Người “khuất mặt” mà chị Hữu đang nỗ lực giúp đỡ là cụ Nguyễn Văn Thu, còn gọi là Bếp Thu, sinh năm 1890, bị án chung thân khổ sai tại Côn Đảo, đã vượt ngục thành công năm 1941 và về nương náu tại Cà Mau cho đến lúc qua đời.
Bi kịch cuộc đời của người mang số tù C.7111
Năm 1997, sau trận bão Linda tàn phá miền Trung nặng nề, cô giáo trẻ Kiều Thị Hữu tình nguyện về Cà Mau làm giáo viên theo lời kêu gọi cả nước hướng về Cà Mau, dành hết tâm huyết của mình để dạy dỗ những đứa trẻ vùng quê nghèo khó.
Hết thời gian tình nguyện, cô giáo trẻ trở về Hà Nội mà không hề hay biết rằng, cô đã vô tình để lại trong lòng các học trò của mình tình yêu và nỗi nhớ day dứt.
Tình cảm đặc biệt đó đeo đẳng khiến các cô bé, cậu bé ngày ấy dày công tìm kiếm cô giáo hiền suốt 20 năm. Và ông trời đã không phụ công khi một ngày, cô - trò tìm được qua facebook, mừng vui khôn siết.
Tết 2017, cô giáo Hữu trở lại vùng đất Cà Mau - nơi đã từng có thời gian gắn bó, làm việc, thăm lại những học trò. Tại đây, như cơ duyên trời định, cô Hữu được bố mẹ cậu học trò kể về cuộc đời cụ Nguyễn Văn Thu.
|
Chị Hữu hy vọng, qua báo chí và mạng xã hội, mọi người sẽ chia sẻ thông tin, may chăng con cháu cụ đọc được thông tin và để liên lạc với chị đi thăm mộ. |
Tình cờ trong buổi gặp gỡ, cô giáo Hữu được bà H. (vì sợ cuộc sống bị xáo trộn, nhân vật xin giấu tên và địa chỉ cụ thể cho đến khi tìm được người nhà của cụ Thu - PV), mẹ của một học trò cũ, kể chuyện về cụ Nguyễn Văn Thu - một cựu tù Côn Đảo.
Cái ngày dân làng gặp cụ Thu, lưng cụ bị gãy gập, vẹo vọ, đi lại khó khăn. Cụ đi cùng một người khác nữa, gọi là cụ Tám Đẳng. Hỏi han mới biết hai người vừa cùng đồng đội vượt ngục khỏi nhà lao Côn Đảo. Đến nơi chỉ còn hai người sống sót. Cụ Thu bị như vậy là do bị giặc tra tấn, đánh đập dã man.
Thời gian đầu, hai cụ tá túc trong chùa. Sau đó cụ Thu sang ở nhà dân cạnh chùa (nhà cụ ngoại học trò của chị Hữu).
Cụ Thu cho biết tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1890, bị án chung thân khổ sai tại Côn Đảo. Là đồng chí của cụ Nguyễn Thái Học, người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái.
Bà Hai H. cho biết, thời đó, người lớn đều đi làm cách mạng, ở nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ. Cụ Thu sang ở với gia đình bà Hai H. được gia đình coi như người trong nhà. Ông bà, bố mẹ bà Hai H. đi hoạt động cách mạng, mấy ông cháu ở nhà tự nuôi nhau.
Bà kể, cụ Thu có giọng Hà Nội rất dễ nghe, tính tình lại hiền hậu, phúc đức nên ai cũng quý.
Theo trí nhớ bập bõm của bà Hai H. thì cụ Thu từng kể cụ có vợ và 2 người con, dưới cụ có 2 em gái. Cụ thường nhắc về quê hương, nhưng bà chỉ nhớ tên quê cụ có vần “Inh” và có hai từ. Lúc nào, cụ cũng đau đáu mong được đoàn tụ với gia đình.
Năm 1975, đất nước thống nhất, cụ mừng lắm, cứ nắm tay bà Hai H. nói: “Ông sẽ đưa cháu ra ngoài đó (về quê ông) thăm mọi người”. Nhưng ước mong chưa kịp thực hiện, cụ đổ bệnh nặng rồi mất vào năm 1977.
Sau khi cụ mất, gia đình bà Hai H. chôn cất đàng hoàng, xây mộ phần cho cụ ngay trong vườn, hương khói cẩn thận như người nhà.
Khi còn sống, cụ Thu luôn mong ước được trở về quê hương. Vì đã coi cụ Thu như một thành viên trong gia đình, nỗi niềm của cụ khiến gia đình bà Hai H. luôn day dứt, muốn tìm lại người thân, thực hiện bằng được tâm niệm của cụ.
Song, dù cố gắng nhưng do bản thân vợ chồng bà Hai H. cũng có những khó khăn nhất định. Chồng bà khi làm du kích, do lặn sông mò bom mìn nên tai bị hỏng. Còn bà H. thì tuổi cao sức yếu, kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện ra Hà Nội tìm lại người thân cho cụ H.
Bên cạnh đó, thông tin về cụ Thu lại rất ít. Ngoài những gì cụ kể và một bức ảnh truyền thần thì gần như không còn thông tin tài liệu gì.
