Khó tin về sừng dê chữa bệnh của ông lang Hòa Bình

Google News

Nhiều người cho rằng, bí ẩn trong bài thuốc chữa bỏng của ông lang Hòa Bình nằm ở chiếc sừng dê chữa bệnh ông treo trong nhà.

Câu hỏi đặt ra là bên trong chiếc sừng dê rừng này có gì? Vì sao nó trở thành “linh hồn” trong bài thuốc chữa bỏng của thầy lang Bùi Văn Dồn? Kỳ thực đến nay chưa ai rõ. Để rộng đường dư luận, cũng như tìm hiểu rõ hơn về phương thuốc chữa bỏng kỳ lạ này, chúng tôi đã tìm về xã Thượng Cốc (Lạc Sơn, hòa Bình).
Biệt dược nơi “thâm sơn cùng cốc”
Theo chủ nhân của “báu vật”, chiếc sừng này có khả năng “đặc trị” những trường hợp bị bỏng, hoặc dính vết thương vào phần mềm cơ thể. Người trong xóm từ hàng chục năm nay khi bị bỏng, bị những vết thương do tai nạn lao động như bổ cuốc vào chân... thường được ông chữa bằng phương pháp đơn giản như sau: Trước hết ông dùng nước lá trầu hay nước muối để lau vết thương khử trùng, sau đó mới dùng dao cạo thật mỏng phía ngoài chiếc sừng, hòa với nước sôi để nguội (tuyệt đối không được dùng nước lã, vì nước lã chưa được tiệt trùng sẽ càng làm cho vết thương bị nhiễm trùng nặng hơn như lời ông nói).
Kho tin ve sung de chua benh cua ong lang Hoa Binh
 Ông Dồn và chiếc sừng dê chữa bệnh truyền đời.
Khi đổ nước vào ngập chất sừng trong chén, ông sẽ khuấy đều, dùng lông gà hay lông vịt đã được ngâm qua nước sôi, nhúng vào nước thuốc để quét vào vết thương. Trong khi bôi thuốc cần hết sức chú ý vùng lồi, lõm, trầy xước của vết thương. “Phải quét qua cho đều đối với vết thương trầy xước, còn với vùng da bị xô đi trong trường hợp bỏng thì cần quét cho da giãn ra, tuyệt đối không để da dồn về một chỗ”, ông chỉ dẫn cặn kẽ.
Sau khi đã quét xong, ông lại dùng lông gà xúc lấy bã thuốc đắp đều vào vết thương, làm sao đủ vừa phủ qua vết thương, không được đắp dày quá, nếu không vết thương không thoát được khí. Ngược lại đắp mỏng quá thì vết thương không ngấm được hết thuốc, không hút được nước, các chất mủ thì vết thương sẽ để lại sẹo.
Ông lão lý giải: Sở dĩ chất sừng này có tác dụng làm lành vết thương vì nó rất khô, có thể hút nước, chất ẩm tốt. Đặc biệt, có thể chất sừng có chứa chất như kháng sinh không cho vi trùng có cơ hội phát triển. Vết thương được chữa kịp trước ngày thứ 10 sẽ không để lại sẹo. “Nếu sau 10 ngày không được chữa trị, khi vết thương nặng đã bị nhiễm trùng thì chất sừng này cũng chỉ hút được mủ, làm lành vết thương mà không thể có tác dụng xóa sẹo”, lão nông cho biết.
Lão nông khiêm tốn
Chiếc sừng dê rừng có tác dụng như báu vật được ông treo trang trọng trong nhà tính đến nay đã gắn bó với ông hàng chục năm trời, đã nhiều năm bị mài mòn nên hai đầu sừng nay đã nhọn hoắt.
Ông lão khiêm tốn: “Tôi chẳng tài giỏi gì đâu, sở dĩ cứu được nhiều người là do cái sừng dê rừng này. Ngày xưa, vùng đất này còn hoang vu, còn nhiều thú quý, thảo dược hiếm. Hơn nữa, hồi đó chưa có bệnh viện, chưa có thuốc tây như bây giờ, ốm đau, bệnh tật đều nhờ vào thuốc nam. Người dân ta biết nhiều bài thuốc lắm!”. Thế nên dù đã có người muốn mua, trả giá hàng chục triệu đồng ông cũng không bán, dù số tiền đó với ông là cả một gia tài. “Bao nhiêu tiền tôi cũng không bán”, ông khẳng định.
Cơ duyên đến với bài thuốc của ông Dồn cũng rất tình cờ. Những năm kháng chiến chống Pháp, khi ông mới 17 tuổi thì có đoàn quân y đến xã Thượng Cốc để chữa bệnh cho những thương binh của Trung đoàn Tây Tiến (Sư đoàn 320).
Theo lời ông lão, hồi ấy thuốc men còn khan hiếm, đoàn quân y đã dùng đến các bài thuốc chữa bệnh của người dân tộc và đặc biệt chàng trai khi ấy thấy các cụ cao tuổi chữa khỏi các vết thương nguy kịch của thương binh, có những vết thương đã nhiễm trùng, chảy mủ bằng phương thuốc này. Thấy bài thuốc có ích, ông đã xin học hỏi và thuộc nằm lòng công thức từ đó tới nay, coi như một “tài lẻ” của mình.
