Đây không phải là lần đầu tiên, trên sóng truyền hình, khán giả phải trải qua những cung bậc: nước mắt "bị" rơi, tràn đầy xúc động và cuối cùng là thở dài, thất vọng!
Còn nhớ cách đây hơn 6 năm, chương trình "Người xây tổ ấm" đã phát sóng câu chuyện về đời cô Lượm ở Huế và lấy đi nước mắt của bao nhiêu người.
Nhân vật Lượm được khắc họa với số phận cực kỳ bất hạnh: mồ côi, đói rét rồi chửa hoang và sinh con bị bệnh tật khiến rất không ít khán giả rủ lòng thương cảm. Nhưng đằng sau đó lại là một sự lừa dối ngoạn mục, khi cô Lượm có hẳn một gia đình đầy đủ bố mẹ, chồng con đang sống yên ổn ở Huế. Thế rồi, khán giả ngậm ngùi "nhặt" quả lừa từ "Lượm", nhà đài thì lên tiếng xin lỗi.
Tiếp đó, khoảng 4 năm sau, người xem lại tiếp tục "bị" rơi nước mắt trước câu chuyện cổ tích giữa đời thực của cô gái Nguyễn Như Đào, quê Anh Sơn (Nghệ An) mất thị lực từ lúc chào đời, thuở thơ ấu chỉ có âm nhạc làm bạn, đã cùng chàng trai trẻ tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Nguyễn Nhật Thanh, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa) nên vợ thành chồng, viết nên câu chuyện tình đẹp như mơ. Hàng ngày, bằng việc hát rong đó đây, họ rau cháo, yêu thương nhau vượt lên số phận.
Những rung cảm đẹp đẽ của khán giả về câu chuyện chưa lắng xuống thì sự thật xấu xí đã bị "bung" ra. Câu chuyện của Đào và Thanh là bịa đặt. Theo đó, Thanh học chưa hết cấp 3 và đã có vợ (không phải Đào) cùng 2 con ở Thanh Hóa.
|
Câu chuyện về ông bố chăm 2 con teo não ở TP HCM khiến nhiều người thương cảm. |
"Vở diễn" kết thúc trong sự tổn thương của Đào, sự xấu hổ của Thanh và sự thẫn thờ của khán giả. Còn nhà đài thì lại tiếp tục có lời xin lỗi.
Và hiện tại là câu chuyện về ông bố Đặng Hữu Nghị, trú ở huyện Bình Chánh, TP HCM bị vợ bỏ cùng 2 con teo não sau khi sinh. Nước mắt khán giả một lần nữa "bị" rơi khi anh Nghị xuất hiện trên một chương trình truyền hình kể về việc người vợ "tham phú phụ bần" bỏ rơi 2 con và anh một mình "gà trống nuôi con" vô cùng cực khổ. Tuy nhiên, sau đó, một sự thật khác được phơi bày, khi người vợ lên tiếng phủ nhận việc bỏ con và nói rằng, chị không "táng tận lương tâm" như lời anh Nghị kể trên... tivi.
Thêm một lần, hàng triệu khán giả truyền hình lại cảm thấy hẫng hụt. Hẫng hụt bao nhiêu thì người ta bắt đầu đặt nhiều dấu hỏi bấy nhiêu, nghi ngờ về quá trình "thẩm định", xác thực một hoàn cảnh trước khi dựng thành phóng sự đưa lên truyền hình của nhà đài.
Việc đưa lên một hoàn cảnh không lấy thông tin từ nhiều phía và đẩy quá cao chi tiết bi kịch chính là nguyên nhân gây ra nhiều chuyện: người vợ bị tổn thương, mạnh thường quân nghi ngờ hiệu quả số tiền thiện nguyện và người chồng bỗng chốc từ người hùng hoá kẻ đi tìm sự ban ơn trong nước mắt của dư luận...
Còn trong câu chuyện buồn trên, với người viết, chị Đoàn Thị Huyền, vợ của anh Nghị thực sự là một người phụ nữ bất hạnh. Lấy chồng rồi xa xứ, sau khi sinh hai đứa con đầu lòng đã sớm lâm vào cảnh đau buồn. Giữa sự bế tắc với hai đứa con thơ khuyết tật nheo nhóc, bị chồng đánh đập triền miên, còn lối thoát nào hơn có thể dành cho chị ngoài việc mỗi người một ngã rẽ?
Và để rồi những ngày tháng sau đó, tưởng chừng như chị được an ủi hơn khi sinh thêm cu cậu lành lặn thì vô tình chị bị truyền thông lôi vào một bi kịch. Trong vở bi kịch ấy, chị bất đắc dĩ trở thành nhân vật phản diện. Nhưng trên tất cả, chị vẫn im lặng.
Nếu trong tác phẩm "Tắt đèn", chị Dậu chấp nhận là người đàn bà "ác" khi đưa bán cái Tý cho nhà Nghị Quế để con bé có cái mà ăn thì giờ đây, trước hoàn cảnh của mình, chị Huyền cũng chấp nhận làm người phụ nữ bội bạc để hai con Hữu Toàn, Hữu Tùng nhận thêm được nhiều sự giúp đỡ.
Tuy nhiên, khi vở bi kịch được lặp đi lặp lại quá nhiều lần, trong khi cũng cảnh một mình nuôi con thơ, cộng thêm những lời sỉ vả về tình mẫu tử của dư luận ngày càng nhiều và gay gắt, thì lòng tự trọng, sức chịu đựng của người đàn bà tội nghiệp ấy đã vượt ngưỡng, khiến chị vỡ oà, nấc nghẹn lên tiếng trong tủi hờn.
Riêng anh Nghị, nếu ai đó muốn chỉ trích hay đánh giá về anh, trước hết xin hãy tự mình đặt vào vị trí của anh ấy. Một người đàn ông khốn khổ dường như đã từ bỏ cả quãng đời sung sức, chấp nhận cả ngày bên cạnh chăm sóc hai đứa con bị teo não, chẳng biết làm gì ngoài cười đùa và la hét.
Chỉ cần nghĩ đến cảnh hàng ngày anh phải lo từ việc ăn, mặc, vệ sinh cá nhân và làm cho hai đứa con dại luôn vui cười, không phải lên cơn, ta cũng đủ nhói lòng thương cảm. Càng thương hơn khi thử nghĩ, một mai anh già đi, liệu ai có thể thay thế tình phụ tử của anh, đồng hành chăm bẵm hai đứa con bất hạnh ấy?
Có lẽ, nếu bây giờ để anh Nghị tiếp tục chọn lựa giữa việc xích hai đứa con lại để chúng thiếu thốn, khổ sở mà đi bươn chải kiếm sống, với việc tự hạ mình, lấy nước mắt người khác để hai con Toàn, Tùng không còn cảnh vờ vật, đói rét... thì tôi nghĩ, người làm bố ấy vẫn sẵn sàng nhận búa rìu từ dư luận mà chọn phương án sau cùng...