Gặp “vua” đá cảnh

Google News

Chúng tôi tìm đến nhà của người được phong là "vua" đá cảnh miền Bắc tên Lê Quang Tùng ở trung tâm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

- Chúng tôi tìm đến nhà của người được phong là "vua" đá cảnh miền Bắc tên Lê Quang Tùng ở trung tâm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Anh Tùng treo một tấm biển ghi "nơi trưng bày đồ độc" trước cửa nhà để giới thiệu với khách thập phương.
[links()]
Chúng tôi bước vào gian giữa thấy hàng chục, hàng trăm hòn đá cảnh với đủ mầu sắc, hình hài hiện ra trước mặt. Quang Tùng giới thiệu: Mỗi một hòn đá cảnh ở đây đều có một số phận lỳ lạ, chúng có giá cả tỷ đồng/hòn. Rất ít khi tôi bán những viên đá cảnh do mình tậu được, đơn giản vì tôi muốn giữ nó cho riêng mình.
"Vua" đá Lê Quang Tùng bên hòn đá mồ côi dáng kỳ lân trị giá trên một tỷ đồng.
"Vua" đá Lê Quang Tùng bên hòn đá mồ côi dáng kỳ lân trị giá trên một tỷ đồng.

Đi hái thuốc vấp phải đá mồ côi

Lê Quang Tùng cũng chính là người khơi mào cho cơn sốt đá cảnh bắt đầu từ năm 2007. Khi đó gã và gia đình sống dựa vào nghề hái thuốc chữa bệnh. Một lần lên núi Giàng Cao hái thuốc gã đụng phải một hòn đá mồ côi. Gã moi lên chơi, không ngờ hòn đá mang hình kỳ lân.
 
Sau phút sững sờ trước vẻ đẹp của hòn đá, gã liền nảy ra ý tưởng đem hòn đá đó về nhà để làm cảnh cho đẹp. Ngày hôm sau, gã về bản Pang Cáng thuê 6 thanh niên lực lưỡng lên rừng khiêng kỳ lân đá đem về, sau 4 ngày vận chuyển gã đã dựng được kỳ lân đá ngay trước cửa nhà mình.

Thấy trên rừng có những hòn đá mồ côi với đủ loại hình hài kỳ lạ, gã vừa lên rừng hái thuốc lại vừa nhặt đá mồ côi. Gã lại đem những hòn đá nhặt được để thành một khu trưng bày, rồi đem bán cho mấy người dưới xuôi. Không ngờ chỉ vài tháng sau dân chơi đá khắp nơi tìm về Suối Giàng hỏi mua đá cảnh.

Thấy nhiều người tìm mua đá cảnh với giá cao, người dân địa phương đã đổ xô lên núi tìm đá rồi bán lại cho dân chơi đá dưới xuôi tạo thành phong trào chơi đá hết sức rầm rộ.

Nhớ lại thời điểm những năm 2007 - 2010, tay chơi đá Lê Quang Tùng kể: Thời gian đó suốt từ sáng đến chiều, người dân và thương lái tụ tập ở trung tâm xã mua bán đá khiến xóm núi nhộn nhịp hẳn lên, nhiều hộ dân nhờ bán đá cảnh mà mua được xe máy, sửa sang nhà cửa...

Trước những lời kể của "vua đá cảnh" Lê Quang Tùng, chúng tôi đề nghị được xem những hòn đá mồ côi nức tiếng bởi độ đẹp và đắt giá. Gã dẫn chúng tôi vào khu chứa hàng độc nằm dưới gầm một ngôi nhà sàn làm toàn bằng gỗ vàng óng. Hòn đá mồ côi có dáng kỳ lân được gã để ở gian giữa làm kỷ niệm. Hòn đá này cao khoảng 1,3m dài khoảng 1,5m, bề mặt đá trông xù xì, gai góc.

Lê Quang Tùng kể: Khi mới lấy về gã ngâm hòn đá trong nước mấy ngày, sau đó rửa sạch rồi ngâm với nước rửa bát, sau khi rửa sạch bằng nước rửa bát lại phải kỳ cọ hòn đá lần cuối bằng xà phòng. Loại đá mồ côi này không cần đẽo gọt, mài giũa mà vẫn đạt đến vẻ đẹp chẳng kém gì những hòn đá vân, đá ngọc.
 
Bề mặt của đá mồ côi có đặc điểm rất riêng, không lẫn với bất kỳ loại đá nào khác. Da của đá mồ côi nhìn thì rất thô ráp, nhưng những đường nét lồi lõm trên bề mặt lại cực kỳ mềm mại, đó là sự đối lập tuyệt vời của đá mồ côi.

Ngoài hòn đá kỳ lân, trong kho đồ độc của Lê Quang Tùng còn có một hòn đá mồ côi mang hình trái tim, hòn đá hình thiếu nữ, mẹ địu con...
Nửa viên đá thạch anh.
Nửa viên đá thạch anh.

