Người chiến sĩ anh dũng
Về ấp Bình Hòa 1 (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), hầu như ai cũng biết ông Nguyễn Văn Thành (78 tuổi, thường gọi “Thành cuội”). Người dân trân trọng, quý mến ông như một người hùng, bởi sự dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông Thành khi trong quân ngũ có bí danh “Thành cuội”, từng bị địch bắt, phải chịu tra tấn dã man và bị kết án tử hình. Nhưng cựu tù Côn Đảo này không hề nao núng, run sợ, vẫn hiên ngang trước kẻ đich.
|
Ông Nguyễn Văn Thành. |
Căn nhà tình nghĩa mà Hội cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long xây tặng cho gia đình ông nằm gần cuối con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, bên mé một bờ kênh khúc khuỷu uốn cong, xung quanh vườn cây trái sum xuê, trĩu quả. Ông Thành đang cần mẫn giăng lưới làm chuồng cho đàn gà con mới nở. Ông lão dáng vẻ nhỏ thó, ốm nhom, tóc bạc nhưng ánh mắt còn tinh anh, nụ cười hiền hậu.
Là con út trong gia đình đông anh, chị, em, ông Thành chỉ được học đến lớp sáu rồi nghỉ giữa chừng để cùng cha mẹ lam lũ với cánh đồng mưu sinh. Từ khi còn là một cậu bé chạy đồng, ông đã biết cùng cha mẹ nuôi giấu cán bộ, chuyển tin tức kháng chiến từ miền ngược đến miền xuôi.
Năm 1958, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng khi chưa đầy 20 tuổi. Chàng dân quân du kích tự vệ được bố trí “cắm chốt” ở vùng địch tạm chiếm. Mỗi đợt quân địch hành quân càn quét, ông có nhiệm vụ giăng cờ hiệu báo về trung tâm chỉ huy để quân và dân ta kịp thời thay đổi chiến thuật kháng chiến.
Hơn hai năm “bám” trong lòng địch, năm 1960, ông Thành được giao nhiệm vụ thủ tiêu tên cảnh sát ác ôn làm tay sai cho chế độ Ngụy quyền. Mọi kế hoạch đã được vạch sẵn, tên tay sai sắp sửa rơi vào tầm ngắm chính xác thì bất ngờ ông Thành bị địch bắt giữ.
“Tôi bị địch bắt, chúng bịt mặt dẫn tôi vào một căn phòng rồi đánh đập, tra khảo, bắt phải nhịn đói suốt 3 ngày, buộc tôi phải khai ra đồng đội nhưng tôi một mực không đầu hàng, người cựu tù kháng chiến trầm tư hồi ức.
Hơn một tháng bị địch gông cùm tra tấn, dùng mọi cách tra khảo vẫn không có kết quả, ông Thành bị kết án tử hình. Ngày sắp sửa ra pháp trường, ông vẫn hiên ngang. Chiến sự lúc ấy ngày một căng thẳng.
Trước sự đấu tranh quá lớn từ nhân dân Việt Nam và thế giới, quân đội Mỹ đã mở phiên tòa xét xử, giảm án cho những tù binh tử hình xuống án tù chung thân. Để dẹp yên dư luận, giấu tội ác, kẻ địch đày ông Thành cùng các đồng đội ra Côn Đảo giam cầm.
Ở Côn Đảo, ông Thành tiếp tục phải trải qua nhiều cuộc tra khảo, bị hành hạ “chết đi sống lại”. “Những ngày trong tù, dù chúng tôi bị đánh chết, bị đày đọa khổ sai cũng quyết tâm không khai ra đồng đội. Dù bị gông cùm của giặc cùm chân, chúng tôi vẫn một lòng hướng về cách mạng, hướng về sự nghiệp giải phóng đất nước”, người cựu tù hùng hồn kể về quá khứ.
Năm 1973, quân đội Việt Nam Cộng Hòa và quân giải phóng trao trả con tin. Ông Thành được trả về địa phương. Hơn 13 năm bị địch cầm tù vẫn không dập tắt được ý chí cách mạng trong ông. Lúc này dù sức khỏe đã suy yếu do những trận tra tấn trong nhà tù địch, ông vẫn tiếp nối con đường chiến đấu cho đến tận khi giải phóng miền Nam 1975.
Lão nông chống đói nghèo
Cởi bỏ bộ áo lính trở về làm kinh tế, cũng như những đồng đội khác, ông Thành lâm cảnh quay quắt vì không có vốn và tìm phương hướng thoát nghèo nhưng luôn gặp bế tắc.