Mặc dù sở hữu vật quý và công thức bài thuốc nhưng ông Dồn không nhận mình là thầy thuốc hay thầy lang gì. Ngày ngày ông vẫn đi làm công việc đồng áng, không lấy bài thuốc ấy để hành nghề kiếm tiền, lúc nào dân làng không may mắn bị thương thì ông mới lấy cái sừng dê rừng đi cứu người.
Nhiều dân làng xác nhận họ đã nhờ chiếc sừng dê của ông Dồn mà thoát nạn. Bà Bùi Thị Ặt (57 tuổi, ngụ cùng xóm Trang) là một ví dụ, từng bị bỏng lột hết da ở cánh tay đã được ông Dồn chữa khỏi.
“Đó là năm 2010, khi tôi cầm siêu nước sôi từ bếp lên nhà để rót vào phích, do trượt chân ở thềm cửa, siêu nước sôi giội vào lột hết da ở cánh tay phải, quần áo dính vào da thịt bỏng rát. Biết ông Dồn chữa được vết bỏng nên người nhà tìm đến cầu cứu.
“Ông cắt mảnh vải ở tay áo tôi ra khỏi vết thương, dùng bông sạch thấm nước lá trầu không để khử trùng, dùng dao cạo gần một chén chất sừng dê rừng để hòa nước, bôi lên vết thương. Lúc mới bôi vào thì cảm thấy rất xót nhưng bôi xong một lúc thì vùng cơ thể bị bỏng cảm thấy mát hẳn. Khoảng một tháng sau, thuốc đắp vào cứ rơi khỏi da, da non cũng mọc ra, những lớp da hỏng cũng tự bong ra hết”, bà kể lại. Nay nhìn tay phải của bà, ít ai biết được cánh tay đã từng bị nước sôi sùng sục làm lột hết da.
Nỗi lo thất truyền
Trường hợp của ông Bùi Văn Xuất (ngụ cùng xóm) thì lại chứng minh chiếc sừng dê có công dụng chữa những vết thương đâm sâu vào vùng da thịt không để lại sẹo. Hơn hai năm trước đây, trong lúc đóng cọc rào, vô tình cọc nhọn đâm thủng bàn chân ông, máu chảy thấm đẫm đám cỏ. Sau khi nhai lá cây phân xanh đắp vào vết thương để cầm máu, ông đã sai người nhà đến mời ông Dồn đến cứu chữa.
“Lang y chân đất” này dùng nước sôi để nguội, hòa với một ít muối để lau lại vết thương, tiếp theo ông lấy chất sừng đã được cạo ra hòa với nước sôi để nguội rồi quét và đắp vào vết thương. “Chỉ hai tuần sau, tôi có thể đi lại bình thường, chẳng hiểu cái sừng ấy có cái chất quái gì mà tài thật”, ông Xuất cười nhớ lại.
Cái sừng càng giúp được nhiều người, càng nhọn hoắt thì nỗi áy náy của ông Dồn càng lớn hơn. Khi được hỏi bây giờ còn kiếm được ở đâu sừng dê rừng nữa, giọng ông Dồn trùng xuống: “Ngày xưa thú rừng còn nhiều, thỉnh thoảng còn bắt được con dê rừng. Bây giờ săn bắt nhiều, đến sừng con dê rừng ngày xưa bà con dân tộc săn bắn được đã để treo trên gác bếp cũng bị thu mua. Có lẽ sau này con cháu có còn nhớ đến công dụng đặc biệt của những chiếc sừng ấy thì cũng đã không còn sừng mà chữa bệnh nữa”.
Bà Bùi Thị Mịnh, Trưởng trạm y tế xã Thượng Cốc cho biết: “Người dân xã Thượng Cốc có những bài thuốc nam chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Bài thuốc dân gian truyền lại dùng chất sừng của con dê rừng để chữa được những vết thương vùng da thịt mà không để lại sẹo là có thật và thực tế ở trong xã cũng đã có nhiều trường hợp được chữa khỏi bằng cách này”.
Chia sẻ với chúng tôi về bài thuốc của ông Bùi Văn Dồn, Chủ tịch UBND xã Thượng Cốc, ông Bùi Quang Thái cho biết: “Tôi có nghe người dân trong xã nói đến khả năng chữa bệnh với chiếc sừng dê rừng của ông Dồn. Tuy nhiên, để biết công dụng của nó tốt đến đâu vẫn cần có sự nghiên cứu, đánh giá của cơ quan chức năng. Việc ông Dồn thường đi chữa trị giúp bà con trong vùng mà không lấy tiền là chính xác. Ông cũng không tổ chức hành nghề chữa bệnh. Việc làm của ông Dồn rất ý nghĩa, tuy nhiên, việc phổ biến hơn nữa bài thuốc hoặc nên ngừng chữa trị cần căn cứ vào công dụng thực sự của bài thuốc, thông qua các đánh giá khoa học”.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)