Kho tranh bạc tỷ

Dẫn chúng tôi vào khu trưng bày đá cảnh dưới gầm ngôi nhà sàn sang trọng, Lê Quang Tùng khoe những bức tranh chỉ có một trên đời. Đó là bức tranh đá mang tên "mùa thu", "ruộng bậc thang", "thần kiếm"...
 
Những bức tranh này được làm từ đá vân với những màu chủ đạo là xám, xanh, cam, đen... Những vân màu này được mài giũa tỉ mỉ tạo ra những đường nét cực kỳ mềm mại, mịn màng.

Lê Quang Tùng bảo: Những bức tranh này thường có giá rất cao, bức tranh "mùa thu" có giá thấp nhất khoảng 200 triệu đồng. Điểm nổi bật của bức tranh đá này là có màu vàng cam nổi bật lên nền xám, xanh khiến người xem hình dung ra một rừng cây đang thay lá vào mùa thu...
 
Tranh đá được làm từ loại đá vân và đá ngọc. Bức tranh "mùa thu" có tới năm vân màu là cam, xám, xanh, trắng, đen. Khi chế tác, người thợ phải đẽo, gọt khối đá một cách khéo léo để những màu vân đá lộ ra.

Khi máu nghệ sĩ nổi lên, gã lại dẫn chúng tôi vào một gian nhà khác chứa bức tranh đá lớn nhất trong làng đá cảnh. Đó là một bức tranh được chế tác từ đá vân dài khoảng 2,5m, cao 1,5m với sáu màu là vàng, xanh, xám, trắng, nâu, đen. Những đường nét uốn lượn của vân đá tạo thành hình những dãy núi trập trùng trong sương trắng như chốn bồng lai.

Lê Quang Tùng cho biết: Bức tranh đá khổng lồ đó được gã mua từ năm 2007 của một người dân ở trung tâm huyện Văn Chấn. Gã trông thấy khối đá vân đang được người dân chuẩn bị đưa vào máy xẻ để làm bàn đá.
 
Tiếc quá gã liền lao vào gạ mua với 30 triệu đồng và đem về để vào kho dự trữ. Mãi đến tháng 3/2012 gã mới đem khối đá đó ra chế tác, mài giũa để tạo thành bức tranh đá lớn nhất trong làng đá cảnh hiện nay.

Hiện chưa có ai định giá cho bức tranh mới hoàn thành này, tuy nhiên theo Lê Quang Tùng thì nếu bán, chí ít cũng phải thu được cỡ 200 - 500 triệu đồng.

Khi được hỏi về tổng giá trị của kho tranh đá đang sở hữu, Lê Quang Tùng  ngần ngừ lắc đầu bảo, chưa thể định giá chính xác. Tuy nhiên, theo nhẩm tính của chúng tôi thì kho đá cảnh của "vua" đá Lê Quang Tùng có giá trị trên chục tỷ đồng.
Bức tranh "mùa thu" được làm từ đá vân.
Bức tranh "mùa thu" được làm từ đá vân.
"Cả xã Suối Giàng có hai mỏ đá lớn là mỏ đá Giàng Cao và mỏ Suối Lóp (gần Cây Năm). Ở Suối Lóp chủ yếu là đá ngọc và đá vân đỏ, còn ở Giàng Cao có đá mồ côi. Năm 2007, Lê Quang Tùng cùng một số người dân ở Văn Chấn đã khơi mào cho phong trào chơi đá cảnh rầm rộ. Đến nay, huyện và tỉnh đã có chủ trương cấm khai thác đá trên các quả núi. Tuy nhiên, phong trào chơi đá cảnh vẫn chưa thể chấm dứt, nhiều người dân trong và ngoài xã vẫn đi đào đá bán để đổi lấy miếng cơm manh áo".
Ông Sổng A Nủ (Chủ tịch UBND xã Suối Giàng)
Quách Dương

Bình luận(1)

Minh Hiền

Dr. Thanh - Đà Nẵng

Nhìn cách bố trí thì tôi thấy không được chuyên nghiệp lắm (mặc dù nhìn không rõ lắm, chỉ một hình phía sau chủ nhà). Và bài này tác giả viết bài mà hình đưa ít quá. phải đưa nhiều hình cho độc giả chiêm ngưỡng chứ. Tôi cũng rất mê đá cảnh. Cũng thông qua đây cho tôi hỏi, nếu ai biết thì trả lời giúp tôi nhé: Tôi có một cục đá (người dân chổ tôi gọi là búa trời) có màu như hổ phách, hay màu lát gan heo luộc vậy, bóng rất đẹp. Hình dáng giống lưỡi búa người xưa. Lúc trước dân trong xóm tôi thường hay mượn về mài ra và uống khi bị đau. Có người cưa trộm nhưng không được vì rất cứng (hiện vẫn còn một lèn cưa). Trọng lượng nặng và mát lạnh. Tôi có lên mạng xem thì có người bảo là búa trời, có người bảo là thiên thạch, giá trị rất cao, nhưng thực sự tôi không biết như thế nào? Nếu ai quan tâm hoặc có hiểu biết về loại đá này thì phản hồi cho tôi cùng độc giả biết với nhé. Xin chân thành cảm ơn. ( Nếu cần tôi sẽ post hình cho xem).