PGS.TS Phạm Duy Hiển, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K đã có cuộc trao đổi với phóng viên về sự kiện một bác sĩ người Italy tuyên bố có thể ghép thành công đầu người.
Nối được tủy sẽ ghép được đầu, nhưng...
PGS.TS Phạm Duy Hiển khẳng định tầm quan trọng và độ khó của việc nối tủy mà BS Canavero tuyên bố trong việc ghép đầu. Ông Hiển cho rằng, nếu như bác sĩ Canavero nối tủy thành công và làm sao cho phần tủy của đầu bệnh nhân được ghép “ăn” xuống được với phần tủy sống của cơ thể được ghép thì coi như ca ghép đầu thành công.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, não bộ của con người không thể chỉ huy cơ quan vận động (xương - cơ - khớp) nếu như không có tủy sống. Hầu như những trường hợp liệt tủy, đứt tủy thì nạn nhân đều bị mất chức năng vận động chân tay.
Nguyên tắc cấu trúc của hệ thần kinh trung ương bao giờ cũng gồm não bộ và tủy sống. Não bộ là sự tiến hoá cao cấp của loài người, còn tủy sống là cấu trúc mang tính tự động của động vật. Dù muốn hay không thì hoạt động điều phối của hệ thần kinh không thể đi ra khỏi quỹ đạo của những cấu trúc này.
Não bộ của con người dù có cao cấp, thông minh và tài giỏi thế nào đi chăng nữa thì nó không thể chỉ huy cơ quan vận động nếu như không có tuỷ sống. Tủy sống là trung khu tiếp nối thần kinh và dẫn truyền thần kinh đường dài. Không có tuỷ sống, xung động thần kinh đến ngoại vi sẽ bị suy yếu dần và không còn đủ khả năng hoạt hoá hệ thống cơ.
Nhưng cho dù tủy sống có thể khuếch đại đến bao nhiêu thì nó không thể tự hoạt động nếu như không có sự chỉ huy của não bộ. Tuỷ sống không ra được mệnh lệnh xử lý thông tin cao cấp. Nó chỉ thực hiện những chức năng tự động và phản xạ mà thôi.
Cho nên hầu như những trường hợp liệt tuỷ, đứt tuỷ thì nạn nhân đều bị mất chức năng vận động ở những vùng tương ứng. Đó là vì khâu dẫn truyền vận động bị mất một bộ phận quan trọng. Xung động thần kinh được tạo ra ở não bộ nhưng không thể truyền đến chân tay do mất khâu tiếp nối tuỷ.
Hiện nay, y học hiện đại chưa thể tìm ra được giải pháp nào nối ghép tủy thành công và gần như không có cơ may cho người bị đứt đoạn tủy. Chỉ có phương pháp “bắc cầu” tủy sống mà thôi.
|
Ảnh minh họa. |
Người ghép đầu được trẻ hóa?
Rất nhiều người thắc mắc rằng, tại sao trong việc tuyên bố của bác sĩ người Italy thì y học lại dùng thuật ngữ “cấy ghép đầu” mà không phải là thuật ngữ “cấy ghép cơ thể”. PGS.TS Phạm Duy Hiển giải thích, tên gọi của phẫu thuật đầu xuất phát một phần từ các thí nghiệm với chó và khỉ trong thế kỷ XX.
Về mặt kỹ thuật, cấy ghép cơ thể sẽ là tên gọi chính xác hơn vì đầu chỉ là bộ phận đại diện cho người nhận phần cơ thể mới. Tuy nhiên, đây lại không phải một ca cấy ghép toàn bộ cơ thể. Thuật ngữ đó thường được sử dụng để mô tả quy trình mà não của một sinh vật sống được cấy ghép vào cơ thể của một sinh vật sống khác.
Việc nhà giải phẫu học thần kinh Canavero gọi đây là cấy ghép đầu sẽ khiến mọi người hình dung rõ ràng hơn rằng nó liên quan đến đầu và bộ não bên trong. Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, cấy ghép đầu và cấy ghép não là khác nhau. Trong ca cấy ghép não, các bác sĩ sẽ loại bỏ não từ hộp sọ và đặt nó vào hộp sọ của người hiến. Ca này khó hơn so với cấy ghép đầu vì phẫu thuật tách não và cung cấp máu mà không làm tổn hại cho mô mỏng thường rất phức tạp.
