Chăm sóc cơ thể tốt để hóa trị thành công

Google News

(Kiến Thức) - Tùy theo đặc điểm và vị trí khối u mà bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ thiết lập cho bệnh nhân một liệu trình điều trị phù hợp. 

Hóa trị là một trong những liệu pháp có thể được sử dụng trong điều trị bướu ác tính. Cũng như các phương pháp khác, hóa trị cũng có thể gây một số tác dụng ngoại ý. Báo điện tử Kiến Thức có cuộc trò chuyện với BS Trần Thị Phương Thảo, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV TP.HCM - chuyên gia về điều trị hóa trị để giúp bệnh nhân ung thư biết cách chăm sóc sức khỏe, loại bỏ những hoang mang để tập trung vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo.
PV: Xin bác sĩ cho biết hóa trị ung thư tiêu diệt mầm bệnh dựa trên cơ chế nào? Và vì sao bên cạnh các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị thì nhiều bệnh nhân vẫn được bác sĩ chỉ định thực hiện hóa trị?
BS Trần Thị Phương Thảo: Hóa trị cho bệnh ung thư là cách dùng thuốc đưa vào cơ thể nhằm điều trị ung thư. Những phương pháp trị liệu bằng phẫu thuật hay dùng tia phóng xạ chỉ có thể tiêu diệt hay làm tổn thương những tế bào ung thư trong một vùng hay bộ phận của nào đó của cơ thể, trong khi hóa trị (thường qua đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch) có tác dụng tới toàn cơ thể. Hóa trị là liệu pháp duy nhất có thể tiêu diệt những tế bào ung thư đã chạy tới các hạch hay tới các phần của cơ thể nằm cách xa bướu ung thư chính.
Hóa trị có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị tác động đến các tế bào đang phát triển nhanh, vốn là đặc tính của tế bào ung thư. Tuy nhiên, cũng vì thế mà các tế bào bình thường có đặc tính phát triển nhanh như tế bào ở nang tóc và ở đường tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới các tác dụng phụ như bị rụng tóc và tiêu chảy. Hóa chất được đưa vào cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch (thường gặp nhất) hay đường uống hoặc hiếm hơn là vào tủy sống, động mạch, bắp thịt, bàng quang, ổ bụng, khoang màng phổi…
 Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo tư vấn cho bệnh nhân.
PV: Trong quá trình hóa trị, nếu bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng thì nên đến khám tại chuyên khoa ung bướu hay khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất?
BS Trần Thị Phương Thảo: Hóa trị có thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể do đó dễ tạo điều kiện cho nhiễm trùng phát triển. Vì vậy nếu bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa trị mà sốt từ 38.5°C trở lên, đổ mồ hôi hoặc lạnh run,… thì không loại trừ tình trạng nhiễm trùng tiến triển, bệnh nhân nên đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời càng sớm càng tốt.
PV: Nhiều bệnh nhân thường bị nôn ói khi xạ trị. Bác sĩ có thể cho biết một số cách để giảm tình trạng này?
BS Trần Thị Phương Thảo: Bệnh nhân hóa trị mà bị nôn ói thì nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng, trước trong và cả sau khi hóa trị. Không nên ăn quá nhiều một lúc mà cần chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn chậm. Khi cảm thấy bị buồn nôn, nên thư giãn và hít một hơi sâu, thở ra từ từ. Nếu bệnh nhân có nôn hoặc nôn mửa liên tục, phải kịp thời thông báo cho bác sĩ. Thường sau khi hóa trị bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống nôn cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân vẫn còn nôn, nên báo cho bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp.
PV: Một số bệnh nhân cảm thấy hoang mang trước những tin đồn như hóa trị có thể gây vô sinh, ảnh hưởng đến tim, phổi, gan, thận hay hệ thần kinh. Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về vấn đề này và làm sao để giảm nhẹ những tác dụng phụ do hóa trị gây ra?
BS Trần Thị Phương Thảo: Thuốc hóa trị có thể gây suy giảm chức năng buồng trứng, tinh hoàn, do đó có thể làm gia tăng tần suất vô sinh. Do đó, bệnh nhân cần thảo luận kỹ với bác sĩ chuyên khoa ung bướu trước khi tiến hành hóa trị để có những hướng giải quyết hợp lý nhất. Chẳng hạn như trữ lạnh tinh trùng để đảm bảo khả năng có con trước khi điều trị ung thư. Hóa trị cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể (tim, phổi, gan, thận hay thần kinh). Tùy theo mức độ ảnh hưởng, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng các thuốc hỗ trợ, giảm các tác dụng phụ này. Đối với mỗi ca bệnh cụ thể, các bác sĩ đã cân nhắc và lựa chọn điều trị dựa trên lợi ích và mong muốn của người bệnh. Quan trọng là trước mỗi đợt hóa trị, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, kết quả các xét nghiệm để quyết định liều lượng hóa chất thích hợp.
PV: Theo bác sĩ, bệnh nhân nữ có nên có kế hoạch mang thai trong giai đoạn hóa trị không?
BS Trần Thị Phương Thảo: Hóa chất sử dụng trong quá trình điều trị ung thư gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai cũng như có thể gây ra các dị tật ở thai nhi. Tác dụng phụ này có thể kéo dài lâu hay mau tùy thuộc nhiều yếu tố. Thêm nữa, sức khỏe của người bệnh không phù hợp để có thể mang thai. Do đó các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và có kế hoạch có con cần phải thảo luận kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu điều trị và phải ngừa thai trong suốt thời gian hóa trị.
Xin cảm ơn bác sỹ!
Bùi Hương

Bình luận(0)