Dân canh giữ ngày đêm không cho xây nhà máy xử lý rác

Google News

(Kiến Thức) - Lo lắng nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, người dân đua nhau canh giữ không cho nhà máy này khởi công…

Dân bức xúc vì nhà máy xử lý rác thải… bỗng dưng xuất hiện
Suốt từ tháng 7 đến nay, hàng trăm người dân thôn Cầu Đồng 9 và Cầu Đồng 10 (xã Ngọc Lý) và thôn Trung, Hạ (xã Cao Xá) của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thay nhau canh chừng ở khu vực chân núi Lăng Cao để ngăn cản không cho Chủ dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp động thổ, khởi công. Cùng với đó, người dân địa phương đã gửi đơn đến các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang để phản đối việc xây dựng Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Trong đơn kêu cứu của người dân thôn Cầu Đồng 9 và Cầu Đồng 10 gửi đến Báo điện tử Kiến Thức, người dân cho rằng, nhà máy xử lý rác thải có công suất lớn, xử lý 150 tấn rác thải công nghiệp và 30 tấn rác thải sinh hoạt/ngày này nằm ở vị trí quá gần nhà dân, cách nhà gần nhất khoảng 150m, không bảo đảm vệ sinh môi trường, sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân trong khu vực khi đi vào hoạt động.
 Khu vực nằm trong dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải.
Để tìm hiểu rõ lý do vì sao người dân xã Ngọc Lý lại ngăn cản dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp, PV Kiến Thức đã về địa phương.
Trao đổi với PV Kiến Thức, người dân thôn Cầu Đồng 9 và Cầu Đồng 10 (xã Ngọc Lý) và người dân xã Cao Xá cho biết, họ bức xúc bởi nhà máy xử lý rác thải có công suất lớn như thế nhưng lại không thông báo cho người dân địa phương biết. Ngay cả khi biết thông tin, dân hỏi nhưng không cơ quan nào giải thích được. 
Trưởng thôn Cầu Đồng 10, ông Nguyễn Văn Mạnh, đại diện cho người dân trong thôn cho biết, khu vực đặt nhà máy xử lý rác thải có diện tích 37,5 ha, thuộc hai xã Cao xá và xã Ngọc Lý. Khu đất này là đồng cỏ, có sông Cầu Đồng chảy vòng quanh, một bên là dãy núi Lăng Cao thuộc xã Cao Xá, một bên là thôn Cầu Đồng 10, Cầu Đồng 9. Nhà máy xử lý rác thải với công suất rất lớn, xử lý 150 tấn rác thải công nghiệp và 30 tấn rác thải sinh hoạt/ngày; khi xây dựng quá gần nhà dân, cách nhà gần nhất khoảng 150m, không bảo đảm vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên từ khi đề xuất, lập kế hoạch thực hiện dự án người dân địa phương không hề hay biết.
 Đơn người dân địa phương gửi báo Kiến Thức.
“Tháng 3/2014, người dân chúng tôi phát hiện một số máy ủi, máy xúc, máy đào, ô tô vận tải và một số phương tiện kỹ thuật khác tập kết ở khu vực xã Cao Xá (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) tiếp giáp với thôn Cầu Đồng 10, xã Ngọc Lý để san lấp mặt bằng xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Dự án này, nhân dân chúng tôi không được biết. Chúng tôi đã kiến nghị UBND xã Ngọc Lý, UBND huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Tài nguyên môi trường và Chủ dự án về việc này, nhưng đến nay, các cấp có thẩm quyền từ UBND xã đến UBND tỉnh Bắc giang không trả lời; mà còn nhất trí , bảo vệ cho chủ dự án triển khai xây dựng. Ngày 7/7, Chủ dự án thực hành động thổ, khởi công. Thấy vậy, hàng trăm người dân xung quanh khu vực đã kéo đến ngăn cản không cho làm”, ông Mạnh cho hay.
Dẹp lò gạch vì gây ô nhiễm, dân lại lo nhà máy rác thải
Dẫn PV lên khu đất dùng để làm nhà máy xử lý rác, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng thôn Cầu Đồng 10 cho biết, trước đây một phần khu đất này, người dân làm lò gạch thủ công. Tuy nhiên, sau đó để bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, các cấp chính quyền thông báo không được làm lò gạch thủ công ở khu vực này.
“Người dân chấp hành phá dỡ các lò gạch đã xây dựng, dù rất tốn kém. Tuy nhiên, điều người dân bức xúc là chính quyền không cho người dân làm lò gạch vì gây ô nhiễm môi trường nhưng lại cho xây dựng nhà máy xử lý chất thải, gây ô nhiễm gấp nhiều lần so với khí thải lò gạch thủ công của dân”, ông Mạnh cho hay.
 Trưởng thôn Cầu Đông 10, ông Nguyễn Văn Mạnh.
Đại diện người dân Cầu Đồng 9, trưởng thôn Nguyễn Văn Khoa cho biết, vị trí đặt nhà máy xử lý rác ngay khu vực giáp sông Cầu Đồng khiến người dân địa phương lo lắng.
