Một chiều nóng như đổ lửa ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, chúng tôi có dịp gặp "Hồ Giáo thứ hai" của Việt Nam, đó là Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài, một tấm gương sáng, ý chí quật cường với tinh thần lao động không mệt mỏi.
|
Ông Lài và 9 bài học cải tạo rừng nghèo. |
Anh hùng "phá rừng"
Trong ngôi nhà đơn sơ ngự dưới dãy núi cao đồ sộ ở thị trấn Con Cuông, "lão tướng" hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động có dáng người nhỏ bé, nước da bánh mật rám nắng nhưng đôi mắt rất sáng và tinh anh. Ông Lài cười vui bảo rằng: "Người ta cứ nói vui là tui vừa là anh hùng phá rừng, vừa là anh hùng trồng rừng, cũng có cái lý đúng cả đấy. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, thì hình như mình phá rừng nhiều hơn trồng rừng".
Ông Lài kể rằng, Con Cuông không phải quê gốc của mình. Ông gốc gác sinh ra ở xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương nhưng mồ côi cha mẹ từ khi 3 tuổi. Cuộc đời phiêu bạt, tự lập của một đứa trẻ miền sơn cước đã giúp ông sống sót qua thời chiến bom đạn. Năm 1961, khi ấy ông tròn tuổi 20 thì làm công nhân cho Lâm trường Con Cuông. Sức khoẻ của ông thời trẻ có thể ví như lực sĩ, lại có tư chất thông minh nên chỉ 3 năm sau, ông Lài được chọn làm Tổ trưởng sản xuất, chăn trâu cắt cỏ, từ việc nhỏ đến lớn ông làm tuốt. Năm 1963, ông Lài được Bác Hồ tặng huy hiệu về sáng kiến với ý thức bảo vệ XHCN.
Năm 1968, Đội khai thác gỗ Trung Chính do ông Lài đứng đầu đã có những sáng kiến táo bạo để "phá rừng" vừa nhanh vừa hiệu quả. Ông cho dùng cưa xăng để thay cho búa rìu, rồi cải tiến "đường xai", một loại đường dốc hai bên là núi đá sống trâu mà người không kéo được, phải dùng sức voi lao gỗ xuống. Đường hình thành bằng cách mở thêm đường bên sườn núi thoai thoải đi xuống lòng khe núi. Từ những sáng kiến đó, đội Trung Chính trở thành nòng cốt của Lâm trường Con Cuông. Với nhiều thành tích về đích sớm, năm 1985 ông Lài vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ông Lài với chất giọng xứ Nghệ tỉ mẩn: "Phá rừng hay trồng rừng mà không biết sáng tạo thì thì mệt lắm. Rừng núi thì trùng điệp như rứa mà cứ dùng sức người kéo gỗ thì đến tết mới xong. Trong môi trường tập thể thì người ta hay có kiểu "cha chung không ai khóc", mình mà cũng rứa thì chỉ có tụt lùi, nên phải tiến, phải nghĩ, phải sáng tạo".
|
Voi chuyển gỗ ở Lâm trường Con Cuông những năm 1990. |
Anh hùng trồng rừng
Năm 1988 ông Lài được đề bạt làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc Lâm trường rồi 3 năm sau ông chính thức giữ chức vụ giám đốc. Ông Lài bảo: "Đây là giai đoạn chuyển đổi và cũng là kết thúc thời kỳ "phá rừng". "Tui đi khảo sát mới hay, rừng giàu gỗ đã khai thác gần như cạn kiệt quá rồi, trong lúc đó vốn của Lâm trường Con Cuông chỉ còn 40 triệu đồng".
Ông Lài như mang nợ vì "phá rừng" nên từ chương trình 327, ông đã chỉ đạo Lâm trường Con Cuông dồn sức "tạo vốn" bằng cách phục hồi rừng. Hơn 20.000ha rừng của Lâm trường được phủ xanh mướt. Các loại gỗ được trồng từ trên núi xuống dưới thung lũng đã "vá" lành đồi trọc. Khẩu hiệu hành động mà ông Lài đưa ra: Cải tạo cồn vệ - cải tạo khe chọ - cải tạo đồi núi và chế biến sản phẩm.
