Vụ tai nạn thảm khốc ở Trà Vinh: Nhà xe "mua" đường?

Google News

Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc ở Trà Vinh, tài xế hãng Tân Thanh Thủy, Kim Hoàng thường xuyên rước khách dọc đường, tranh giành khách để đủ... sở hụi.

Sau vụ tài xế của xe giường nằm của hai hãng xe Tân Thanh Thủy và Kim Hoàng đua tốc độ trên cầu Ba Si (huyện Càng Long, Trà Vinh) đoạt mạng 4 người, làm 2 người bị thương nặng, dư luận cho rằng đây là hậu quả của kiểu làm ăn chụp giật, tranh giành khách dù cả 2 xe đều gắn mác "chất lượng cao".
Chạy như làm xiếc trên đường
Anh Nguyễn Minh Hoàng (ngụ phường 2, TP Trà Vinh) cho biết, tài xế của 2 hãng xe này thường xuyên đua nhau giành khách từ Trà Vinh đến Tiền Giang. "Nếu ai đã từng đi, từng sống dọc Quốc lộ 53 thì sẽ thấy rõ hành vi coi thường tính mạng người khác của 2 hãng xe này" - anh Hoàng khẳng định. Trong khi đó, anh Minh - một người dân sống ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh - đã từng đi 2 xe giường nằm này lên TP HCM. "Nằm trên xe mà tui cứ nơm nớp lo tai nạn vì tài xế chạy cứ như đang làm xiếc trên đường" - anh Minh bức xúc.
Vu tai nan tham khoc o Tra Vinh: Nha xe 'mua' duong?
Nhiều người dân ở Trà Vinh không bất ngờ khi 2 xe Tân Thanh Thủy và Kim Hoàng gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên cầu Ba Si. 
Sáng 9/5, trao đổi với phóng viên, ông Trương Công Sết, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Trà Vinh cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc tài xế 2 xe Tân Thanh Thủy và Kim Hoàng đua nhau là phía bên kia dốc cầu Ba Si có một điểm hành khách thường xuyên tập hợp đi TP HCM. Theo ông Sết, chủ xe có quy định mỗi chuyến, tài xế phải nộp một khoản tiền cố định, phần dư ra thì hưởng trọn. Đây là lý do khiến lái xe của 2 hãng này đua nhau rước khách để kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. "Chúng tôi đang giao cho phòng quản lý vận tải tham mưu xem cách giải quyết vấn đề này. Bởi lẽ, mình cấm không được vì đây cũng là cách kinh doanh của người ta" - ông Sết nói. Trả lời với báo chí về việc này, bà Lữ Phượng Vũ, đại diện hãng xe Tân Thanh Thủy lý giải, khi xe xuất bến, nếu tất cả ghế ngồi đã được bán vé thì tài xế không phải nộp khoản tiền nào cho nhà xe. Còn nếu trống 5-10 ghế thì tài xế phải nộp 500.000 đồng/2 lượt đi và về. Một tài xế xe Tân Thanh Thủy tiết lộ, để có tiền nộp cho chủ xe, buộc lòng họ phải đua với xe Kim Hoàng để giành khách dọc đường, thậm chí nhồi nhét khách mới mong dư ra ít tiền. "Các tài xế tranh giành khách không phải cho chủ mà cho chính mình. Bởi lẽ, nếu không có khách thì mình không có tiền nộp vào những ghế trống cho chủ xe" - tài xế này lý giải.
Giành khách vì là đại gia (?!) 
Phải chăng chủ 2 hãng xe trên đã "mua" hết tuyến đường? Đó là nghi vấn của nhiều người dân Trà Vinh bởi việc tài xế 2 hãng xe này lấn đường, giành khách, đua tốc độ diễn ra thường xuyên, kéo dài. Tuy nhiên, ông Sết khẳng định không có chuyện 2 hãng xe "mua" đường. "Trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp này lớn. Họ là 'đại gia' nên khi hoạt động, các doanh nghiệp nhỏ lẻ chen chân vào không nổi, tương tự như 'cá lớn nuốt cá bé' vậy. Đều là 2 'con cá lớn' nên mới xảy ra hiện tượng so kè, tranh giành khách của nhau", ông Sết lý giải. Vị Phó giám đốc Sở cho biết, Sở GTVT Trà Vinh đã nhiều lần xử phạt 2 nhà xe bằng cách thu phù hiệu. "Mới đây, chúng tôi thu phù hiệu 6 tháng một xe của hãng Kim Hoàng vì lợi dụng hình thức chạy hợp đồng nhưng rước khách dọc đường" - ông Sết thông tin. Sau vụ tai nạn thảm khốc trên cầu Ba Si, Sở GTVT tỉnh Trà Vinh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải chấn chỉnh ngay hoạt động. Doanh nghiệp phải tăng cường cử nhân viên trực thiết bị giám sát hành trình 24/24 để nhắc nhở, xử lý tài xế vi phạm. Chiều 9/5, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Trà Vinh cũng có văn bản chỉ đạo thanh tra giao thông của sở phải tăng cường kiểm tra chất lượng của phương tiện giám sát hành trình tại các doanh nghiệp vận tải; xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm tốc độ, có thể xử lý bằng cách phạt "nguội" sau khi kiểm tra thiết bị giám sát hành trình.
Theo Người lao động

Bình luận(2)

Minh Hiền

thuy

mất bò mới lo làm chuồng...

Minh Hiền

Nguyen huy vu

trả lời của ông Sết y như rằng dân đen tụi tui chả biết gì về mối liên hệ giữa csgt và các hãng vận tải. giả sử rằng csgt chả có mối liên hệ gì thì việc để xảy ra tngt nghiêm trọng này trách nhiễm thuộc về ai? mỗi năm xảy ra hàng chục ngàn vụ tngt trong đó hàng trăm vụ tngt cực kỳ nghiêm trọng. các ông lại có vài chục năm trong nghành mà tình hình chỉ càng ngày càng xấu, ko tiến triển? trách nhiệm này thuộc về ai? mỗi khi ,tngt cực kỳ nghiêm trọng xảy ra, các ông nêu ra 1 2 vụ không ai biết làm ví dụ về chiến công của mình, về việc mình làm được. vậy còn trách nhiệm về hàng trăm hàng ngàn người bị tngt hàng tngt thuộc về ai? thuộc về chính họ? nếu vậy các ông tồn tại chi?