Lão nông tự lập bàn thờ chính mình không hề bị bệnh tâm thần mà trái lại trò chuyện rất dí dỏm, linh hoạt. Ông tên là Nguyễn Phú Tia. Bà con quanh vùng gọi ông là “Sáu Tia rượu mận”.
Chiếc bàn thờ kỳ dị
Tân Lộc là xã đảo mang dáng dấp một con thuyền, nằm cách biệt giữa dòng Hậu Giang. Ngày xưa người ta gọi xã Tân Lộc là cù lao Cát. Ngày nay người ta gọi là "cù lao tỉ phú". Để đến được nơi đây, người ta phải "lụy" con phà nối đất liền với cù lao. Tuy "cách biệt" như thế nhưng xã đảo này mang nhiều dáng dấp của vùng đất sung túc cổ kính với những biệt phủ cổ hàng trăm năm tuổi và có nhiều cây trái đặc sản. Trong đó phải kể đến loại mận (trái roi) thơm ngọt.
Từ đầu cù lao, hỏi ông Sáu Tia, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều biết. Thậm chí nhiều người còn biết cả chuyện "thâm cung bí sử" của nhân vật dị biệt này. Không những ông nổi tiếng vì "phát minh" ra loại rượu mận độc nhất vô nhị mà còn sở hữu một kho chuyện đời tư đầy chất men hỷ nộ.
Ông đón chúng tôi tại bến phà nối liền quận Thốt Nốt với cù lao Tân Lộc.
Tuy đã 70 tuổi nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn với những bước chân sải dài, khỏe khoắn. Nhoẻn nụ cười thiếu răng, ông tếu táo: "Nhờ hồi nhỏ đi rong chơi nhiều nên khỏe mạnh. Hồi đó, đi chơi xa hay gần đều chạy xe đạp. Đạp xe là thể dục nên sức khỏe dồi dào đến tận ngày nay".
Cơ ngơi của ông nằm ở gần cuối cù lao Tân Lộc, giữa một vườn mận xum xuê.
|
Ông Sáu Tia hào hứng kể chuyện cuộc đời mình. |
Ông gọi vườn mận của mình là khu du lịch sinh thái Sơn Ca. Ông giải thích: "Chim sơn ca là một loại chim có kiểu hót rất lạ kỳ trong môi trường tự do. Nó từ dưới thấp bay vút lên trời cao rồi mới cất tiếng hót. Tôi muốn khu vườn sinh thái của mình cũng như vậy. Hồi chưa ai biết Sáu Tia là thằng nào thì khu vườn của tôi cũng giống như bao nhiêu khu vườn của dân cư nơi đây. Kể từ khi tôi phát minh ra loại rượu mận độc nhất vô nhị ở Việt Nam, kể cả thế giới, thì rất nhiều đoàn khách du lịch ta lẫn tây đến thăm khu vườn của tôi. Hồi chưa nổi tiếng, tôi và khu vườn phải khiêm tốn. Bây giờ nổi tiếng, tôi phải cất tiếng hót như chim sơn ca. Cái quan trọng là, mình hót đúng về bản chất của mình chứ không xạo".
Một gian chái của ngôi nhà mái tôn cấp bốn cũ kỹ nằm phía bên trái lối vào vườn mận được ông gọi là "doanh trại sản xuất". Một tấm phông lớn ngăn gian chái ngôi nhà thành 2 phòng. Trên tấm phông có in hình chân dung ông và một vài dòng giới thiệu "rượu mận Sáu Tia". Phòng phía trước được ông gọi là "văn phòng doanh trại". Phòng phía sau là "xưởng nghiên cứu và sản xuất rượu mận".
"Văn phòng doanh trại" có một dãy tủ kệ trưng bày các kiểu vỏ chai "rượu mận Sáu Tia". Giữa phòng, một chiếc bàn con phủ vải xanh để làm bàn thờ đặt sát tấm phông. Trên bàn thờ có 8 bức ảnh chân dung lồng khung. 2 bức hàng trên là di ảnh chân dung cha mẹ ông. 6 bức hàng dưới là ảnh chân dung của… chính ông! Trên bàn thờ còn có một lư hương.
