Nhiều xe tải Trung Quốc gắn còi hơi trên nóc cabin đi qua cửa khẩu Việt Nam. Đây là loại còi bị cấm dùng trong thành phố. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do còi hơi gây ra, nhưng công tác kiểm tra xử phạt hầu như bị buông lỏng.
|
Xe tải Trung Quốc gắn còi hơi vừa thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn. |
Không thể cấm
Gần đây, xe tải cỡ lớn từ Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam, mang theo các nguy cơ về chở hàng quá tải. Theo khảo sát của phóng viên, nhiều xe được gắn còi hơi, thậm chí có xe gắn nhiều chiếc cùng lúc.
Ông Vương Long, một chủ đại lý phân phối xe tải Trung Quốc trên đường Nguyễn Văn Linh (Long Biên - Hà Nội) cho hay, còi hơi có ưu điểm tiếng to, vang ổn định hơn còi điện. “Các hãng xe ưu tiên lắp đặt; tài xế cũng chuộng hơn. Trong 10 xe nhập về có đến 7, 8 xe lắp còi hơi” – ông Long nói.
Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm), cho biết: Các quy định hiện nay không cấm lắp còi hơi trên phương tiện mà chỉ khống chế cường độ âm thanh. Với xe tải nhập khẩu, Cục Đăng kiểm tiến hành thử nghiệm mẫu, trong đó tiến hành đo âm lượng còi. Sau đó, các xe nhập khẩu được kiểm tra xác suất tại cửa khẩu.
Theo Thông tư số 10/2009 của Bộ GTVT về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dải âm lượng đối với còi được chấp thuận là 90 đến 115 dB. Nếu trên dải đó sẽ gây nhói tai, có thể dẫn đến mất kiểm soát hành vi.
Liên quan đến việc quản lý nhập ô tô tải Trung Quốc của các doanh nghiệp trong nước, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Nhất Kha cho hay, theo quy định hiện hành, ô tô nói chung và ô tô tải Trung Quốc nói riêng nhập khẩu phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi thông quan.
“Cơ quan hải quan xem xét trên cơ sở giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do cơ quan đăng kiểm cấp để giải quyết thủ tục thông quan và xác nhận tờ khai nguồn gốc”, ông Kha giải thích quy trình kiểm soát của cơ quan hải quan vùng biên.
Buông lỏng xử lý
Theo ông Nguyễn Tô An, sau khi xe đưa vào sử dụng, việc kiểm tra còi xe được ngành đăng kiểm thực hiện tại các trạm đăng kiểm. Tuy nhiên, theo ông An, để đạt hiệu quả cao nhất cần tăng cường đào tạo “văn hóa sử dụng còi; ngăn chặn tâm lý “còi to cho vượt” của lái xe trong quá trình sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho hay, hiện có rất nhiều quy định chi tiết liên quan đến sử dụng còi nói chung và còi hơi nói riêng. Ngoài việc cấm độ, chế; tài xế bị cấm sử dụng còi từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Do đặc tính riêng của còi hơi, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định hướng dẫn có quy định cấm sử dụng trong đô thị và khu dân cư.
Tuy nhiên, theo ông Thạch, công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm về còi đang bị bỏ ngỏ, rất ít trường hợp sử dụng còi sai giờ, sai địa điểm bị xử lý. CSGT và thanh tra giao thông cũng chưa được trang bị máy kiểm tra cường độ âm thanh để phát hiện, xử phạt.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, lượng xe ô tô tải Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm 2015 đến ngày 15/7 chủ yếu qua hai cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh. Trong đó, số lượng xe chủ yếu qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn với 35.783 chiếc, trị giá lên tới gần 680 triệu USD; ô tô tải Trung Quốc nhập qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh có 286 chiếc với trị giá khoảng hơn 5 triệu USD.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm do còi hơi
Gần đây, nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến còi hơi đã xảy ra. Ngày 8/4/2015, anh Châu Chí D. (23 tuổi) chạy xe máy trên QL 1A qua thành phố Cam Ranh bị ngã (vỡ gan, vỡ lá lách, vỡ đại tràng) do choáng bởi tiếng còi hơi. Tháng 11/2014, trên quốc lộ 51 (qua thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), chị PTT giật mình bởi tiếng còi, ngã xuống đường bị xe tải lớn cán chết tại chỗ. Tháng 8/2014, hai mẹ con chị BTT (ở Cao Bằng) bị ngã vì chạy cạnh xe tải có còi hơi; cô con gái 2 tuổi bị xe tải cán qua người.