Những đứa trẻ mưu sinh đêm trung thu
Tháng tám về, khi tất cả mọi con đường, ngõ hẻm của phố phường Sài Gòn trang trí đèn sao rực rỡ, tiếng múa lân, trống ếch đã rộn ràng để cho thiếu nhi rước đèn, đi phá cỗ trung thu. Lần theo những con phố để cảm nhận cái không khí rộn ràng của tuổi thơ này, bên cạnh những đứa trẻ có cuộc sống đầy đủ, đang nô nức đón nhận tình yêu thương, sự chở che của gia đình thì vẫn còn đó những mảnh đời cơ nhỡ, lạc lõng giữa màn đêm bao phủ. Những đứa trẻ này dường như chưa hề có trung thu.
Danh Phong, cậu bé 13 tuổi với khuôn mặt khôi ngô cắp bên hông rổ đựng đậu phộng, bánh ngọt và những phông kẹo singum đi dọc các công viên, hễ thấy có người ngồi xuống là cậu bé vội chạy tới mời chào.
“Cô chú ơi, mua giúp con bịch đậu hoặc phông kẹo đi ạ!”, thấy cậu bé mời chào đon đả, chúng tôi đồng ý mua cho em 2 phông kẹo singum.
|
Nét hồn nhiên, tuấn tú của cậu bé Danh Phong phải nghỉ đi bán đậu phộng vì gia đình nghèo khổ. |
Phong cho biết, nhà có 4 anh em, mẹ em bị bệnh thần kinh tọa nên không làm được việc nặng, chỉ đi cắt cỏ thuê cho người ta, ba em thì làm đủ thứ nghề nhưng vẫn không đủ sống. Hằng ngày em đi bán đậu phộng và vé số để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi 2 em nhỏ. Đang trò chuyện, cậu bé bỗng nhiên khựng lại khi thấy ở bên kia đường, một cậu bé trạc tuổi Phong đang nhõng nhẽo ba mẹ mua nhiều đồ chơi và lồng đèn để đi chơi trung thu. Ánh mắt em đượm buồn, miệng lẩm bẩm “con nhà giàu sướng nhỉ, được ba mẹ chiều chuộng nên muốn mua gì cũng được”.
Câu nói của đứa trẻ 13 tuổi khiến chúng tôi phải giật mình! Đúng rồi, cuộc sống còn có biết bao những mảnh đời nghiệt ngã, đôi khi chỉ một chút vô tình mà chúng ta lãng quên mất.
Chúng tôi tiếp tục dạo quanh các con phố như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, dòng người qua lại tấp nập chuẩn bị cho đêm phá cỗ. Một cô bé với nước da ngăm đen bưng chiếc rổ đựng hoa quả đã gọt sẵn gói bịch liên tục mời chào những khách ở trong các quán nhậu ven đường. Thấy chúng tôi tiến tới hỏi mua bịch xoài, đôi mắt cô bé sáng lên đến lạ lùng. Cô bé tên Thủy Tiên, quê ở miền Tây tâm sự với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình em với đôi mắt ngấn lệ: “Em không có ba, em ở với mẹ và ngoại từ nhỏ. Em nghe ngoại em nói là ba em mất khi em chưa ra đời, năm em lên 3 tuổi thì mẹ em cũng bỏ em đi vì bệnh tật. Ngoại thì già yếu rồi nên em phải theo mấy cô chú ở dưới quê lên đây đi bán vé số kiếm tiền gửi về cho ngoại, thường ngày em bán vé số, nhưng hôm nay là trung thu nên em đem trái cây đi bán phụ cho thím Tư (một người cùng quê với Tiên-PV). Từ nhỏ tới giờ em chưa bao giờ được ăn bánh trung thu và được có ba có mẹ đưa đi chơi trung thu cả, em nhớ mẹ và ngoại lắm anh chị ơi”.
Ước mơ nhỏ bé của những đứa trẻ nghèo
Lặng lẽ ngồi ở góc đường Pasteur trên phố sầm uất, em Tường Vi (11 tuổi, quê ở Sóc Trăng) buồn buồn nhìn dòng xe tấp nập qua lại trên đường, hằng ngày em lấy vé số ở các đại lý rồi đi bán dạo, tối tối cũng ra các công viên và quán nhậu đông người để bán đậu phộng và vé số. Sớm mồ côi mẹ nên em ở với ba, một mình ba của Vi phải nuôi 4 đứa con nên cuộc sống rất túng quẫn. Hai năm gần đây, ba của em lâm bệnh nên Vi phải theo chân những người ở dưới quê lên Sài Gòn mưu sinh. Kiếm được chút ít tiền, em kiền gửi về quê cho ba mua thuốc.