Bức ảnh thứ nhất là chân dung ông trong bộ dạng một "dân chơi", đầu đội ngược chiếc mũ lưỡi trai, mắt đeo kính đen, hai tay nắm chặt khuỳnh thủ một thế võ. Trên bức ảnh có dòng chữ chú thích: "Ăn chơi quậy tối đa, tía mà nhìn không ra".
Bức ảnh thứ hai là chân dung ông nghiêm trang với cà vạt, áo vetston có dòng chữ: "Thế nào tôi cũng chết. Quá khứ vẻ vang, kế thừa phải xứng đáng".
Bức ảnh thứ ba đặt chính giữa bàn thờ thể hiện chân dung ông với áo sơ mi đơn giản có chú thích dòng chữ: "Ráng tu thân tích đức, hùm chết để da, người ta chết để tiếng".
Bức ảnh thứ tư, ông đang trong tư thế xòe 2 bàn tay. Tay phải giơ cao, tay trái hạ thấp ghi chú: "Sống tranh giành quyền lợi. Chết không mang theo sự nghiệp".
Bức ảnh thứ năm giống như bức thứ hai, cà vạt và áo vét, có dòng chữ: "Đời đen bạc, thế gian có một không hai, đụng qua thực tế đắng cay trăm bề".
Bức ảnh thứ sáu chụp ông trong bộ dạng "dân chơi" rất… ngầu - nón nỉ, mắt kính đen, áo đỏ hở ngực, dây chuyền to bản, dáng đứng thách thức.
Ông Sáu Tia cho biết, chiếc bàn thờ này ông lập được vài năm. Kể từ khi lập bàn thờ, hàng ngày, trước khi bắt tay vào việc sản xuất rượu mận ông đều đến trước bàn thờ của chính mình thắp nhang khấn nguyện. Thật ra, buổi "khấn nguyện" ấy chỉ là khoảnh khắc ôn lại 6 giai đoạn quá khứ trầm luân, "lên voi xuống chó" để tự răn mình. Ngoài ra, ông còn mượn chiếc bàn thờ ấy để gửi một thông điệp "hờn dỗi" đến vợ con.
|
Một trong số 6 bức ảnh của Sáu Tia. |
Cuộc đời dị hợm
Sáu Tia là con thứ tư trong số 5 chị em trong nhà. Tiền nhân và cha mẹ ông đều tham gia hỗ trợ các tổ chức kháng chiến chống ngoại xâm.
Ông bồi hồi kể: "Cha tôi hoạt động cách mạng bị giặc đày đi tù Côn Đảo từ năm 1937 đến năm 1942 được thả về. Khi được thả về, ông bị mất sức khỏe nên không tiếp tục tham gia kháng chiến được nữa. Ông chí thú làm ăn nên cũng dành dụm được chút tiền của. Cha tôi có nhiều ruộng vườn nên cuộc sống chị em chúng tôi sung túc. Được cha đầu tư cho ăn học nhưng tôi ham chơi. Học hết tú tài 1 thì tôi bỏ học đi chơi khắp nơi. Kể từ đó, tôi bắt đầu hư đốn. Rong chơi, ghẹo gái, đánh lộn đủ thứ trò...".
Mỗi lần ông đánh người ta bị cảnh sát bắt, cha mẹ lại phải bán vàng đem đi đóng phạt bảo lãnh và bồi thường thuốc thang cho nạn nhân. Giai đoạn này, ông thể hiện bằng bức ảnh thứ nhất với câu chú thích: "Ăn chơi quậy tối đa, tía mà nhìn không ra".
Đến năm 1971, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt quân dịch. Quá chán ngán với đứa con trai lêu lổng, gia đình ông buông xuôi cho ông đi lính để "chết quách đi cho rảnh nợ".
