Xác định chỗ đậu, đo độ to nhỏ của giàn khoan trái phép TQ

Google News

(Kiến Thức) - Việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ra thông cáo cho biết, ngày 2/5/2014, CNOOC đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15o29’ Vĩ Bắc, 111o12’ Kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.  
Ngày 4/5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Việc làm nói trên của Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai Tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc không tái diễn những việc làm tương tự.
 
Giàn khoan dầu khí trên của Trung Quốc còn có tên gọi "Dầu khí hải dương 981" hay CNOOC 981. Đây được coi là một trong những giàn khoan lớn nhất thế giới hiện nay. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỷ Nhân dân tệ (935 triệu USD) và ròng rã 3 năm để hoàn thành “Tàu sân bay” khoan dầu này. Giàn khoan được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ thống định vị toàn cầu.

Theo Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNOOC), đây là giàn khoan kiểu nửa chìm, hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12 km, thuộc thế hệ thứ 6 trên thế giới và là giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất.
Giàn khoan dài 114 m, rộng 90 m và cao 137,8 m. Tổng chi phí hoạt động cho giàn khoan này có thể lên tới 1 triệu USD/ngày.

Chiều cao giàn khoan tương đương tòa nhà 45 tầng, mặt sàn rộng tương đương một sân bóng đá tiêu chuẩn. Giàn khoan có sân đỗ cho trực thăng loại SikorskyS-92, có nơi ăn ở sinh hoạt đủ cho 160 người.
M.H (Tổng hợp)

Bình luận(0)