Những liệt sĩ ngã xuống giữa biển tiền tiêu Tổ quốc

Google News

Nói về liệt sĩ Trường Sa, không thể không nhắc đến những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc trong dịp 27/7.

25 năm qua, có 9 liệt sĩ nhà giàn nằm lại biển xanh, trong đó có 7 liệt sĩ thuộc nhà giàn DK1. Mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhành san hô nằm tận biển sâu. Nhắc về các anh, chúng tôi nghẹn ngào nhớ về đồng đội giữa lòng biển cả.
Cơn bão ngày 4/12/1990 đã đánh tung nhà giàn, kéo theo 9 cán bộ, chiến sĩ xuống biển sâu giữa đêm đông bão tố.
Trong trận cuồng phong ấy, trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi.
Ngoài anh ra còn có hai chiến sĩ nữa hy sinh trong cơn lốc tố này, đó là quân y sĩ Trần Văn Là và chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền. Họ là ba liệt sĩ đầu tiên trên nhà giàn DK1.
 Nhà giàn DK1 trong bão tố. Ảnh: TC
Lời người sống trở về kể lại
29 tuổi quân, 25 năm liên tục công tác ngoài nhà giàn DK1, cho đến thời điểm này, thiếu tá Bùi Xuân Bổng được ví như “cây đại thụ” của DK1. Dẫu bây giờ thiếu tá Bổng được biên chế trong “khung dự trữ”, song anh luôn sẵn sàng đi nhà giàn bất cứ lúc nào.
Chúng tôi tìm đến nhà thiếu tá Bùi Xuân Bổng ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân để nghe anh kể câu chuyện nhà giàn Phúc Tần 3 sụp đổ cách đây gần 24 năm về trước. Ngôi nhà của anh Bổng cấp 4 thiết kế kiểu “3 buồng” (buồng khách, buồng ngủ, buồng ăn) cũ kỹ lọt giữa dãy nhà lầu. Chị Vân - vợ anh Bổng đon đả: “Anh ấy vừa ở đơn vị về, các anh chờ nhà em tý nha”.
Thiếu tá Bùi Xuân Bổng - nhân chứng sống của nhà giàn Phúc Tần đổ năm 1990. Ảnh: Bùi Thanh
Mời chúng tôi ly nước trà xanh đằm đặm, anh Bổng nhìn ra khoảng sân trước nhà có mấy bồn rau - kỷ vật đem từ nhà giàn về, giọng anh chùng xuống: “Đó là những năm tháng không thể nào quên. Ba cán bộ chiến sĩ đã hy sinh để nhà giàn trường tồn vững chắc. Tôi và năm đồng đội ở nhà giàn Phúc Tần sống sót trở về.
Nói thật, tôi trở về được là do may mắn bám chặt vào được mảnh phao bè, chứ lúc ấy không nghĩ là mình còn sống. Lúc đó thương vợ con vô cùng. Trong thét gào của sóng gió, chúng tôi bị sóng quật tơi tả. Tất cả đều khóc. Không phải vì sợ chết, mà thương vợ, con, bố mẹ ở quê nhà. Thương vợ con đã đành, càng đau xót hơn là nhà giàn thân yêu của mình đã chìm xuống biển”. Mắt anh Bổng nhìn chúng tôi như tìm sự chia sẻ cảm thông.
Chiều ngày 4/10/1990, vùng biển thềm lục địa khu vực Phúc Tần bỗng khác thường. Phía Tây trời trong xanh ngăn ngắt, còn phía đông từng mảng mây đen bất chợt kéo về, chẳng mấy chốc phủ kín bầu trời. Sóng gió nổi lên dữ dội. Nhà giàn Phúc Tần rung bần bật. Thượng úy Bùi Xuân Bổng và trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã động viên anh em, sẵn sàng đối phó với sóng bão.
Tình huống vô cùng gian nguy. Làm cách nào sống đây, nếu nhà giàn đổ? Trong phút giây hiểm nghèo ấy, anh Bổng đã chỉ huy anh em đã lấy dây thừng kết những tấm gỗ bung lên từ sàn nhà lại với nhau thành một chiếc bè, sẵn sàng rời nhà. Anh còn căn dặn: “Nhảy xuống biển, anh em cố gắng bám chặt vào thanh gỗ, nhất định chúng ta phải sống và trở về, tàu sẽ đến cứu chúng ta”. Lời động viên ấy, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ.
Lúc 20 giờ ngày 4/12/1990, một đợt sóng mạnh đã đánh bật tung sàn nhà ở. Những tấm gỗ mặt sàn tung tóe trôi trong nước. Hiểm nguy cận kề, anh em đã lấy dây thừng kết những tấm gỗ lại với nhau thành một chiếc bè, nếu nhà giàn đổ thì bám vào đó chờ tàu đến cứu.
Ba liệt sĩ đầu tiên
2h sáng ngày 5/12/1990, những con sóng như quả núi liên tiếp ập vào nhà giàn khiến nhà chao đảo, trong tích tắc nhà chìm vào đêm đen. Anh Bổng hô to, “Tất cả lao ra khỏi nhà”. Anh em lao xuống biển. Thượng úy Bổng cũng lao theo các chiến sĩ giữa đêm đen mịt mùng, áo phao bị sóng đánh tuột khỏi người, nhưng anh may mắn vớ được một mảnh phao bè.
