Những người đàn ông nổi tiếng vì... nhiều vợ

Google News

(Kiến Thức) - Họ khác nhau về thân phận, địa vị, tiền bạc nhưng có đặc điểm chung là … rất nhiều vợ. 

"Một ông năm bà" nổi danh đất lúa Thái Bình

Câu chuyện ông lão và 5 bà vợ sống chan hòa, yêu thương dưới một mái nhà với 9 người con, 18 đứa cháu nội ngoại khiến nhiều người ngạc nhiên.

Đó là ông Phùng Văn Thuần, năm nay đã 72 tuổi, người thôn Khả, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Mọi người quen gọi ông là Thuần “đa thê”. 

Chàng trai trẻ Phùng Văn Thuần hơn 50 năm về trước tuổi vừa đôi mươi, vẻ ngoài phong nhã, có đôi bàn tay tài hoa của người thợ mộc giỏi kế tục nghề từ ông cha. Xưởng mộc của ông ngày đó nổi tiếng không chỉ trong huyện Hưng Hà mà các huyện lân cận cũng biết tới, thường xuyên đặt hàng. 

 Chân dung ông lão đa thê quê lúa Thái Bình.

Năm 22 tuổi, ông Thuần nên duyên với bà Lê Thị Len là người cùng thôn, tuổi vừa 18. Ông đến với bà là do tìm hiểu chứ không phải do gia đình gán ghép. 

Sau bốn năm, bà Len sinh cho ông hai người con, một trai một gái kháu khỉnh. Thời gian này, xưởng mộc của ông Thuần làm ăn khá giả, ông ký hợp đồng đóng bàn ghế cho các trường mầm non huyện Quỳnh Phụ... Thời gian đi lại huyện này làm ăn, ông Thuần đã quen rồi nảy sinh tình cảm với bà Nguyễn Thị Nguyên, người xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ. 

Tính thẳng thắn, ông Thuần đem chuyện “phải lòng” về nói với vợ. Tưởng nghe xong vợ ông sẽ nổi máu ghen tuông nhưng không ngờ sau đó bà đã một tay vun vén, chuẩn bị ngày cưới vợ cho chồng. 

Cái tên ông Thuần “đa thê” được người ta gọi từ khi ông cưới bà thứ ba. Bà Tùng năm nay 62 tuổi người thôn Khả cũng tự nguyện đến với ông bởi cái tính tình hiền nhã, chí thú làm ăn, yêu thương vợ con của ông. 

Dân làng Khả cứ vậy được phen đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Vài năm cả làng lại rộ lên chuyện ông Thuần “nạp thiếp”. Nhiều người còn nói ông dùng bùa yêu để các bà ấy tự nguyện theo như sam vậy. 

Không chỉ dừng lại ở bà ba, sau vài năm ông lấy thêm bà tư, bà năm. Bà tư cùng bên Quỳnh Phụ với bà hai, là giáo viên mầm non xã Quỳnh Châu. Bà năm kém ông 22 tuổi, làm nghề bún ở xã bên cũng cắp nón theo ông sau mấy đận gặp nhau ngoài chợ. 

Cuộc sống của năm bà chung một ông chồng suốt mấy chục năm này khiến dân làng vừa ca ngợi ông, vừa kính nể ông như một vị tướng chỉ huy tài tình một “tiểu đội” vợ trong ngôi nhà hạnh phúc.

Về bí quyết để giữ được hòa khí trong gia đình, ông Thuần thẳng thắn cho biết, đó chính là sự tôn trọng nhau. Các bà vợ luôn coi trọng gia đình, sống với nhau bằng tình yêu của người vợ, người mẹ. 

Đại gia Lê Ân cưới 5 vợ đồng trinh

Cuộc đời đại gia Lê Ân có nhiều biến cố thăng trầm, đặc biệt vào mỗi một thời điểm trong cuộc đời của vị đại gia này lại có một bóng hồng ở bên cạnh. Tuy nhiên, trong 5 bà vợ mà ông tuyên bố là đều trinh tiết khi đến với ông thì có tới 3 bà vợ phụ bạc ông, bỏ ông mà đi, lừa đảo ông hoặc ngoảnh mặt khi ông gặp sóng gió.

