Về nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương lên mộ chị Sáu

Google News

Vào 11h đêm, đoàn chúng tôi được gọi dậy để đi viếng mộ chị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương.

Xuống máy bay sau gần 2 giờ đồng hồ, Côn Đảo đón chúng tôi bằng cái nắng gay gắt của ngày cuối hè đang còn sót lại cùng tiếng sóng biển và bờ cát trắng.
Tôi đến Côn Đảo đúng vào dịp đất nước đang chuẩn bị kỉ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), ngày tri ân của những người con cống hiến cuộc đời cho độc lập.
Trên máy bay, tôi vô tình bắt gặp những đoàn người tóc đã phai sương nhưng vẫn oai hùng trong bộ áo lính đã nhầu nát do thời gian. Họ là những cựu tù Côn Đảo đang đi thăm lại nơi một thời là "địa ngục trần gian", là ác mộng không bao giờ quên đối với họ.
Ai cũng đã ngoài 70, thậm chí là 80 tuổi, nhưng khi có một thế hệ hậu bối như tôi hỏi về chiến tranh, các chú, các bác lại ánh lên vẻ tự hào khi đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình để thế hệ sau được cơm no áo ấm.
Trong đoàn, có một cựu tù chính trị năm nay cũng đã hơn 70 tuổi, ông đã không còn đủ sức khỏe để có thể đi tiếp hành trình cùng đồng đội về sau này. Ông tự nhủ rằng đây sẽ là lần về cuối cùng về Côn Đảo và sẽ khép lại một thời bi tráng của mình sau những bức ảnh kỷ niệm.
Ông nói với tôi, đây là lần thứ 4 ông trở về với Côn Đảo. Mỗi lần về ông đều trở lại nghĩa trang Hàng Dương, nơi những người đồng đội của ông ngã xuống để đổi lấy độc lập của dân tộc. Lần nào về, ông đều có một cảm xúc lẫn lộn đan xen, vừa căm hận kẻ thù, vừa thương những đồng đội cũ cho dù chiến tranh đã đi qua cả một đời người.
Ông cũng kể, thời của ông là thế hệ sau của chị Võ Thị Sáu. Vì vậy, hình ảnh về người con gái chưa đầy 18 tuổi can trường không sợ chết luôn là hình mẫu lí tưởng của thế hệ trẻ thời chiến.
Đan xen hai bàn tay đã không còn nguyên vẹn, ông cùng những đồng đội xưa hát vang khúc hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" trên máy bay một cách tự hào. "Mùa hoa lê ki ma nở,....", câu hát đưa chúng tôi tới đất Côn Đảo và hòa mình vào tiếng sóng biển phương nam anh hùng.
Ve nghia trang Hang Duong thap nen huong len mo chi Sau
 
