều trị tại chỗ nhằm mục đích tiêu diệt các ổ vi di căn này, làm giảm nguy cơ tái phát, tăng thời gian sống cho bệnh nhân.
Điều trị bổ trợ có cơ sở là các khối u nhỏ dễ bị loại bỏ khi tiếp xúc với thuốc hơn là các khối u lớn, hơn nữa thuốc dễ dàng ngấm vào u nhỏ hơn so với u lớn. Bên cạnh đó, khả năng kháng thuốc do đột biến cũng thấp hơn khi số lượng tế bào u ít đi. Vì vậy, khi khối u chính đã được lấy đi thì bất kỳ thành phần còn lại nào của bệnh không phát hiện được trên lâm sàng nên được loại bỏ tiếp bằng thuốc. Do đó, ông nên yên tâm điều trị.
PV (ghi)