Trời tối đen như mực, không ai nhìn thấy ai. Họ nhận ra nhau bằng tiếng thét gào. Đúng lúc đó, anh Bổng nghe tiếng Hồ Thế Công và Phạm Xuân Quỳnh, anh hô lớn “Quỳnh ơi, Công ơi, anh ở đây”, rồi rướn mình cho phao lao về phía trước. Công và Quỳnh đã bám được vào mảnh phao bè.
Chiếc áo phao của anh Quỳnh bị sóng đánh rách mất một nửa, Công không còn đủ sức bám vào phao nữa. Anh Bổng đã xé áo mình làm dây, buộc tay Công vào mảnh phao bè, để, nếu chết thì vẫn còn xác. Cả ba chiến sĩ bám vào phao bè suốt gần một đêm một ngày lênh đênh trên biển như thế. Ai cũng động viên nhau cố sức bám trụ, chờ tàu đến cứu. Nếu không có tàu đến cứu thì chấp nhận hy sinh, chìm vào lòng biển.
Trong khi đó ở một nhóm khác, Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng cùng y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền bám vào thanh gỗ cố chống chọi với bão tố. Anh em lấy lương khô ăn để cố giữ sức.
Lương khô mặn chát vì thấm nước biển. 18 giờ trôi trong bão tố, 18 giờ chống chọi với đại dương hung dữ. Biết mình không trụ được nữa, anh Quảng đã nhường lại áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi chìm vào lòng biển. Có ngờ đâu, các anh Là và Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó.
Khi nhận được tín hiệu Nhà giàn Phúc Tần 3 bị đổ, Lữ đoàn 171 đã báo cáo Sở chỉ huy Hải Phòng và điều tàu HQ-711 khẩn cấp đi cứu hộ. Sau 20 giờ tăng tốc, ngụp lặn trong sóng gió, tàu HQ-711 đã cứu được các anh Bổng, Quỳnh, Công, Báu, Trung.
Tàu HQ-711 tiếp tục tìm kiếm đến ngày thứ hai, thứ ba và những ngày sau đó, nhưng không thấy các anh Quảng, Hiền, Là đâu nữa. Vậy là trung úy Nguyễn Hữu Quảng, quân y sĩ Trần Văn Là, nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền đã bị sóng dữ cướp đi, vĩnh viễn nằm lại biển xanh. Đây là 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh đầu tiên của nhà giàn DK1.
Kể lại giờ phút đau buồn trong cơn bão ngày ấy, thiếu tá Bổng xúc động “Tôi không bao giờ quên được”.
Người con của biển
Sinh ra và lớn lên ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), 20 tuổi chàng thanh niên hiền như lúa Bùi Xuân Bổng bước chân vào trường sĩ quan Pháo Phòng không, rồi tăng cường cho nhà giàn DK1 sau hơn 4 năm đèn sách.
Anh xung phong ra nhà giàn Phúc Tần làm nhiệm vụ vì anh muốn thử sức trai trẻ của một sĩ quan pháo binh nơi tuyến đầu.
“Thời bình im tiếng súng, nhưng lính nhà giàn chưa bao giờ gác súng. Bây giờ nhà giàn bớt gian khổ bởi có sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhưng không phải đã hết những khó khăn. Nói về niềm tự hào lính nhà giàn, tôi luôn hãnh diện, vẫn cống hiến và sẵn sàng hy sinh”, thiếu tá Bổng chia sẻ.
Anh Bổng cưới vợ năm 1997 sau 7 năm lăn lộn ở nhà giàn. Cưới xong, anh gửi “ông bà già” trông hộ rồi vào Vũng Tàu rồi tiếp tục đi nhà giàn.
Chị Vân, vợ thiếu tá Bổng. Ảnh: TC
Vì thương nhớ chồng, hơn 1 năm sau, chị Vân khăn gói vào đơn vị thăm chồng. Nói là thăm, nhưng kỳ thực là vào kiếm đứa con.
Lúc đó anh Bổng ngoài nhà giàn, chị Vân được anh Nguyễn Đình Thịnh - một người bạn thân “sống chết có nhau” của chồng, giúp thuê tạm căn phòng của Lữ đoàn 171 ở khu C.
Khát khao được làm mẹ, chị quyết định không về quê nữa mà ở lại chờ anh. Để mưu sinh, chị Vân đã đi làm cá bò ở cảng Hà Lộc. Những đồng tiền kiếm được, ngoài sinh sống thường nhật, chị góp lại mua được chiếc xe máy DD đỏ, lấy cái đi lại.
Hơn một năm sau, anh Bổng về. Chị có bầu được 1 tháng anh Bổng lại đi. Ngày vượt cạn, chị Vân một mình cắn răng chịu đựng. Khi anh Bổng về, con trai đã gần 1 tuổi.
Nói về chồng, chị Vân rạng rỡ “Gia đình bên nội bên ngoại đều rất quí anh, cả xóm quân nhân này gọi anh là người của biển. Vì mỗi lần anh vào bờ chỉ một, hai tháng lại trở lại nhà giàn. Đối với anh ấy, thời gian ở ngoài biển nhiều hơn ở nhà. Những ngày anh ngoài biển, em chỉ mong đừng có sóng gió bão tố, để các anh bình yên trở về an toàn sau những ngày gian khổ”.
Theo Tuấn Cường/TPO

Bình luận(0)