Vào 11h đêm, đoàn chúng tôi được gọi dậy để đi viếng mộ chị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương. Bản thân ai trong đoàn ban đầu cũng ngỡ ngàng tự hỏi, ai lại đi viếng mộ giờ này?
Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975.
Chị hướng dẫn viên trong đoàn giới thiệu, đi viếng mộ chị Sáu vào ban đêm mới thiêng nhất. Tiếc nuối vì lỡ bỏ dở giấc ngủ, tôi cùng đoàn người vẫn đang còn ngái ngủ lên xe để tiến về người phụ nữ mà tôi mới chỉ biết quá sách vở.
Điều kì lạ hơn nữa, khi chúng tôi đi, thời gian đã quá nửa đêm nhưng ở hai bên vệ đường hướng về nghĩa trang Hàng Dương đèn điện từ các cửa hàng, quán ăn, nhà nghỉ, nhà dân vẫn sáng. Ngoài đường nhộn nhịp, xe cộ tấp nập kẻ ngược, người xuôi,...
Cô hướng dẫn viên mới cười nhỏ nhẹ và nói bằng thứ giọng miền Nam ngọt ngào, êm dịu: "Giờ này khách mới đi viếng mộ anh ạ. Nhà mình lại đi vào mùa này nên sẽ rất đông đấy".
Quả thật, từ nhà nghỉ tới nghĩa trang Hàng Dương chưa đầy 3 cây số, nhưng có rất nhiều đoàn người di chuyển bằng đủ thứ phương tiện khác nhau, họ đa phần là đi bộ. Con đường dẫn lối vẫn tối đen trong khoảng trời đêm đã khuya được tô vẽ bằng ánh đèn đường hiu hắt. Thi thoảng, đi vào những đoạn đường tối, những hàng cây xanh im lìm, những dãy núi lưng chừng trên đường đi bỗng thoát ẩn, thoát hiện lại càng tôn lên vẻ u tịch của chốn linh thiêng.
Phút chốc, chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương bằng vẻ bất ngờ. Người đến viếng kéo dài phải tới vài trăm mét. Hàng ngàn ánh nến đang phát sáng làm xua đi vẻ đượm buồm, u tịch của bóng tối cùng mùi khói hương trầm đang bốc lên nghi ngút.
Phải chờ khá lâu, chúng tôi mới ngắm nghía được trọn vẹn quang cảnh nghĩa trang Hàng Dương. Đoàn chúng tôi được cô hướng dẫn viên giới thiệu: "Du khách thường hay đi viếng mộ ở Khu A1, nơi an nghỉ của của cố Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong, nhà cách mạng yêu nước Nguyễn An Ninh và khu B2, nơi an nghỉ của chị Võ Thị Sáu, anh hùng Cao Văn Ngọc và anh hùng Lưu Chí Hiếu".
Ngoài ra, tại đây còn là nơi an nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ khác đã vì Tổ quốc mà trở về với đất mẹ. Mỗi ngôi mộ ở nghĩa trang này không chỉ là một số phận bi hùng, một chứng tích tội ác của thực dân đế quốc mà còn âm vang của trang sử hùng tráng một thời bom đạn.
Mỗi ngôi mộ ở đây đều được thắp một nét hương cùng một bông hoa tươi đỏ thẫm như mầu máu. Từng hàng mộ chạy dài tới mép nghĩa trang, các anh, các chị vẫn đang nằm lại cùng nhau và nắm lấy tay nhau để chứng kiến hòa bình mà họ đã phải đánh đổi bằng xương, bằng thịt.
Thi thoảng, lại có một vài cơn gió từ biển đêm thổi vào những tán cây đang xào xạc và làm phai đi những tán hương đang nghi ngút khói, chúng được lan tỏa từ nén hương đang rực cháy, làm cho phong cảnh tựa hư hư, thực thực trước cõi tâm linh.
Phải nói rằng, người đến viếng mộ chị Sáu rất đông, bản thân đoàn chúng tôi phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mới tới lượt thăm chị. Tuy đông như vậy, nhưng ai cũng tỏ lòng thành kính về một tấm gương yêu nước đã đi vào huyền thoại.
Trên phần mộ của nữ anh hùng, một bát hương lớn nghi ngút khói và hoa tươi, trái cây... tất cả những gì người dân mang đến đều được bày cúng trang trọng, sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ.
Ai trong mỗi người chúng tôi đã từng có mặt ở đó cũng đều có chung một cảm xúc khi nhìn thấy bức di ảnh của chị. Một cô gái còn quá trẻ, với khuôn mặt vẫn còn vấn vương của tuổi “trẻ con”.
Nhưng chẳng ai có thể hình dung ra, một người con gái trẻ như vậy lại thốt lên những câu nói bất hủ: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!".
Và ngay cả trong khoảnh khắc sinh tử, chị cũng không ngần ngại thốt lên tiếng vọng thiêng liêng :"Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Ở mảnh đất Côn Đảo với bốn bề là biển khơi này, chị Sáu đã trở thành một vị thần hộ mệnh cho cư dân bản địa. Bất cứ ai mong cầu điều may mắn trong công việc, làm ăn, yên lành trong cuộc sống... đều đặt niềm tin vào cô Sáu phù hộ, giúp đỡ. Và cũng vì lẽ đó, cứ mỗi khi đến rằm, ngày lễ, Tết, ngày 27/7 và ngày giỗ của chị,... rất đông chư khách thập phương đều đến đây để xin chị phù hộ.
Đêm càng về khuya, gió ngoài biển càng thổi mạnh làm cho không khí trở lên nhẹ nhàng hơn với cái se se lạnh. Dòng người đến mỗi lúc một đông, đoàn chúng tôi đành chia tay chị để nhường cho dòng người đang chờ đợi. Từ phía xa xa, ai cũng ngậm ngùi mãi không thôi, chần chừ như có ai đó níu chân lại.
Sáng sớm hôm sau, khi tôi chuẩn bị trở về Hà Nội, Côn Đảo như đang níu chân lại bởi những dải cát trắng xa tới khuất tầm mắt và tiếng sóng vỗ bờ mang vị mặn của muối. Đâu đó trong tôi vẫn văng vẳng câu hát: “Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội - Vào trái tim những người đang sống - Giục đi lên không bao giờ lui”.
>>>Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)