Cạn kiệt sản vật
“Tháng 7 (âm lịch) nước nhảy khỏi bờ, thế nhưng hiện nay đã gần bước qua tháng 8 âm lịch rồi mà con nước vẫn lẹt đẹt, thấp tè lạ kỳ. Tôi nhớ vài năm trước đây, giờ này, người dân thu hoạch lúa xong, nước đổ về trắng đồng, giúp cải tạo đất và phủ phù sa, tháo chua, rửa phèn” – ông Nguyễn Quốc Hùng, lão nông ở ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nói.
|
Người dân xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, nguồn thuỷ sản hiện rất ít do chưa có lũ. Ảnh: Huỳnh Xây |
Ông Hùng nói thêm, người dân ở địa phương đã quen với cuộc sống mùa lũ, cứ mỗi độ mùa nước nổi về bà con đua nhau ra giăng lưới, bắt cá, tép nhộn nhịp hoặc đi thu hoạch bông điên điển – loại cây mọc tự nhiên trong mùa lũ. Đây được coi là nguồn thu nhập không nhỏ của nông dân trong mùa lũ, nhất là đối với các hộ nghèo. Vì vậy, không thấy nước về, bà con vô cùng lo lắng.
"Nhiều năm trước giờ này nước đã lên đồng rồi nhưng giờ thì nước quá tệ, không thấy lũ đâu. Ghe đi đánh bắt cá, tôm lèo tèo, không giống mùa lũ chút nào. Có thể đến giữa tháng 9 tới mới có nước lên nhưng vẫn sẽ lên chậm”.
Ông Bùi Thái Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang
Về các huyện Tịnh Biên, Châu Phú, Tân Châu thuộc tỉnh An Giang - một trong những nơi có phong trào khai thác lợi thế mùa nước lũ, chúng tôi ghi nhận phần lớn hộ dân đã chuẩn bị phương tiện đánh bắt thuỷ sản, nhưng ai nấy cũng nói “năm nay thua rồi, tới giờ này chưa thấy nước lên”.
Lão nông Nguyễn Văn Tám ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu chia sẻ: “Năm nay, nước còn thua năm 2015. Gia đình tôi có 4 người nhưng không có đất sản xuất, sống nhờ việc làm thuê và đánh bắt thuỷ sản mùa lũ. Tôi đã chuẩn bị xong lưới, câu, ghe nhỏ, đèn pin với hy vọng “tác chiến” bội thu, vậy mà tới giờ vẫn không thấy nước lên”.
Cũng như ông Tám, gia đình bà Trần Thị Mến (ngụ cùng xã Vĩnh Xương) đã tranh thủ sửa lại chiếc ghe là phương tiện đi lại chính của người dân vùng lũ. Vậy mà, giờ chiếc ghe của gia đình bà vẫn “trùm mền”.
Một số hộ dân cho biết, với con nước thấp như hiện nay thì “ốc, cua còn khan hiếm nói chi đến cá, tôm”. Nhiều hộ dân đã phải di chuyển xa lên phía thượng nguồn, sang tới bên phía Campuchia đánh bắt. Còn tại các chợ Vọng Đông (huyện Thoại Sơn); Vĩnh Bình (Châu Thành, An Giang), các loại thuỷ sản chỉ có trong mùa lũ được bày bán rất ít, kể cả cá linh.
Làng nghề thấp thỏm
Lũ chưa về khiến nhiều làng nghề ăn theo mùa lũ ở ĐBSCL trở nên đìu hiu, cuộc sống nhiều hộ gặp khó khăn. Làng lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) những ngày này khá im ắng. Ông Phạm Phước Phong - chủ cơ sở lưới Năm Tấn, khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng nói: “Nghề làm lưới phụ thuộc vào lượng tôm cá trên sông. Mấy năm nay lũ ít, nguồn thủy sản tự nhiên dần mất đi, kéo theo làng nghề khó khăn. Cũng may là những người bán lưới ở vùng này có những đơn đặt hàng mối ở nhiều nơi nên cố cầm cự với nghề”.
Tương tự, tại làng nghề đan lọp tép ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, mặc dù giá bán lọp thấp hơn cùng kỳ 2015 khoảng 20% (giá bán lẻ từ 14.000 - 15.000 đồng/cái) nhưng rất ít người mua. Anh Lê Minh Tâm (xã Hoà Long) vừa đan lọp vừa nói: “Năm rồi, đầu tháng 7 âm lịch, tàu ghe từ nhiều nơi khác về đây lấy hàng nườm nượp, cả nghìn cái, còn bây giờ lâu lâu mới thấy vài khách đến lấy với số lượng rất ít”.
Theo số liệu của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, khu vực nội đồng vùng Tứ Giác Long Xuyên (tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ) trong tháng 8 nước lên chậm. Theo Ủy hội Mekong quốc tế (MRC), sông Mekong hiện nay chỉ dâng từ đoạn Kratie ở Campuchia trở lên phía Bắc, còn vùng từ Phnom Penh và Biển Hồ trở xuống ĐBSCL mực nước chưa tăng cao- nguyên nhân là đầu năm nay hạn hán cực đoan diễn ra trên toàn lưu vực nên khi mưa xuống và nước về thì sẽ phải bù vào cho những vùng khô hạn trước khi chảy về phía hạ lưu. Như vậy, rất có thể năm nay lũ về muộn, mực nước không cao.
“Vùng hạ Lào và miền Trung có vai trò quan trọng đưa lũ về miền Tây nhưng nơi này lại không có nước. Trong khi đó, các trận bão không đi vào miền Trung mà chạy lên phía Bắc và Trung Quốc. Ngoài ra, do mùa mưa năm nay cũng thay đổi, tập trung ở ĐBSCL khiến nước xả thẳng ra biển. Vì vậy, năm nay ĐBSCL có thể có lũ về muộn và không lớn” - TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) trao đổi với phóng viên NTNN.
Mời quý độc giả xem video Xe ngược dòng lũ (nguồn Youtube):