Về phần cụ Tám Đẳng, sau khi đất nước thống nhất, cụ ra Bắc đoàn tụ với gia đình và không thấy quay vào Cà Mau nữa.
Nghe xong câu chuyện, chị Hữu tình nguyện làm cầu nối để giúp gia đình học trò cũng như cụ Thu thực hiện được tâm nguyện cuối đời.
|
Chị Hữu với tập hồ sơ thu thập được trong quá trình đi tìm cụ Thu, nhưng sau nhiều tháng kết quả vẫn chỉ ở con số "0". |
Chắp nối các mảnh ghép
Bằng những thông tin ít ỏi, chị Hữu lần mò theo các đầu mối. Chị nhờ người bạn làm việc tại bảo tàng nhà tù Côn Đảo và đến Cục lưu trữ quốc gia thì tìm được thông tin về cụ Thu.
Theo đó, tài liệu còn lưu trữ tại Nhà tù Côn Đảo có ghi thông tin tù nhân là Nguyễn Văn Thu, hay còn gọi là Bếp Thu (làm đầu bếp) có số tù là C.7111, tên mẹ là Phạm Thị Tôn. Trong hồ sơ Pháp để lại, cụ bị kết án năm 1936, đầy ra Côn Đảo, tới năm 1941 thì trốn thoát. Cụ chịu án chung thân khổ sai, có 2 năm cấm cố trong hầm, chuồng cọp. Sau đó, cụ bị đưa ra ngoài lao động khổ sai và đã vượt ngục.
Ngoài ra, chị Hữu còn có thêm duy nhất một tấm hình của cụ, được bà con Cà Mau lấy từ chứng minh thư (thời chế độ Sài Gòn) của cụ sau đó vẽ truyền thần.
Chắp nối những mảnh ghép, chị Hữu phân tích: “Hồ sơ của người Pháp để lại ghi quê quán cụ là Vĩnh Yên, Hà Nội. Mình đã đi tìm đọc sách sử và bản đồ cũ viết về thời đó, Hà Nội không có nơi nào xưa tên Vĩnh Yên. Có khả năng, xưa cụ làm đầu bếp tại Hà Nội, và quê ở Vĩnh Yên. Nếu quê cụ ở Vĩnh Yên, thời Pháp thuộc bao gồm phủ Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, gồm các huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng, Tam Dương và huyện Bình Xuyên.
Cụ lại nói là bạn chiến đấu, là đồng chí của cụ Nguyễn Thái Học. Mà cụ Nguyễn Thái Học quê ở Thổ Tang, Vĩnh Phúc thì nhiều khả năng cụ ở Vĩnh Phúc chứ không phải Hà Nội”.
Trong hành trình đi tìm Bếp Thu và người thân của cụ, chị Hữu đã gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thời của cụ là thời Pháp thuộc, đất nước ta còn chưa có chính quyền nên giấy tờ chỉ có từ năm 1945. Còn giấy tờ chế độ Sài Gòn cũng bị bỏ từ những năm thống nhất, và những người sống cùng thời cụ hoặc con của cụ cũng đã mất nên cuộc tìm kiếm như mò kim đáy bể.
Khoanh vùng tìm kiếm, chị lên Vĩnh Phúc nhờ Ban Chép sử của tỉnh, nhờ Hội người cao tuổi, nhờ Công an tỉnh… nhưng cũng không có thông tin gì.
PV VTC News cũng đã về huyện như Thổ Tang để lần tìm thông tin về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, về cụ Nguyễn Thái Học và bạn bè của cụ nhưng kết quả vẫn chỉ là con số “0”.
Ngay cả thông tin về cụ Tám Đẳng, chị Hữu cũng đã truy tìm, cả ở nhà tù Côn Đảo và Hỏa Lò nhưng không có hồ sơ chi tiết về cụ. Ở những tài liệu ghi chép của người Pháp mà ta còn giữ lại được chỉ ghi người tên là “Nguyen Van Dang” (chữ Pháp không có dấu) quê Vĩnh Long. Nhưng khi tìm về Vĩnh Long, các cơ quan nhà nước chỉ có hồ sơ lưu từ năm 1975, và cụ Tám Đẳng này lại nói giọng Hà Nội. Thế nên, gần như không có chút thông tin nào.
Chị Hữu buồn rầu nói: “Ngày xưa ai cũng nghĩ bị đày ra Côn Đảo chỉ còn đường chết, rất hiếm người vượt ngục được. Con cháu cụ Thu mà còn chắc tuổi cũng đã cao, nhiều khả năng đã mất. Hy vọng duy nhất bây giờ là phổ biến thông tin về cụ ở các huyện tại Vĩnh Phúc, và lan truyền thông tin trên đại chúng. Biết đâu con cháu, họ hàng cụ đọc được tin, nhìn thấy ảnh lại nhận ra, hoặc tra gia phả biết cụ là người thân”.
“Tâm nguyện cuối cùng của cụ là được về quê hương đoàn tụ gia đình. Giờ cụ yên nghỉ rồi, có thể không cần di hài cốt về quê nhưng nếu tìm được người thân cụ, để chị dẫn họ vào Cà Mau, thắp nén hương cho cụ thì linh hồn cụ nơi xa xứ cũng được an ủi phần nào. Người chết được yên lòng, còn những người sống cũng không day dứt”.