Người vợ đầu tiên của đại gia Lê Ân là bà Lê Thị Ngọc L. (năm nay đã 70 tuổi). Hai người đã có 5 mặt con với nhau. Tuy nhiên, trong thời gian ông ở tù, người vợ này đã làm đơn ly dị, gửi vào tù cho ông ký và lấy hết sạch tài sản của ông.

Người vợ thứ hai là một phụ nữ lai Mỹ, ở với ông Lê Ân được một năm thì đi làm ăn xa và mất tích, để lại cho ông một đứa con trai.

 Đại gia Lê Ân

Ông lấy người vợ thứ ba tên Th. (khi ấy cô Th. mới 20 tuổi), là một phụ nữ xinh đẹp, có học thức, người gốc Bắc. Đám cưới của hai người diễn ra hoành tráng nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng, cô này đã bộc lộ nhiều âm mưu thủ đoạn, trong đó có cả việc uống thuốc ngừa thai để không có con với ông. Cưới nhau chưa đầy 6 tháng, cô này đã ôm toàn bộ tiền vàng của ông bỏ trốn.

Khi thành lập Công ty Lê Hoàng, Lê Ân cưới người vợ thứ 4, tên K.. Rất tin vợ, ông đặt vợ vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Khi Ngân hàng VCSB giữa đường gãy gánh khiến ông lâm vào cảnh tù tội, trách nhiệm điều hành công ty Lê Hoàng được ông giao lại cho người vợ này. Tuy nhiên, trong thời gian ông ở tù vì vụ VCSB, người vợ này đã âm thầm cùng "người tình" chuyển giao toàn bộ tài sản lẫn quyền lực của ông cho... chính họ. Và kết cục của cuộc hôn nhân này cũng là việc ly hôn trước tòa.

Và mặc dù đã hứa với lòng rằng “sẽ sống một mình suốt đời”, nhưng số phận khiến xui cho Lê Ân gặp người vợ thứ 5 là Mai Thị Mai - một trí thức trẻ, xinh đẹp, kém ông hơn 50 tuổi.

Ở độ tuổi "xưa nay hiếm", ông Lê Ân cho biết cô Mai Thị Mai sẽ là cuộc hôn nhân cuối cùng của mình.

Cưới vợ thứ 5 ở tuổi “thất thập cổ lai hy”

Trên mảnh đất đại ngàn tỉnh Gia Lai có một túp lều nhỏ thuộc làng Típ, xã Iakreng, huyện Chư Păh, nằm chơ vơ giữa ngọn đồi. Trong túp lều đó có một câu chuyện tình cảm động của hai vợ chồng ông Rơ Châm Vinh (88 tuổi) và bà Rơ Châm Lót (86 tuổi).

Bà Rơ Châm Lót là đời vợ thứ 5 của ông Vinh. Tuy nhiên, thời gian ông sống với 4 người vợ đầu rất ngắn ngủi, thậm chí cộng tất cả lại cũng chưa bằng thời gian ông đang sống với người vợ út này.

 Ông Vinh bên bà vợ thứ 5

39 tuổi, ông mới bắt đầu siêu lòng với người con gái đầu tiên. Rồi hai người trở thành vợ chồng. 3 tháng sau, người vợ trẻ của ông mắc phải căn bệnh sốt rét, không biết cách chữa trị, ông đã để mất người vợ thân yêu đầu tiên của mình.

Hai năm sau, ông lấy vợ hai, nhưng số phận người vợ này giống hệt người vợ cả. Chỉ sau vài tháng lấy nhau, bà lại bỏ ông vì căn bệnh sốt rét…

Một năm sau, ông “bắt” người con gái dân tộc Nùng ở tận Đăk Lăk. Hạnh phúc đã mỉm cười khi vợ ông sinh hạ được một bé trai. Nhưng cuộc tình này cũng chỉ kéo dài được 2 năm. Năm 1975, bà âm thầm bồng con về lại quê hương vì quá nhớ nhà.

