Bản đồ chôn các chiến sĩ ở Tây Nam Bộ
Ông Đổng (thôn Văn Giang, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) trước đây từng là thành viên trong biệt động Sài Gòn. Tiểu đoàn của ông có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực tỉnh Long An chống sự càn quét của địch. "Trong một lần chiến đấu chống lại sự càn quét của giặc Mỹ, tôi đã bị trọng thương. Năm 1971, tôi được đơn vị cho phục viên, trở về địa phương tôi mất 57% sức khoẻ, thương binh hạng 3/4", ông Đổng cho biết.
Ông Đổng bảo, trong chiến tranh tàn khốc, giữa sự sống và cái chết rất mong manh, ông được sống trở về với gia đình đó là sự may mắn. Những người lính đã từng sống và chiến đấu trên chiến trường thường gắn liền với những vật dụng rất đỗi bình thường, thân thuộc. Nhưng đối với họ nó là những "báu vật" linh thiếng nhất. Vì thế, khi trở về cuộc sống thời bình, ông Đổng đã dành thời gian tâm huyết để đi tìm những kỷ vật chiến tranh của người lính.
|
Ông Đổng rất thích chiếc mũ cối có từ thời chống thực dân Pháp. |
Trong căn nhà cấp 4, ông dành riêng một nửa để làm nơi trưng bày những kỷ vật ông đã sưu tầm. Ông nói hơn 200 kỷ vật các loại của người lính mà ông đã sưu tầm được là báu vật vô giá. Từ chiếc bi đông đựng nước, chiếc đèn dầu, đến những bộ quân phục của người lính. Đối với ông tất cả các đồ vật ấy đều rất quý. Vì nó gắn liền với người lính trong chiến trận.
Ông Đổng kể: "Qua tìm hiểu tôi biết đựợc ông Nguyễn Văn Muống (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện nắm giữ chiếc sơ đồ phòng thủ 4 tỉnh phía Tây Nam Bộ. Chiếc sơ đồ này do cựu chiến binh Mỹ trao trả cho quân ta. Và nhờ sơ đồ này mà năm 2009 lực lượng quân đội của ta đã tìm được hài cốt 145 đồng chí xưa kia bị quân Mỹ giết hại. Phải mất nhiều thời gian tôi mới thuyết phục được ông Muống chuyển sơ đồ đó cho tôi cất giữ. Bởi ông ta trước đây đóng quân ở đó, ông cũng muốn giữ lại kỷ vật nơi mình đã sống và chiến đấu".
|
Chiếc bình hoa làm từ xác máy bay Mỹ được ông Đổng sưu tầm. |
Bình hoa quý suýt bị nấu thành xoong
Ông Đổng cho hay, nghe nơi đâu có ai đó giữ đựợc những hiện vật quý, ông đều thu xếp công việc lên đường đến gặp họ để thuyết phục chủ nhân nhượng lại đồ vật. Có lúc ông biết được thông tin nhưng chưa đến kịp thì đồ vật đã bị chủ nhân bán đi hoặc hủy hoại không thương tiếc. Tuy nhiên, nhờ ông mà nhiều đồ vật đựợc gìn giữ.
"Xã Tề Lỗ trong huyện tôi là nơi có nghề đúc xoong nồi. Các đồ vật bằng sắt vụn được tập hợp từ khắp nơi về đây để đúc xoong nồi. Tình cờ tôi đến thấy có nhiều đồ vật như chiếc bi đông đựng nước bằng nhôm. Chiếc bình hoa có dòng chữ: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" sắp bị người ta cho vào nồi nấu để đúc xoong nồi. Sau này tìm hiểu tôi mới biết bình hoa đựợc làm từ vỏ chiếc máy bay của Mỹ trước đây bị dân quân trong tỉnh bắn hạ", ông Đổng kể.
Tuy nhiên, có nhiều đồ vật mà ông không thể đưa về phòng trưng bày của mình. Ông Đổng nhớ lại mấy năm trước trên tận huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có một người từng tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp, họ có bộ áo trấn thủ. Ông đã tức tốc lên đường, tìm đến nhà ông ta, nhưng dù thuyết phục thế nào chủ nhân cũng không nhượng lại. Vì họ coi đó là kỷ vật đã gắn liền với họ trong những năm tháng mưa bom bão đạn.
|
Chiếc đèn dầu được làm từ vỏ xác máy bay. |
Lương còm săn kỷ vật
Tất cả các kỷ vật ông sưu tầm, dù tính ra tiền không nhiều lắm, nhưng ông đều "quý hơn vàng". Bởi mỗi kỷ vật là một ý nghĩa, một giá trị riêng và gắn liền với người lính. Như chiếc lọ hoa một bên là dòng chữ: Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, một bên là in hình cô gái đang ngắm súng để bắn quân thù. Thể hiện tinh thần chiến đấu của nhân dân ta trong chiến tranh chống Mỹ.
Hơn 40 năm qua ông Đổng vẫn miệt mài đi săn tìm những hiện vật của người lính. Với hơn 200 hiện vật ông sưu tầm được, đó là nỗ lực không mệt mỏi của ông. Ông Đổng cho biết: "Những đồ vật đó hầu như tôi phải mua lại của mọi người, có người thấy tôi tâm huyết với việc sưu tầm họ không ngại ngần gửi gắm nó cho tôi. Nhưng có nhiều người dù tôi thuyết phục họ như thế nào, nhưng họ cũng quyết không nhượng lại. Bởi họ nói rằng, đó cũng là kỷ vật mà họ đã chiến đấu nơi chiến trường khốc liệt. Họ muốn giữ để sau này con cháu họ biết.
Hằng tháng với số tiền lương ít ỏi, ông đều dành hết cho việc đi sưu tầm các kỷ vật chiến tranh. Ông coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Nhiều gia đình thấy ông đến hỏi những đồ vật từng sử dụng trong chiến tranh, nghe ông nói họ ủng hộ, lấy đồ vật đưa cho ông ngay. Tuy họ không lấy tiền lúc đó, nhưng bằng cách này hay cách khác ông Đổng cũng trả công cho họ bằng được.
Ông Đổng bảo: "Chiến tranh đi qua, giờ thế hệ trẻ chỉ biết qua sách báo hay những tư liệu khác chứ không thể biết được hoàn cảnh khi đó. Vì thế, tôi muốn sưu tầm những kỷ vật của người lính để giáo dục thế hệ trẻ. Sắp tới tôi dự định sẽ kết hợp cùng với trường cấp 1 và cấp 2 trong xã Lý Nhân để cho các em học sinh có thể mắt thấy tay sờ những hiện vật đã gắn liền với cha ông trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược".
"Phòng trưng bày "kỷ vật chiến tranh" của tôi đã có từ nhiều năm nay, nhiều kỷ vật tôi phải bỏ tiền ra để mua lại. Trong đó tôi rất thích kỷ vật mà đồng chí Ngô Xuân Huấn, từng là chiến sĩ biệt động Sài Gòn (hiện sống ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã ký tặng tôi lá cờ giải phóng do hai em bé thiếu nhi may bằng tay ở tỉnh Long An. Lá cờ này được quân ta cắm ở bến Nức, tỉnh Long An để khẳng định ranh giới với quân giặc".
Ông Nguyễn Văn Đổng