Ông Lài cho biết: "Vốn của Lâm trường chính là rừng, rừng không còn tức là anh đã hết vốn. Cải tạo cồn vệ là lấy nông nghiệp làm nền tảng. Cải tạo cồn vệ là khai hoang phục hóa đất gò đồi, đất bằng, đất vệ, khai thác hết tiềm năng đất hiện có". Từ những sáng kiến ấy, chỉ một thời gian sau và cho đến tận bây giờ, những cánh rừng giàu ở Con Cuông vẫn được người dân gọi là "rừng ông Lài", từ khe Xộc, khe Luông, thác Kèm, vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát mới thấy một đại ngàn xanh giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Thấy những cánh rừng xanh tốt, ông Lài cũng vơi bớt những áy náy với những cánh rừng từng bị triệt hạ đến từng gốc rễ. Đến năm 2000, ông Lài được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần hai. Nhiều người bảo rằng, ông Lài chính là "linh hồn" của rừng Con Cuông, rừng Con Cuông còn là bởi còn ông Lài.
Và chuyện quán cơm "không vớ vẩn"
Chuyện quán cơm "không vớ vẩn" vừa là chuyện hiếm, chuyện lạ và cũng rất độc đáo của Việt Nam, nó gắn liền với tên tuổi của "lão tướng" hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Nguyễn Ngọc Lài. Ông Lài cho hay: "Quán cơm được mở năm 1985, là một trong những quán cơm đầu tiên của huyện Con Cuông. Lúc đầu mở ra, chỉ là một hình thức "giải quyết thất nghiệp" cho con cái mà thôi".
Ông Lài nói thật, với cương vị của ông lúc bấy giờ thì việc xin cho mấy đứa con làm ở nơi này nơi kia là quá đơn giản. Nhưng ông không muốn xin ai, cũng không muốn "làm thay việc cho con". Mỗi người phải tự tìm lấy công việc cho riêng mình, để sống và để hoàn thiện bản thân.
Quán cơm quả thực rất lạ, nơi đấy đã biết bao nhiêu lần đuổi thượng đế ra khỏi cửa chỉ vì họ không xứng đáng để... ăn cơm. Từ khi lập ra quán cơm, ông Lài đã đề ra 3 điều quy định cho khách: Không mặc áo hở nách, không ngồi xổm, không hút thuốc.
Ông Lài giải thích: "Con người phải có văn hoá để tiến tới văn minh, việc ăn uống rất dễ mà cũng rất khó. Nhiều người không có ý thức văn hoá, hoặc có khi vui vẻ thái quá cũng gây mất văn hoá. Vậy thì, việc của mỗi người là phải giáo dục văn hoá cho nhau để cùng tiến. Quán cơm của tui làm mất lòng nhiều người, nhưng tui tin chắc là họ sẽ học được một nét văn hoá cơ bản để làm người xứng đáng... ăn cơm".
- Hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ông Nguyễn Ngọc Lài còn là Đại biểu Quốc hội khoá: 4, 5, 7, 8. Có lẽ vì thế mà ông Lài cũng có nhiều bạn và nhiều khách. Thời còn ở Lâm trường Con Cuông, có tháng ông Lài chỉ lĩnh được 10 nghìn đồng vì tiền lương của ông đã trừ hết vào tiền tiếp khách.
- "Dù là hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, nhưng tôi thấy rằng, 2/3 danh hiệu ấy phải là của các anh chị em công nhân trong Lâm trường Con Cuông. Tui chỉ là người đứng đầu, đề ra mục tiêu để anh em thực hiện. Dù đã nghỉ hưu hơn chục năm nay, nhưng vẫn thường đi thăm hỏi anh em công nhân như một nghĩa cử để mình cảm ơn họ, có anh em công nhân thì tôi mới được làm Anh hùng".
Ông Nguyễn Ngọc Lài (Anh hùng Lao động)
|