|
Tường Vi (bìa trái) và Thủy Tiên (bìa phải) ngồi nghỉ chân và kiểm tra lại những tờ vé số chưa bán hết. |
Cô bé cứ nhìn vào những chiếc bánh trung thu được trưng trong tủ kính của cửa hiệu bên cạnh rồi thì thầm với chúng tôi: “Con thích được ăn bánh trung thu, vì từ bé đến giờ chưa một lần con được nếm thử, con nghe nói bánh trung thu ngon lắm! Con nít ở thành phố thích thật, được ăn quà bánh suốt ngày”. Khi chúng tôi hỏi về ước mơ của em, em bảo là chỉ ước làm sao cho ba em được hết bệnh, gia đình em không phải khó khăn như bây giờ và em được đến trường, được vui chơi như những đứa trẻ bình thường khác. Vừa nói, đôi mắt của em lại hướng lên bầu trời nhìn những ánh sao trên trời cao như cầu nguyện một điều kì diệu nào đó.
Chia tay với những em nhỏ ở các con phố trong trung tâm thành phố, chúng tôi hướng về “xóm ngụ cư” của những đứa trẻ con của những thợ hồ công trình ở làng Đại học Quốc gia, thuộc khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Những người sống ở đây đều là dân tứ xứ, làm công nhân cho các công trình xây dựng ở khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An, Bình Dương. Họ dựng tạm những ngôi nhà, cố gắng bám trụ một thời gian ở mảnh đất này. Vốn là những người lao động tự do, không đăng kí hộ khẩu nên những đứa trẻ sinh ra đều không có giấy khai sinh vì thế các em cũng chẳng đủ điều kiện để được đến trường.
|
Các thành viên của "đội quân vé số" nghịch ngợm tạo dáng trước máy ảnh. |
Không được học hành, nhưng lũ trẻ cũng đã hiểu được và lo toan trước cái “sự đời” trước cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới của các em. Cầm xấp vé số khoảng 30 chục tờ và cắp rổ đậu phộng bên hông, Nguyễn Vũ Trường (12 tuổi), anh hai của nhóm trẻ bán vé số cho biết: “ở làng Đại học này có nhiều người đi bán vé số và trái cây bịch nên tụi con phải dậy từ rất sớm, nếu đi trễ thì người ta mua của người đến bán trước mất. Kiếm được bao nhiêu tiền bọn con đều mang về cho mẹ đong gạo”.
Mỗi ngày, để bán được nhiều thì cả nhóm phải lượn lờ hết các quán cà phê, quán ăn ở khắp làng Đại học và sau đó bách bộ dọc quốc lộ 1A ra xa lộ Hà Nội, tính ra mỗi ngày các em phải đi bộ 1 quãng đường lên đến hàng chục km.
|
Ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", nhưng những đứa trẻ nghèo này đã phải lặn lội hàng chục cây số mỗi ngày trong mưa gió để mưu sinh. |
Mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng từ việc đi bán vé số và đậu phộng, nhưng chuyện để có được chiếc bánh để “phá cỗ” trong đêm trung thu với các em chỉ là ước mơ quá xa xỉ. “Hôm qua, con Mén(7 tuổi) nó đi qua chỗ người ta bán bánh mà nó cứ đứng nhìn hoài. Tối về nó đòi mẹ mua bánh thì bị đánh cho mấy roi. Năm ngoái tụi con được các anh chị sinh viên đến cho quà và dẫn đi xem múa lân, vui lắm. Năm nay, không biết các anh chị ấy có bận học hay còn phải đi chỗ khác nữa mà không thấy ghé đến cho tụi con quà” - Trường Vũ rầu rĩ nói.
|
Nụ cười lạc quan của cậu bé Vũ Trường. |
Trên dọc hành trình của mình, đội quân bán đậu phộng và vé số thỉnh thoảng dừng chân, chúng nhìn vào những đứa trẻ cùng trang lứa đang nô đùa bên những chiếc đèn lồng, chúng thèm lắm, nhưng trên tay chúng vẫn còn những rổ đậu “nặng trĩu” cơm áo nên chúng đành phải bước tiếp.
Đêm về khuya, những con đường vắng dần, cả thành phố chìm vào giấc ngủ, chỉ còn lại những quán nhậu lai rai đêm khuya. Đội quân bán đậu lại í ới gọi nhau trở về, khép lại đằng sau những lời xua đuổi, chua chát của người lớn. Chúng trở về với nụ cười khi đã bán hết đậu ở trong rổ. Lúc này thì tiếng trống lân xập xình cũng đã chìm sâu vào đêm vắng. Đêm nay, khi hội trăng rằm vào lúc tưng bừng náo nhiệt nhất cũng là lúc nhiều em thơ vẫn còn đang run rẩy dưới mái hiên trên các vỉa hè.