Giận gia đình, tại nhà tạm giữ quân dịch ông viết thư nhắn nhủ: "Thế nào tôi cũng chết. Quá khứ vẻ vang, kế thừa phải xứng đáng". Ông diễn giải: "Đi lính thì thế nào cũng bị bắn chết. Nhưng mà chết trong hàng ngũ lính Việt Nam Cộng hòa thì không xứng đáng với truyền thống vẻ vang của gia đình. Quả nhiên, sau khi nhận bức "huyết thư" của tôi, cha tôi vội vã bán vàng tìm người chung chi hối lộ để lôi tôi ra khỏi quân trường”. Tuy nhiên, lúc đó đã quá muộn.
Bị đưa vào trung tâm huấn luyện tân binh của Sư đoàn 9, Sáu Tia quyết tìm cách đào thoát. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông nghiến răng dùng dao lê kê vào ngón chân cái bàn chân trái rồi dùng gạch đập mạnh vào chuôi dao. Do run, lưỡi dao lê trượt ngang, tiện gọn luôn ngón cái cùng ngón trỏ. Tưởng mình can đảm, không ngờ vừa thấy vòi máu phun ra, mắt ông tối sầm. Khi tỉnh lại đã thấy nằm ở y viện Sư đoàn, bàn chân quấn một cục bông băng to bằng đầu gối. Với hành vi đó ông bị đưa ra tòa án binh xét xử về tội tự thương để đào ngũ, bị cầm tù mấy tháng. Gia đình ông phải bỏ mấy cây vàng chạy chọt để ông được trả tự do trước hạn.
Sau khi thoát khỏi nhà tù "chi lao đào binh", ân hận trước sự vị tha và tình thương bao la của cha mẹ, ông quyết trở về nhà tu thân tích đức, chí thú ruộng vườn. Nhớ lại giai đoạn đó, ông chú thích bức ảnh thứ ba: "Ráng tu thân tích đức, hùm chết để da, người ta chết để tiếng".
Tu thân làm nông dân tiến bộ
Quyết chí làm ăn, ông cưới cô thôn nữ ấp bên.
Vốn tính hiếu động, ưa tìm tòi, ông không chấp nhận làm người nông dân bình thường. Nhận thấy người nông dân cứ bị tiểu thương ép giá khi vào thời vụ thu hoạch, ông luôn tìm kiếm giống cây mới về trồng. Khi người ta trồng mía, ông trồng cam. Nhờ chỉ bán loại nông sản hiếm, thu nhập của ông luôn cao hơn những nông dân khác. Thấy ông trồng cam có thu nhập cao, các nông dân khác xúm nhau trồng cam. Khi người ta trồng cam, ông trồng bưởi. Khi người ta trồng bưởi, ông trồng ổi. Cứ thế, ông luôn là người tiên phong trồng các loại giống cây trái mới trên cù lao.
Đến khi người ta trồng ổi, ông trồng mận. Đất phù sa Tân Lộc phù hợp với giống mận nên cho trái xum xuê hơn tất cả những loại cây khác, ông không dại gì trồng giống cây khác nữa.
|
Sản phẩm rượu mận do ông Sáu Tia sản xuất. |
Đến mùa thu hoạch mận rộ đông ken, thương lái ra sức ép giá nông dân xuống mức thấp nhất. Họ ép đến nỗi nông dân phải vất bỏ mận loại 2 thành từng đống lớn. Xót của, ông bắt đầu nghiên cứu cách tận dụng những quả mận bị vứt đi để sản xuất rượu.
Ông kể: "Hồi mới gác bỏ chốn ăn chơi về vườn, tôi có nghiên cứu cách bào chế xà bông 72 phần dầu (72% dầu). Bỏ mấy chỉ vàng để học công thức vẫn không thể sản xuất được hàng chất lượng. Tôi phải hóa trang thành kẻ thất nghiệp, xin vào làm công cho một xưởng xà bông ở Long Xuyên suốt cả năm trời để ăn cắp bí mật công nghệ. Ăn cắp bí quyết xong thì thị trường tràn ngập các loại xà bông cao cấp. Thế là công toi. Vốn liếng theo gió bay đi, vợ con chì chiết, đắng cay trăm bề".
