Vụ CSGT được trưng dụng tài sản cá nhân: Bộ Tư pháp nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Tư pháp đang xem xét việc CSGT có quyền trưng dụng tài sản trong thông tư 01/2016. Người dân kỳ vọng sẽ có những quy định thực sự khả thi...

Liên quan đến việc cho phép CSGT được quyền trưng dụng tài sản của người dân đang gây nhiều tranh cãi từ dư luận, mới đây, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết: “Khi dư luận có một số phản ánh liên quan tới quyền trưng dụng tài sản của CSGT được quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đang tiến hành kiểm tra, xem xét để làm rõ tính hợp pháp, hợp lý về quyền trưng dụng tài sản của CSGT. Khi nào quá trình kiểm tra làm rõ việc ra điều, khoản trên có hợp pháp hay không hợp pháp, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí để dư luận được rõ”.
“Nhiều năm nay, việc trưng dụng tài sản đã được quy định nhưng đến khi nêu lại trong Thông tư 01 lại có rất nhiều ý kiến trái chiều cả về tính hợp hiến, hợp pháp, sự đồng bộ với các quy định khác và cả tính khả thi. Với chức năng nhiệm vụ, Cục sẽ kiểm tra nội dung cũng như thủ tục trình tự ban hành. Hiện chúng tôi đang tiến hành xem xét và chưa có kết quả”, ông Đồng Xuân Ba cho hay.
Vu CSGT duoc trung dung tai san ca nhan: Bo Tu phap noi gi?
 
Ngay từ khi thông tư 01 được Bộ Công an công bố, dư luận liên tục nổi lên những tranh luận liên quan cụ thể đến quyền trưng dụng tài sản của CSGT được quy định tại khoản 6 Điều 5 của Thông tư. Nhiều ý kiến cho rằng, việc trưng dụng tài sản của CSGT là vi phạm luật dân sự cũng như quyền sở hữu tài sản của người dân. Đó là chưa nói đến việc trưng dụng tài sản là các thiết bị như iPad, điện thoại...sẽ làm giảm quyền giám sát của người dân đối với quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT, dễ dẫn đến lạm quyền trong một số cán bộ trong lực lượng này. 
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều người dân đã sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc để ghi hình CSGT. Đa số clip người dân ghi lại sau đó đăng tải trên Youtube đã thể hiện rõ nội dung một số cán bộ CSGT làm chưa đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trong các thiết bị người dân thường lưu lại những bí mật cá nhân, việc CSGT trưng dụng vô tình làm lộ những bí mật ấy, kéo theo những hệ lụy khác.
Trong những ý kiến từ dư luận, sôi nổi nêu ý kiến nhất là các luật sư. Khi bàn về quyền trưng dụng tài sản, các luật sư dẫn giải, năm 2008, chúng ta đã có Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản được Quốc hội thông qua năm 2008. Trong đó nêu rõ, việc được trưng dụng tài sản thuộc các trường hợp cụ thể, đều trong các trường hợp cấp bách, khẩn cấp. 
Ngay trong điều 15, Luật Công an nhân dân, ban hành năm 2014 nói về quyền trưng dụng cũng nêu rõ: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”. 
Theo quy định này là áp dụng cho lực lượng CAND chứ không phải chỉ lực lượng CSGT. Việc thông tư 01/2016 mà Bộ công an ban hành chỉ nêu chung chung: “CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật" chứ không nêu rõ cụ thể từng trường hợp được trưng dụng sẽ dẫn đến lạm quyền, trưng dụng tùy tiện.
Trước đó, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, dường như với một số quy định trong thông tư 01/201/TT-BCA, ngành công an có nhiều quyền quá! Tại mục 6 của điều 5 này cũng quy định rõ: “CSGT được phép trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các thiết bị khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật” rõ ràng là vi phạm tài sản, quyền sở hữu cá nhân.
Hải Ninh

Bình luận(0)