Lúc này tài sản lớn nhất của gia đình ông chỉ có một mảnh đất nhỏ xíu, không một đồng vốn dính túi. Ông Thành phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, ai thuê gì làm nấy, từ nghề làm phụ hồ, đi đánh cá trên sông, chăm vườn cây ăn trái… thắt lưng buộc bụng, gom góp từng đồng.
Hai năm sau, có người con gái làng bên thấy ông thật thà, chăm chỉ đã đem lòng thương, cùng ông dựng túp nhà lá dừa trên mảnh đất cha ông để lại sinh sống. Hàng ngày ông đi làm, vợ ở nhà vun vén chăm bẵm vườn tược.
Làm thuê riết cũng cực, lại ba cọc ba đồng, vợ chồng ông đứt bữa liên miên. Ông tính chuyện phải tìm cách tự sản xuất làm kinh tế vườn – ao – chuồng để thoát nghèo. Nhưng ngặt nỗi, ở quê, ruộng đồng ngập mặn, làm gì cũng khó. Đã bao lần vợ chồng ông chân ướt chân ráo tập làm trang trại nhỏ chăn nuôi lợn nhưng không may bị dịch “tấn công”. Thử áp dụng mô hình nuôi vịt chạy đồng nhưng đàn vịt chết dần chết mòn vì hạn, mặn triền miên, bao nhiêu vốn liếng vay mượn được đều mất trắng, nợ nần chất chồng.
Trải qua biết bao lần thất bại, lại khan vốn, ông Thành dần nản. Biết được những khó khăn gia đình ông đang gặp phải, đầu năm 2014, Hội “Người tù kháng chiến” tỉnh Vĩnh Long đã tạo điều kiện cho vợ chồng ông vay 10 triệu đồng (không lãi suất, trả trong vòng hai năm) để góp vốn cho ông làm kinh tế.
Từ khoản tiền ít ỏi đó, ông nhờ một chủ buôn “mai mối” để mua giúp một con bò lai để nuôi. Niềm vui khi có được một con bò chưa hết, ông chợt nhớ lại, chuồng trại nuôi bò chưa có, kỹ năng về nuôi bò của mình như một “tờ giấy trắng”, lại phải sang những nhà hàng xóm để hỏi kỹ thuật nuôi bò.
Trải qua ba tháng nuôi, mặc dù rất yếu về kỹ năng nhưng nhờ lượng cỏ dồi dào, chăm sóc tốt nên chú bò lớn rất nhanh. Nhận thấy tình hình nuôi bò lãi rất thấp, ông Thành quyết định đi theo một hướng mới, mở một trang trại nuôi gà ta.
Ông bán chú bò mới mua từ ba tháng trước được 13 triệu đồng. Ông tiếp tục mạnh dạn phá gần 50m2 đất ven nhà để làm chuồng trại cho gà. Lợi thế đất vườn đã có sẵn, lại cây cối sum xuê mát mẻ, ông chỉ cần giăng lưới, làm chuồng, mua thêm một số dụng cụ chăn nuôi là đã có một trang trại đầy đủ. Số tiền còn lại ông đặt mua 500 con gà giống, cùng một số thức ăn dự trữ cho đàn gà.
Lứa đầu tiên, gà chết hơn phân nửa, chỉ còn một số ít. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh, một số bệnh mới nhưng không được phát hiện kịp thời. Vụ đó, gia đình ông chỉ thu lại huề vốn.
Lứa thứ hai, khi đã học thêm thú ý về cách chăn nuôi chữa bệnh cho gà, ông vay mượn thêm xóm giềng mua 1000 con giống. Kết hợp mô hình nuôi gà trang trại, ông trồng thêm cây trúc để che mát cho gà.
Sau mỗi kỳ thu hoạch gà thịt, cũng là lúc thu hoạch cây trúc bán cho thương lái làm đồ mỹ nghệ hoặc làm chuồng trại chăn nuôi. Mỗi cây trúc bán được 4 – 5 ngàn đồng. Với diện tích hơn 1000m2 mỗi đợt bán trúc, ông thu hơn 20 triệu đồng.
Chia sẻ về kỹ năng nuôi gà lấy thịt, anh Nguyễn Thành Hiệp (33 tuổi, con trai ông Thành) cho biết: “Nuôi gà phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, thức ăn phải dồi dào, người nuôi gà phải nắm được hết bệnh tình của con gà, mỗi khi có bệnh phải phát hiện và xử lý ngay”.
Cuộc sống gia đình từ chỗ rất khó khăn, qua hai năm chăn nuôi, ông Thành đã hoàn trả vốn và đã có cuộc sống ổn định. “Tôi rất cảm ơn các cấp, Hội Người tù kháng chiến đã tạo điều kiện cho tôi làm ăn, giúp cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định, vợ chồng tôi không còn lo từng bữa ăn hằng ngày” , ông phấn khởi nói.
Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):