Ngày 6/12, HĐND TP Hà Nội đã bàn về Đề án Quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Ngày 6/12, HĐND TP Hà Nội đã bàn về Đề án Quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Tại đây, lãnh đạo một số huyện (là đại biểu HĐND) đã đề nghị cân nhắc kỹ việc xây dựng nghĩa trang tập trung cấp thành phố, cấp huyện tại địa phương mình.
|
Những ngôi mộ tiền tỷ tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Việt Nguyễn |
Mộ xây như biệt thự
Theo bà Lê Thị Hà, đại biểu huyện Thanh Oai, trong tờ trình quy hoạch quy định diện tích dành cho hình thức cát táng lên tới 4m2 đất /trường hợp là quá lớn. Đại biểu Hà lo lắng với diện tích trên, nhiều gia đình có điều kiện sẽ dựng những ngôi mộ lớn, bởi trong thực tế nhiều gia đình đã mua đất rộng rồi xây dựng những ngôi mộ giống như nhà biệt thự trong nghĩa trang. “Nhiều khu cát táng hiện nay giống như các khu đô thị mới với đủ kích cỡ, màu sắc”, đại biểu Hà thông tin.
Cũng liên quan đến những ngôi mộ “khủng”, đại biểu huyện Đan Phượng Mai Văn Lâm cho biết, hiện có rất nhiều nghĩa trang của gia đình, dòng họ xây dựng rất đồ sộ nằm trong các khu dân cư. Những nghĩa trang này không nằm trong quy hoạch trước đó và quy hoạch lần này cũng không thấy đánh giá. Với tư cách của Thành hội Phật giáo TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Lâm đề nghị Ban soạn thảo đề án cần bổ sung chính sách, hành lang pháp lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân, phật tử trong việc đưa tro người đã khuất vào chùa.
Trong phần giải trình của mình, đại diện tư vấn xây dựng đề án cho biết, việc quy định 4m2 /trường hợp đất cho hình thức cát táng là theo các quy chuẩn hiện hành chứ không thể tùy ý quy định diện tích riêng của thành phố. Với ý kiến của đại biểu Mai Văn Lâm, đại diện tư vấn cho biết hiện các nghĩa trang dòng họ, gia đình không ai quản lý, không có số liệu chính xác. “Khi tiến hành lập dự án, tư vấn đã thống kê hiện có khoảng 2.336 nghĩa trang dạng này, tuy nhiên đây chỉ là con số ước tính”, đại diện tư vấn nói. Theo tờ trình quy hoạch, việc lập mới nghĩa trang dòng họ, gia đình sẽ bị cấm.
“Thụ hưởng” khói, bụi từ các lò hỏa táng
Một thông tin đáng lo ngại được đại biểu của huyện Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung đưa ra là việc ô nhiễm khói bụi từ các lò hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (nghĩa trang Văn Điển). Bà Nhung cho biết, hiện tại Đài hóa thân này có 6 lò đốt (4 lò gas, 2 lò điện) thường xuyên hoạt động hết công suất. “Chẳng cần khoa học kiểm chứng, chỉ cần nhìn bằng mắt cũng có thể thấy khói bụi bay lên từ các lò đốt này. Những hôm có gió Nam thì khói, bụi bay vào nội đô. Đề nghị thành phố có giải pháp nâng cấp công nghệ các lò đốt để không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, bà Nhung đề nghị.
Thừa nhận hiện tượng ô nhiễm trên, đại diện tư vấn xây dựng đề án cho biết: “ Công nghệ hỏa táng ở Văn Điển có vấn đề, chỉ cần trực quan cũng có thể thấy. Tuy nhiên với khả năng hiện có, chúng ta phải chấp nhận”.
Một vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến là việc không đồng tình xây dựng nghĩa trang tập trung cấp thành phố, cấp huyện tại địa phương mình. Theo báo cáo của UBND thành phố, trong quá trình triển khai lập quy hoạch đã nhận được văn bản không thống nhất xây dựng nghĩa trang tập trung thành phố tại địa bàn Gia Lâm của huyện Gia Lâm. Thành phố cũng nhận được ý kiến không bố trí nghĩa trang tập trung cấp huyện của 4 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thanh Oai.
Tại phiên họp HĐND thành phố, đại biểu Nguyễn Hữu Việt của huyện Gia Lâm cho biết, một số cán bộ lão thành cách mạng nói sẽ viết “huyết tâm thư” cho lãnh đạo thành phố về việc xây dựng nghĩa trang tập trung thành phố với diện tích 53ha tại xã Trung Màu bởi đây là địa chỉ cách mạng. Đại biểu Nguyễn Hữu Việt đề nghị phía tư vấn cần làm rõ khoảng cách từ nghĩa trang tới nơi dân ở vì “trong quy hoạch nói cách xa nơi dân ở 1km, nhưng người dân nói nơi gần nhất chỉ 100m”. Đại biểu Nguyễn Hữu Việt cũng đề nghị giảm diện tích quy hoạch nghĩa trang tại xã Trung Màu xuống còn khoảng 20ha, bởi nếu giữ 53 ha như quy hoạch thì dân không còn đất sản xuất.
Kết thúc phần thảo luận, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với trên 83% ý kiến tán thành quy hoạch. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Lê Văn Hoạt đề nghị phía tư vấn cần tiếp tục rà soát những địa điểm mà địa phương băn khoăn, tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý những kết luận của chủ tọa trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch đã được HĐND TP thông qua ngày 6/12, Hà Nội sẽ mở rộng các nghĩa trang tập trung hiện có (như Thanh Tước, Vĩnh Hằng, Yên Kỳ) và phát triển hàng loạt nghĩa trang tập trung mới (nghĩa trang thuộc huyện Đông Anh với diện tích 20ha; nghĩa trang Minh Phú, huyện Sóc Sơn với diện tích 100ha; nghĩa trang Trung Màu, huyện Gia lâm với diện tích 53ha; nghĩa trang xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên với diện tích 21ha; nghĩa trang tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ với diện tích 22ha; nghĩa trang Mai Dịch 2 tại huyện Thạch Thất với diện tích 100ha.
Về cơ sở hỏa táng, ngoài cơ sở hỏa táng tại Văn Điển, trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ tiếp tục xây dựng 3 cơ sở hỏa táng trong các nghĩa trang tập trung (Yên Kỳ, Thanh Tước, Minh Phú) và xác định địa điểm xây dựng 6 cơ sở hỏa táng mới tại khu vực phía Bắc và phía Tây.
Riêng về quy hoạch mạng lưới nhà tang lễ, ngoài 11 nhà tang lễ hiện có, thành phố đang chỉ đạo lập dự án triển khai xây dựng 7 nhà tang lễ mới. Dự kiến đến năm 2020, Hà Nội có 32 nhà tang lễ. |
Theo Lê Minh (Gia đình)
BÀI ĐỌC NHIỀU:
[links()]