Năm 1977, ông được một người con gái trong làng “bắt” về làm chồng. Hạnh phúc thứ 4 cũng chỉ kéo dài được 6 năm. Như hai vợ đầu, người phụ nữ này cũng ra đi vì bệnh tật, để lại ông một mình gà trống nuôi 4 con thơ. 10 năm sau, những đứa con của ông đã tự thay cha lên rẫy kiếm cái ăn. Rồi mỗi năm, đứa thì đi về nhà vợ, đứa thì “bắt” chồng. Một mình ông chơ vơ giữa ngọn đồi, lúc lên rẫy trồng trọt, lúc xuống sông câu cá. 

Những lần đi rừng như thế, ông đều bắt gặp bóng dáng của một người phụ nữ, lưng đeo gùi, một mình lầm lũi lúc vào rừng rậm bẻ măng, lên rẫy thu hoạch lúa. Người phụ nữ ấy cũng có chồng và 5 đứa con, nhưng chồng bà đã mất gần 20 năm nay, 5 đứa con đã lập gia đình. Hai phận người cô độc ấy ngày ngày gặp nhau, chào nhau rồi ai về nhà nấy.

Mấy năm trôi qua như thế, bỗng một ngày đầu mùa khô năm 2001, ông thấy nhớ ánh mắt người phụ nữ ông vẫn gặp trên rừng, trên rẫy nên đến làng tìm và hay tin bà Lót “sắp về với Yàng”.  Biết mình không thể để mất người phụ nữ này, ông lặn lội cuốc bộ gần 50km đường đồi núi ra tận huyện tìm bác sĩ, kể bệnh của bà Lót cho bác sĩ nghe… Cứu  được bà Lót, người trong làng ai cũng nghĩ, Yàng thương hai ông bà, muốn bà Lót sống để báo ơn ông Vinh. Và đám cưới của hai người diễn ra theo phong tục của người J’rai, họ hàng, làng xóm người góp rượu, người góp thịt kéo về nhà bà Lót ăn mừng. 

Từ đó, hai ông bà về sống với nhau trong túp lều nhỏ chưa đầy 5m2 nằm lẻ loi giữa ngọn đồi. Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng già kéo dài đã 9 năm nay. Tuy tuổi đã cao nhưng cả hai ông bà vẫn còn rất khỏe. 

Ông 6 vợ: Yêu là … lấy  

Ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1959), trú bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) được cho là đào hoa nhất miền Tây tỉnh Nghệ An khi cưới được đến... 6 người phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, các bà vợ đã lần lượt phải tự ra đi vì không thể chịu được cảnh chung chồng. Họ đành sống cô đơn với nỗi ân hận vì đã từng lú lẫn vì tưởng đó là tình yêu. 

Chia sẻ về chuyện đưa 6 người phụ nữ đến về ở chung một nhà với mình, ông nói: "Tôi lấy vợ chỉ vì tình thương chứ không có yêu đương gì. Họ thương yêu mình thì mình chấp nhận chứ tôi cũng không ép buộc gì". 

Người vợ đầu tiên của ông Tiến là bà Lý Thị Hoan (SN 1961). Hai người có chung với nhau ba mặt con, gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

 Ông Nguyễn Văn Tiến

Mặc dù đã có gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả, thế nhưng nhờ cách nói chuyện hóm hỉnh, cộng với sự đào hoa nên không lâu sau thời gian sống với người vợ đầu tiên, ông Tiến đã khiến một người phụ nữ khác là bà Lô Thị Xuyên say như điếu đổ. Năm 1992, người đàn ông này quyết định cưới thêm bà Xuyên về làm vợ. 

Mấy năm sau, trong chuyến về thăm quê ở huyện Tương Dương, ông Tiến phải lòng một cô gái mới lớn tên là Lô Thị Phượng. Và cũng như lần trước, sau khi "tán" đổ cô gái này ông về nhà đòi cưới thêm vợ ba, mặc cho hai bà vợ trước phản đối kịch liệt. 

Tưởng chừng cưới đến ba vợ đã là quá lắm nhưng sau đó ông lại tiếp tục "chiêu" cũ lấy thêm... ba bà nữa. 

Theo bà Xuyến - bà vợ thứ hai, ông Tiến là một người ăn nói nhỏ nhẹ, trong sinh hoạt hằng ngày ít khi ông to tiếng với bà nào hay tỏ ra thiên vị ai quá mức. 