“Từ trước đến nay, người dân đã sử dụng nước sông Cầu Đồng để sinh hoạt và chăn nuôi hàng ngàn trâu, bò, ngựa. Hơn nữa, sông Cầu Đồng là nguồn cung cấp hải sản như cá, tôm, cua, ốc, ếch, trai… cho nhân dân sống ở đây khai thác. Đây cũng là nguồn kinh tế rất quan trọng cho các gia đình ở miền núi, trung du. Nguồn nước cung cấp cho hàng ngàn ha lúa và hoa mầu của địa phương sinh trưởng và phát triển. Mỗi mùa mưa, nước ngập lụt dâng cao. Nay chủ dự án ngăn sông Cầu Đồng, nắn sông dòng chảy sang sát thôn Cầu Đồng để xây dựng bãi rác thải thì không chỉ gây ô nhiễm, gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn phá vỡ môi trường, gây thêm lũ lụt nguy hại hơn bao giờ hết. Đó còn chưa kể nếu nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường thì sức khỏe người dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Khoa cho hay.
 Bãi rác thải trong khu đất của dự án.
Cả ông Khoa, và ông Mạnh đại diện cho người dân cho biết, người dân địa phương đã kiến nghị nhiều lần với các cấp có thẩm quyền, nhưng không được trả lời. Mặt khác lãnh đạo xã và huyện Tân Yên chỉ đạo cấm đảng viên, hội viên cựu chiến binh ở các địa phương trên không được tham gia cùng nhân dân đấu tranh về nội dung kiến nghị không cho xây dựng nhà máy; ai tham gia sẽ kỷ luật (!?)
Sẽ xử lý nghiêm nếu sản xuất gây ô nhiễm môi trường
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, ngày 5/11/2013, UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận số 20121000446 cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch do ông Vũ Đức Tuệ làm Giám đốc thực hiện dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Địa điểm đầu tư dự án thuộc thôn Lăng Cao (xã Cao xá, Tân Yên, Bắc Giang với diện tích khoảng 37,5 ha. Quy mô dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp xử lý rác công nghiệp là 150 tấn, rác thải sinh hoạt là 30 tấn/ngày. Tổng số vốn đầu tư lên đến 150.233.000.000 đồng. Dự án có thời gian thực hiện 40 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2015.
Để hạn chế việc nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường khi đi vào hoạt động, trong công văn số 67/TB-UBND của UBND huyện Tân Yên do ông Nguyễn Quang Lượng, Phó chủ tịch huyện ký nêu rõ “Sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân quanh khu vực Lăng Cao thuộc hai xã Cao Xá và Ngọc Lý, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên thông báo “Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch không xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực dự án (Lăng Cao, Cao Xá và Ngọc Lý). Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Yên trong công văn số 48/CV-TNMT cũng nêu rõ “cùng với quá trình hoạt động của nhà máy sẽ thường xuyên quan trắc đánh giá tác động về môi trường và các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường theo định kỳ 3 tháng/lần. Trường hợp có vi phạ sẽ bị xử lý về kinh tế như phạt tiền, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do nhà máy gây ra, nếu không khắc phục sẽ đình chỉ sản xuất theo quy định”.
 Do người dân phản đối nên nhà máy chưa thế thi công, máy xúc nằm im lìm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Vũ Đức Tuệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch cho biết, do người dân chưa hiểu nên họ lo lắng.
“Khi nhà máy đi vào hoạt động chủ yếu xử lý rác thải công nghiệp, đó thực chất là những phế liệu công nghiệp. Chúng tôi chỉ thu gom rác không động hại. Hơn nữa, riêng ngành môi trường, đầu tiên nhà máy xử lý rác phải được thẩm định ĐTM, khi lắp đặt toàn bộ các thiết bị công nghệ, phải được Bộ TNMT thẩm định lại nếu đạt mới được hoạt động. Hiện chúng tôi mới xong phần đền bù giải phóng mặt bằng và vẫn chưa làm gì, do người dân chưa hiểu biết nên ngăn cản. Hơn nữa, khu vực gần ngòi Cầu Đồng, chúng tôi chỉ sử dụng làm hồ điều hòa, còn khu vực đặt nhà máy chúng tôi đặt xa khu dân cư, không làm ảnh hưởng đến người dân”, ông Tuệ cho biết.
“Bây giờ, do sự phản đối của người dân, dự án chậm triển khai. Sự trì trệ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và ảnh hưởng đến lợi ích của người dân”, ông Tuệ cho hay.
Hải Ninh

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyễn Hoàng Hưng

Việc xây dựng nhà máy, xí nghiệp để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là tốt, nhưng nếu xây dựng ra mà không đảm bảo được xủ lí hệ thống rác thải, gây nguy hại cho người dân thì cần phải xem xét, có biện pháp ngăn ngừa.