Theo Washington Post, bức ảnh thể hiện cảnh người tị nạn mang gương mặt của loài lợn tấn công tình dục các phụ nữ châu Âu. Bên trên là hình ảnh bé trai Syria chết, nằm sấp mặt xuống đất, kèm theo câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra với Aylan bé nhỏ khi cậu lớn lên?”.
|
Hình ảnh cái chết bé trai Syria của Charlie Hebdo gây phẫn nộ. - Ảnh: Charlie Hebdo |
Bức ảnh được họa sĩ châm biếm Laurent Sourisseau có bút danh là “Riss” thể hiện. Riss là một cộng tác viên lâu năm và hiện là giám đốc sản xuất của tờ báo. Ông cũng có mặt trong cuộc thảm sát tòa soạn vào tháng 1/2015, nhưng may mắn thoát chết khi chỉ bị bắn vào bả vai.
Ngay sau khi xuất hiện trên mặt báo Charlie Hebdo, hình ảnh châm biếm trên đã gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều ý kiến cho rằng họ đã “đi quá xa”.
Mặc dù đã lên tiếng biện minh rằng hình ảnh chế em bé Syria chỉ đơn thuần mang tính trào phúng, Charie Hebdo vẫn bị công kích "phân biệt chủng tộc" và "cố tình khiêu khích".
Nhiều người dùng Twitter còn khẳng định bức ảnh này thật sự “ghê tởm”, “không chấp nhận được” và so sánh nó với tạp chí Der Sturmer của Đức Quốc Xã, khi thể hiện hình ảnh người dân Do Thái chạy trốn khỏi cuộc diệt chủng những năm 1930.
Đây không phải là lần đầu tiên tạp chí trào phúng của Pháp Charlie Hebdo làm dậy sóng mạng xã hội vì những hình ảnh châm biếm của mình. Đầu năm 2015, tờ báo này đăng tải hình ảnh châm biếm vị tiên tri Mohammad của Hồi giáo, khiến các tay súng al-Qaeda điên cuồng tấn công tòa soạn, làm 12 người thiệt mạng.
Tháng 9/2015, hình ảnh bé trai Syria Aylan Kurdi chết sấp mặt trên bờ biển khi chạy trốn đến châu Âu lấy đi nước mắt của biết bao người cũng bị Charlie Hebdo đặt cạnh quảng cáo của McDonald’s cùng tiêu đề “Chương trình khuyến mãi: thực đơn 2 trẻ em chỉ tính thành 1”.