Kỹ thuật cấy ghép không thể thực hiện với phần đầu bị đóng băng vì kỹ thuật được đề xuất yêu cầu phần đầu và não phải khoẻ mạnh. Hiện các nhà khoa học chưa rõ liệu có thể “rã đông” một phần đầu đã bị đóng băng và phục hồi các mô não khoẻ mạnh hay không.
Một số người phẫu thuật mặt hay chân từng tiếc nuối cơ thể cũ hoặc cảm giác rằng hình ảnh hiện tại của họ khá mâu thuẫn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhịp tim hay dạ dày có thể ảnh hưởng đến sức mạnh ý chí, cảm xúc hay ngôn ngữ của chúng ta. Không ai biết được rằng liệu người đi ra từ phòng phẫu thuật sẽ giống như người bước vào trước đó. Đó chính là tổn thương tâm lý của bệnh nhân hậu phẫu.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, hiện có nhiều chuyên gia đặt câu hỏi bệnh nhân ghép đầu có lợi gì khi được cấy ghép từ một cơ thể khoẻ mạnh? Điều chúng ta chắc chắn rằng, nếu người nhận già hơn so với cơ thể hiến thì họ có thể được trẻ hóa do quá trình truyền máu trẻ có thể giúp tăng sức đề kháng về thể chất và chức năng nhận thức ở các loài động vật già hơn.
|
PGS.TS Phạm Duy Hiển (đầu tiên bên trái) tại một hội thảo y học. |
Thách thức của hệ miễn dịch
Ca phẫu thuật của Valery Spiridonov - người tình nguyện được ghép đầu, sẽ do nhà giải phẫu học thần kinh Sergio Canavero tiến hành, dự kiến kéo dài 36 giờ với sự tham gia của 150 bác sĩ và y tá. Não của bệnh nhân được làm lạnh ở mức 10 - 15 độ C để kéo dài thời gian tồn tại của tế bào trong điều kiện không có oxy. Sau đó, BS Canavero dùng dao mổ để cắt qua tủy sống và sử dụng một loại keo sinh học đặc biệt để kết nối phần đầu với cơ thể mới. Sau phẫu thuật, Valery sẽ ở trạng thái hôn mê khoảng 3 - 4 tuần và được ức chế miễn dịch.
Tuy nhiên, các nhà khoa học còn đặt ra câu hỏi liệu sau sự khó khăn cho phần tủy của đầu “ăn” xuống phần tủy phần thân thì vấn đề về hệ miễn dịch HLA mới khó giải quyết.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, phức hợp kháng nguyên phù hợp tổ chức của người hay còn được gọi là kháng nguyên bạch cầu người lần đầu tiên phát hiện được ở trên tế bào bạch cầu. Các kháng nguyên phù hợp tổ chức chính của người là các kháng nguyên trong hệ thống phù hợp tổ chức HLA là các kháng nguyên bề mặt bạch cầu người.
Kháng nguyên HLA lần đầu tiên được phát hiện khi nghiên cứu hiện tượng thải ghép. Khi cấy mô ghép cho một cơ thể khác không giống nhau về các kháng nguyên này (tức là không hòa hợp với tổ chức) thì chúng sẽ kích thích cơ thể nhận đáp ứng miễn dịch, dẫn đến thải bỏ mô ghép.
Vì vậy, việc BS Canavero tuyên bố ghép thành công đầu người là chuyện được coi là viễn tưởng. Vì lẽ rằng, dù y học nối thành công các dây thần kinh, các mạch máu to nhỏ, nhưng nối tủy còn ở thời kỳ gần như sơ khai, và quan trọng là hệ miễn dịch thải bỏ mô ghép có diễn ra hay không.
“Các gen của HLA nằm trên đoạn ngắn của nhiễm sắc thể số 6, chiều dài tổng cộng là 3.600kb hoặc 4,6 x 106bazơ nitơ, bao gồm 224 alen, trong đó có 128 alen có chức năng và 96 alen không có chức năng. Cho đến nay, HLA được coi là hệ kháng nguyên của người phức tạp nhất và đa hình nhất”.
PGS.TS Phạm Duy Hiển