Lần "xuất chiêu" sản xuất rượu mận này, ông không thèm học ai mà âm thầm mày mò. Ông che một gian chái, giấu vợ con, đóng cửa kín mít, bí mật nghiên cứu. Ông nói: "Vợ e ngại hao tốn tiền của như mấy đận nghiên cứu trước nên chỉ nghe hơi tôi nghiên cứu là cự nự. Vì vậy, tôi phải lén lút bả như ăn trộm".
Thỉnh thoảng, cứ đến nửa đêm thấy ông rón rén rời nhà, vợ ông sinh nghi ông có vợ bé nên ghen, quậy tưng bừng. Ông cương quyết không khai.
Nhận thấy mận cũng có mật ngọt, ông đem ủ men rượu theo công thức nấu rượu nếp cổ truyền. Mẻ đầu tiên, sau khi nếm thử, ông ói rồi say đứ đừ suốt một ngày. Rượu đã ra rượu nhưng đắng nghét và độ cồn cao, uống vào cứ nôn ói. Tuy có nguy cơ thất bại, ông vẫn không nản chí, tiếp tục nghiên cứu tiếp mẻ khác.
Suốt 3 năm, hàng trăm tấn mận bị ông nghiên cứu thành chất thải. Số mận đó tương đương cả tỉ đồng. Vụ việc đổ bể, ông bị vợ mắng xối xả vì sinh nợ.
Trong lúc vợ chì chiết thì một người phụ nữ xuất hiện an ủi, giúp đỡ và động viên ông nghiên cứu. Ông "dính" cuộc ái tình thầm kín này từ lúc nào không hay.
Khi mẻ rượu mận nấu bằng công nghệ "lên men, chưng cất chiết tinh" thơm ngon đầu tiên được ra lò cũng là lúc ông bị vợ và 4 người con (đã trưởng thành có gia đình riêng) bắt quả tang ngoại tình.
Giật mình tỉnh ngộ, ông chia tay người tình. Dù vậy, vợ con vẫn không tha thứ. Vẫn sống cùng gia đình nhưng bị vợ con cho ra rìa. Buồn tình, ông bàn giao hết nhà cửa, ruộng vườn về trong gian chái nhà với lỉnh kỉnh chai lọ, thùng thí nghiệm để làm "văn phòng doanh trại" và "xưởng nghiên cứu sản xuất rượu mận Sáu Tia".
Từ dạo đó, ông bắt đầu lập bàn thờ mình. Ghi dấu lỗi lầm, ông chú thích bức "di ảnh" thứ năm: "Đời đen bạc, thế gian có một không hai, đụng qua thực tế đắng cay trăm bề".
Rượu mận Sáu Tia được hầu hết khách hàng cao cấp đánh giá chất lượng không thua kém bất kỳ loại rượu nào của nước ngoài. Thơm ngon, nặng "đô", có tác dụng trợ tiêu, đảm bảo độ tin cậy đã trở thành mặt hàng hiếm trên thị trường. Nhiều bar rượu, khách sạn dành cho người nước ngoài có rượu mận Sáu Tia.
Dù vậy, ông vẫn không mở rộng quy mô sản xuất. Xong mẻ rượu nào, ông tự thân chạy xe gắn máy đi giao hàng. Ông cũng không muốn nâng cấp hệ thống giao hàng. Cách nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh loại rượu danh bất hư truyền "rượu mận Sáu Tia" vẫn còn đơn giản kiểu nông dân Nam Bộ.
Và Sáu Tia giải thích bức ảnh cuối, bức chân dung ông trong bộ dạng "dân chơi": “Giang hồ cộm cán còn chết, mình ham nỗi gì? Không nên vi phạm luật pháp. Làm ăn lớn thì phải mưu toan, láu cá. Mà mưu toan láu cá thì trước sau gì cũng dính chấu luật pháp. Làm ăn nhỏ, vừa đủ sống thôi".
Ông đúc kết: "Tôi lập bàn thờ để khẳng định Sáu Tia ăn chơi đã chết. Hàng ngày đốt nhang khấn để nhớ những lỗi lầm xưa, hòng sống trọn nghĩa tình với nhân gian".
Sáu Tia còn đang nuôi hy vọng thời gian tới, vợ sẽ xóa "án tù tình cảm" cho ông!