Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, việc áp dụng song song hai hình thức này có một số thuận lợi nhất định.
Luật thi hành án tử hình có hiệu lực từ ngày 01/07/2011 và Nghị định 82/2011 hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ 01/11/2011 trong đó quy định về việc áp dụng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc. Tuy nhiên do chưa đảm bảo điều kiện về thuốc và cơ sở vật chất nên chúng ta phải dừng việc thi hành án tử hình đối với tử tù từ 01/07/2011. Mãi đến gần đây mới có một số ít phạm nhân được tử hình bằng tiêm thuốc.Việc dừng một thời gian dài như vậy gây ra tình trạng tồn đọng tử tù rất nhiều. Do vậy việc áp dụng bổ sung thêm hình thức xử bắn sẽ giúp giảm áp lực cho cơ quan thi hành án và cũng giảm cả áp lực cho các tử tù vì phải sống trong thời gian chờ đợi cái chết quá dài với điều kiện khắc nghiệt khiến họ có những tổn thương về tâm lý.
“Tuy nhiên, theo tôi, việc áp dụng song song hai hình thức này là không nên. Nếu đã quay về việc áp dụng hình thức xử bắn thì tạm thời dừng hẳn việc tiêm thuốc lại, chờ đến khi đã có được loại thuốc đảm bảo yêu cầu thi hành án cũng như nguồn lực về cơ sở vật chất khác được đảm bảo thì mới áp dụng việc tiêm thuốc độc và bỏ xử bắn. Bởi hình thức tiêm thuốc được cho là mang tính nhân đạo hơn cho tử tù (ít gây đau đớn và giữ nguyên được thi thể của họ) so với hình thức xử bắn. Trong khi nguyên tắc của pháp luật nói chung luôn là bình đẳng, công bằng. Do vậy các tử tù khi chấp hành án tử hình thì đều phải được bình đẳng như nhau. Không nên để tình trạng người này được tiêm thuốc người kia phải xử bắn.
Bị cáo chỉ bị tuyên tử hình khi phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng và bị hội đồng xét xử đánh giá là không có khả năng cải tạo. Khi bị tuyên án tử hình và bản án có hiệu lực pháp luật thì họ trở thành những tử tù và đều bình đẳng, bất kể tội danh họ gây ra là gì. Do vậy không nên đặt ra vấn đề ai nên tiêm thuốc ai nên xử bắn.
Trước đây khi trình ra Quốc hội thông qua Luật thi hành án hình sự trong đó có quy định hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc, các cơ quan đảm bảo được điều kiện về cơ sở vật chất đầy đủ thì đã không gây ra tình trạng như hiện nay. Đây là hậu quả của việc làm luật vội vàng và thiếu tầm nhìn”, Luật sư Thạch nhận định.
|
Phòng thi hành án tử tù bằng tiêm thuốc độc ở Cầu Ngà. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư
|
Cũng đồng tình với việc không nên áp dụng song song hai hình thức tử hình là xử bắn và tiêm thuốc độc, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, có lẽ trên lý thuyết là áp dụng song song hai hình thức, nhưng thực tế có khi chỉ xử tội phạm tử hình bằng bắn súng thôi. Bởi hiện nay chưa có thuốc thì lấy đâu ra thuốc mà tiêm. Luật Thi hành án tử hình trong đó quy định về việc áp dụng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc mới ban hành được 2 năm, không lẽ giờ lại sửa luật, sau đó đến năm 2015 khi nước ta có đủ cơ sở vật chất, điều kiện để thực hiện thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thì lại sửa luật tiếp để khôi phục hình thức này thì rất mất thời gian, công sức. Thế nên tạm thời chỉ bổ sung vào Luật Thi hành án tử hình này một hình thức song song nữa là xử bắn từ giờ đến năm 2015 để khỏi mất công, tốn kém sửa luật.
Trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc quá chậm trễ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã giải thích: “Mọi công việc chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến trang thiết bị, đào tạo, chỉ thiếu mỗi thuốc”. Theo ông Cường, Nghị định của Chính phủ ghi rõ tên thuốc, mà đều là loại thuốc chưa sản xuất được ở trong nước, phải nhập. Thuốc phải nhập từ EU, trong khi liên minh này đang yêu cầu Việt Nam bỏ án tử hình. Thế nên khi biết được Việt Nam nhập thuộc về để phục vụ cho việc thi hành án tử hình, EU đã ngừng bán. Chính vì chưa có thuốc, nên đến nay cả nước còn hơn 500 người bị kết án tử hình, án đã có hiệu lực vẫn không thi hành được. Có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng. Ngành kiểm sát thừa nhận sự chậm trễ này đã gây áp lực lên hai phía, phía cơ quan giam giữ và phía tử tội.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình, tỉnh Hòa Bình, gay gắt trước Quốc hội rằng: “Không có gì khổ bằng chờ chết. Hiện nay 500 tử tù đang ngồi chờ vì một quyết định còn chưa mang nhiều tính thực tế của chúng ta. Đứng trước thực tế hàng trăm tử tội phải “dồn toa” chờ được thi hành án, nhiều đại biểu Quốc hội tha thiết đề nghị Bộ Y tế phải trả lời dứt khoát liệu có mua được thuốc hay nguyên liệu sản xuất thuốc, hoặc có thể bào chế ngay trong nước hay không. Thậm chí, nếu cần thiết phải đặt hàng các nhà khoa học và xem đây là việc trọng điểm quốc gia trong năm 2013. Đồng thời phải quản lý chặt tử tội, tránh việc bỏ trốn hoặc tự sát.
Như vậy, một lần nữa, những tranh cãi xung quanh vấn đề về các hình thức thi hành án tử hình lại cho thấy hậu quả của việc làm luật vội vàng và thiếu tầm nhìn của những cá nhân, cơ quan có liên quan tại Việt Nam.
Trong phiên họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng lại hình thức tử hình bằng xử bắn tới hết năm 2015 song song với hình thức tiêm thuốc độc.
Liên quan tới vấn đề này có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Việc chỉ áp dụng một hình thức xử lý tội phạm tử hình bằng tiêm thuốc độc đã gây nhiều khó khăn, tiến độ thi hành án tử hình quá chậm là điều ai cũng biết, nhưng việc áp dụng song song hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc khiến nhiều người tỏ rõ sự không đồng tình. |