Chợ chim trời công khai giữa phố
Dạo quanh các tuyến phố của TP Thanh Hóa, ít ai nghĩ rằng những năm trước đây chẳng có ai đi bán chim chóc cả. Thế nhưng bây giờ việc buôn bán chim trời dường như trở thành một dịch vụ phổ biến nơi đây.
Hoạt động mua bán cò "thịt" công khai trên tuyến phố.
Từ sáng sớm, người phụ nữ trạc tuổi 50 hì hục đạp chiếc xe đạp cũ kỹ, đằng sau chở 5 chiếc lồng đựng chim đến “điểm hẹn”. Có lẽ người phụ nữ này vẫn đến chậm vì khi tới nơi đã có nhiều người khác như chị chuẩn bị bày “hàng” ra bán rồi.
Những chiếc lồng chim đủ kích cỡ được những người buôn chim tập trung bày bán nhiều nhất trên vỉa hè tuyến phố Lê Hoàn thuộc phường Trường Thi, TP Thanh Hóa. Những chú chim màu sắc lẫn lộn xanh, vàng, trắng, đen ríu rít nhảy nhót trong lồng trước ánh mắt kẻ mua người bán. Chúng được các lái buôn bán với giá khá “bèo” từ 20-100 nghìn đồng/con tùy loại chim.
Trên những tuyến phố khác thì dễ dàng gặp tiếng rao bán chim sang sảng: “Mua chim đi, cò 25.000 đồng, gà đồng 30.000 đồng đây. Rẻ hơn thịt lợn, không mua nhanh là hết ngay đó”. Lân la hỏi chuyện, tôi được một phụ nữ cho biết phần lớn những người buôn chim lấy nguồn hàng từ những người đánh bẫy ở huyện Quảng Xương, Hoằng Hoá. Ngày nào người phụ nữ này cũng chở 2 xe đầy chim lên phố để bán.
Các lái buôn chim đổ về thành phố Thanh Hóa để tiêu thụ hàng.
Lưới giăng trắng đồng như phơi lụa
Lần theo chỉ dẫn của một lái buôn chim, chúng tôi tim về các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia… thì mới hay “công nghệ” bắt chim trời vô cùng công khai và tinh vi. Dọc các xã Quảng Giao, Quảng Hùng, Quảng Hải…thuộc huyện Quảng Xương, đi đến đâu cũng thấy lưới giăng trắng đồng như phơi vải lụa. Cả cánh đồng rộng hàng trăm hécta cũng được người dân giăng lưới mênh mông. Bất kể con chim nào xấu số sa lưới liền bị bắt đem đi bán.
Lưới bẫy chim giăng trắng những cánh đồng mênh mông.
Gặp ông M. (quê ở xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương), một tay săn chim có thâm niên hơn 10 năm cho biết: “Những ngày vụ mùa là thời điểm chim về nhiều. Do vừa rồi có trận mưa lớn lại có gió lạnh nên có ngày tôi bẫy được cả trăm con chim, tính ra cũng kiếm được hơn trăm nghìn. Vào mùa này không chỉ người dân xã tôi mà rất nhiều người dân xã khác cũng chọn nghề này để kiếm cơm, chim trời nhiều vô kể, không bắt thì người khác cũng bắt thôi”.
Đồ nghề của giới chuyên bẫy chim gồm có lưới, nhựa, chim mồi,… Đặc biệt để dụ được những con chim trời sa lưới, cánh săn chim chuyên nghiệp còn dùng băng đĩa thu âm thanh của chúng rồi rải khắp cánh đồng gần các con chim mồi để gọi bầy đàn.
Một chú chim dính bẫy.
Ông Lê Văn H., một chủ bẫy chim ở xã Quảng Giao, đang lăm lăm khẩu súng trên tay để sẵn sàng nhả đạn vào những chú chim may mắn thoái ra khỏi giàn lưới, cho biết: “Ở quê tôi có đến cả trăm người đi bẫy chim, nếu tính cả vùng này thì nhiều vô kể không đếm xuể. Mùa săn chim thường bắt đầu từ tháng 9 cho đến hết tháng 11, có khi kéo dài sang đến hết tháng 12, tùy vào thời tiết và tập tính của chim. Chim năm nay cũng ít hơn mọi năm nên cứ bắt được con nào là lái buôn lại lấy hết để cung ứng cho nhà hàng”.
|
Ông Phạm Văn Chiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Thanh Hoá trao đổi với PV. |
Ông Phạm Văn Chiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Thanh Hoá cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi có nghe thông tin về việc bày bán chim trên các tuyến phố. Sau khi xác minh là có thật, chúng tôi đã làm đơn đề nghị lên UBND thành phố Thanh Hóa xin ý kiến chỉ đạo. UBND thành phố cũng đã có văn bản chỉ đạo cho các phòng chức năng phối hợp xử lý. Nhưng quả thực là xử lý rất khó vì theo khung hình phạt áp dụng đối với người vận chuyển, mua bán động vật hoang dã thì cao quá trong khi giá bán chim chóc thấp không nằm trong khung phạt”.
|