Vượt 24km mua gạch xây mộ
Trên đường đến xã Hòa Phong (huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk), chúng tôi được người dân địa phương kể cho nghe về gia đình xây dựng một ngôi mộ ngay trước cửa nhà, ngày đêm nhang khói như người thân với lý do người đó trùng tên với gia chủ.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Bá Khương ở xã Hòa Phong, cách thị trấn Krông Bông chừng 10km. Ngôi mộ khang trang, sạch sẽ nằm nổi bật trước căn nhà mái bằng được xây dựng cách đây mấy chục năm.
Kể về nguồn gốc ngôi mộ bà Hồng cho biết: "Mảnh đất này trước đây là khu trường học. Về sau trường di dời đi nơi khác thì hợp tác xã xây dựng nhà kho. Tuy nhiên khi xây dựng nhà kho thì phát hiện bên cạnh cây Kơnia có một bộ hài cốt cùng với thông tin cá nhân như tên Trịnh Ngọc Khương, ngày tháng nhập ngũ, tên đơn vị... Sau đó, ngôi mộ được chuyển ra vị trí mới cách gốc cây Kơnia khoảng 100m để lấy đất thi công nhà kho".
|
Ông Mai Viết Tăng, cán bộ chính sách xã Hòa Phong đến thăm ngôi mộ liệt sĩ được gia đình bà Hồng chăm sóc. |
Năm 1990, gia đình bà Hồng, chuyển đến mảnh đất có ngôi mộ liệt sĩ để làm nhà. Thời điểm đó, ngôi mộ chỉ được làm bằng đất, trải qua mưa nắng nên bị bào mòn đến mất cả hình hài của một ngôi mộ. Khi vợ chồng bà Hồng, ông Khương làm nhà thì phát hiện ngôi mộ ngay cạnh. Sau đó, ông Khương đem chuyện này kể với hàng xóm và biết được đây chính là ngôi mộ liệt sĩ trùng tên với mình nên động lòng trắc ẩn.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng ông Khương quyết định giữ ngôi mộ nguyên vị trí cũ, nằm trong sân nhà. Không những thế, vợ chồng ông còn xây mộ đẹp đẽ và thờ phụng quanh năm như là người thân trong gia đình.
Bà Hồng kể lại: "Thời điểm phát hiện ngôi mộ ngay trước nhà tôi sợ lắm. Tôi bàn với chồng chuyển mộ đi chỗ khác nhưng ổng không nghe. Ổng bảo đó là mộ liệt sĩ, người có công với nước nên giữ lại nhang khói, thờ phụng. Vả lại trước đây ổng cũng là bộ đội, nên coi việc chăm mộ liệt sĩ như là nghĩa cử báo ân với những đồng đội đã ngã xuống. Ý ổng đã quyết, rồi hai vợ chồng lặn lội đến huyện kế bên chở gạch về xây mộ. Hồi năm 1994 ở đây đường đi lại khó khăn lắm, muốn có gạch xây mộ, hai vợ chồng phải rong xe đạp 24km rồi chở gạch về nhà. Khổ nhất là những hôm mưa, đất dính chặt lốp xe nhưng hai vợ chồng vẫn gồng mình đem đủ ngàn viên gạch về xây mộ. Đến năm 2000, chúng tôi mua thêm gạch tráng men ốp bên ngoài, làm lại lư hương, dựng lại tam cấp... để ngôi mộ được sạch đẹp hơn".
|
Bà Lê Thị Hồng bên ngôi mộ liệt sĩ trùng tên chồng. |
Bén duyên với người chết
Ông Khương chia sẻ: "Tôi là người lính cụ Hồ nên ngay khi biết ngôi mộ liệt sĩ tôi coi đó như người thân của mình. Hồi còn trong quân ngũ, tôi đã từng chôn không biết bao nhiêu đồng đội sau mỗi đợt công đồn, mỗi lần ra vào mưa bom bão đạn. Thế nên việc có ngôi mộ của chiến sĩ ấy nằm trong sân nhà không có gì đáng sợ".
Đến tháng 5/2005, có một đoàn cựu chiến binh của huyện Krông Pắc ghé qua trình bày với ông Khương về việc liên quan đến ngôi mộ liệt sĩ mà ông đang thờ phụng. Đi theo đoàn là thân nhân liệt sĩ Trịnh Ngọc Khương và một số cán bộ xã. Khi đoàn tìm mộ đưa bản đồ vị trí chôn đồng đội ra thì thấy có sự trùng khớp với thực địa khiến nhiều người vui mừng.
Cũng theo ông Khương, lúc tìm ra mộ liệt sĩ Trịnh Ngọc Khương, các đồng đội trước đây của liệt sĩ xin được quy tập về nghĩa trang để Tổ quốc ghi công. Còn thân nhân liệt sĩ khi chứng kiến ngôi mộ được gia đình ông chăm sóc hương khói chu đáo lại muốn gửi gắm lại để gia đình ông nhang khói.
|
Ông Trần Bá Khương. |
"Tôi vẫn mong người liệt sĩ ấy được về với đồng đội tại nghĩa trang để có danh có phận, được ghi công trạng với núi sông, chứ nằm một mình nơi đây thấy tội lắm. Còn việc làm của tôi không có gì to tát, tôi cũng từng là người lính nên biết phải làm sao cho phù hợp với đạo lí của dân tộc. Vả lại, người liệt sĩ nằm dưới đất trùng tên Khương với tôi nên trong lòng còn điều trắc ẩn. Có lẽ đó cũng là cái duyên mà ít người có được", ông Khương bày tỏ.
Ông Khương cho biết, đến nay đã có thêm hai lần đoàn cựu chiến binh huyện Krông Pắc quay lại xin quy tập mộ liệt sĩ về nghĩa trang, nhưng vì thân nhân liệt sĩ đã gửi gắm nên ông giữ lại để hương khói. Vậy là cứ đều đều ngày rằm, mồng một và ngày 12/7 âm lịch gia đình ông Khương và cả thân nhân liệt sĩ lại cùng có mặt thắp nén nhan tỏ lòng biết ơn với người nằm dưới đất. Ai cũng cảm động khi ngày giỗ, tên của liệt sĩ đã được xướng lên. Điều đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, gia đình thân nhân liệt sĩ Trịnh Ngọc Khương và gia đình ông Trần Bá Khương đi lại với nhau thường xuyên hơn, thân thiết như anh em ruột thịt.
"Trước đây, nhiều người phản đối việc gia đình tôi đặt ngôi mộ của người xa lạ ngay trước nhà, lại còn nhang khói quanh năm. Họ cho rằng, điều đó không tốt. Thế nhưng 24 năm trôi qua, gia đình tôi vẫn làm ăn tiến tới, con cái học hành tử tế không có điều gì xấu xảy ra. Tôi nghĩ hành động của gia đình tôi là phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc".
Ông Trần Bá Khương