Nếu có xích mích giữa các bà vợ, ông lại khéo léo vào cuộc để giải quyết những xung đột. Thời gian đầu, đặc biệt khi vợ còn chưa quá nhiều, cuộc sống gia đình cũng chưa phát sinh những mẫu thuẫn quá lớn. 

Tuy nhiên, khi ông Tiến lấy đến bà vợ thứ sáu thì cuộc sống gia đình đã trở thành địa ngục. Ông Tiến chia nhà mình thành nhiều buồng, ngăn cách bởi những chiếc ri đô mỏng tanh cho mỗi bà vợ một "vương quốc riêng". Hàng đêm, khi ông "thăm" một bà thì năm bà còn lại đành phải ra ngoài cho đến khi "xong việc" mới vào nhà vì không thể chịu nổi. Sau một thời gian như vậy, 4 bà vợ của ông Tiến đã tự nguyện ra đi ở riêng. Hiện giờ, ông sống cùng với bà vợ cả và vợ thứ năm cùng con của những người vợ đó. 

3 vợ 15 con

Là người dân tộc Mông, sinh ra ở Sơn La, từ năm 12 tuổi, ông Mùa A Tu (SN 1958) đã lấy người vợ đầu tiên và lần lượt sinh được 5 người con gái.

Tới năm 1984, hai vợ chồng ông cùng 5 con gái chuyển về bản Láy để định cư, tại đây, ông Tu đã có cuộc gặp gỡ với bà Thào Thị Mỗ. Chỉ sau một lần gặp mặt, hai người đã bén duyên. Hiểu được việc cần thiết có con trai, lại thêm biết được bụng dạ chồng, chẳng để chồng phải mở lời, bà vợ cả Thào Thị Chi đã chủ động đi hỏi vợ hai cho chồng.

 Ông Mùa A Tu

May mắn, sau khi lấy thêm vợ hai, bà Thào Thị Mỗ đã sinh hạ được cho ông Mùa A Tu đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Mùa A Sênh. Những năm sau đó, bà Thào Thị Mỗ tiếp tục sinh cho ông Tu thêm 4 cô con gái. Đến lúc này ông Tu đã có tới 10 người con. Từ lúc đó, ông Tu đã nổi tiếng trong vùng vì nhiều con nhất.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, người đàn ông đa tình nhất Mộc Châu tiếp tục bén duyên với một người đàn bà từng được mệnh danh là “hoa khôi” của bản Láy là bà Sồng Thị Xồng. Bà Xồng vốn là một phụ nữ có nhan sắc nổi tiếng nhưng vì “kén cá chọn canh”, cuối cùng "quá lứa lỡ thì" đành ở vậy.

Trong lần gặp nhau khi đi làm trên nương, thấy vẻ đẹp mặn mà của bà, Mùa A Tu không kìm được lòng, hỏi bà Xồng rằng: “Về ở chung một nhà với tôi cho vui”. Câu nói thật thà mà chứa chan tình cảm của A Tu khiến bà Xồng vui vẻ chấp thuận. Vậy là từ ấy, căn nhà của Mùa A Tu có thêm thành viên mới.

Đặc biệt, chẳng kém cạnh hai vợ lớn, cô vợ út Sồng Thị Xồng cũng đẻ cho Mùa A Tu 5 đứa con (3 trai, 2 gái) khiến gia đình ông có tới 15 người con. Hiện tại ông Tu cũng đã có 7 đứa cháu, con gái lớn của ông năm nay cũng đã ngoài 40 tuổi.

Ông Mùa A Tu chia sẻ “bí quyết” sống vui vẻ bên 3 bà vợ: “Mình cứ sống sao cho công bằng, không bênh ai, chê ai cả, người nào có lỗi thì cũng chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo. Chuyện tình cảm cũng vậy, cứ san sẻ đều ra là các bà ấy đều vui để cảm thấy không ai bị hắt hủi. Từng ấy năm sống trong nhà, chưa bao giờ có tiếng cãi vã cả”.

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Thuần Lương (T.H)

Bình luận(0)