1g30 ngày 31/10, có 2 trong số 11 nạn nhân trong chìm tàu trên sông Soài Rạp được cứu sống và đưa về Đồn Biên Phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ đó là anh Hoàng Văn Biên và anh Trần Minh Sang.
Hai nạn nhân chìm tàu trên sông Soài Rạp được các chiến sỹ đồn biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ nấu cho nồi cháo gà ăn để lấy lại sức. Hai nạn nhân vẻ mặt dù mệt lử nhưng vẫn nói: “Tụi em kiệt sức, đói lắm”.
Trong bữa ăn, hai anh còn ngồi kể cho nhau giây phút đối mặt với tử thần và bần thần khi nghĩ về những anh em còn chưa tìm thấy.
Nghĩ về mẹ
Với vẻ mặt thất thần, anh Biên kể: “Tàu đang neo, một cơn sóng to ập đến chưa đầy 2 phút con tàu lật úp, nhiều anh em cố bám víu vào thân tàu. Trong đêm tối nên không biết ai bám được tàu ai bị sóng cuốn trôi đi”.
Hai ngày trước tàu Hoàng Phúc 18 xuất bến được khoảng 200 hải lý nhưng gặp sóng to gió lớn đã quay lại neo sông Soài Rạp đoạn ở phao số 5. Khi vừa ăn cơm tối xong, các thuyền viên còn chưa kịp dọn dẹp, số khác đang nghỉ ngơi thì tai nạn ập tới.
“Tàu nghiêng qua mạn bên phải, thì mọi người chạy ra khỏi phòng hô lớn chìm tàu. Tất cả mọi người chạy về phía bên mạn trái tìm đường thoát thân. Tiếng la hét xôn xao giữa đêm tối. Trên tàu tuy có áo phao nhưng không ai kịp lấy. Khi rơi xuống nước mọi người cố gắng bơi về nơi có ánh sáng để tìm sự sống” anh Sang nhớ lại.
|
Sau giây phút kinh hoàng Anh Trần Minh Sang (30 tuổi, quê Khánh Hòa ) và Anh Hoàng Văn Biên (29 tuổi, quê Hà Tỉnh) ăn cháo chống đói - Ảnh: Tuổi trẻ |
Còn theo anh Biên sau khi được sà lan gần đó cứu, anh tiếp tục xuống một tàu khác tìm những thuyền viên mất tích nhưng do trời tối nên việc tìm kiếm trở nên vô vọng.
Anh Biên nhớ rõ tên những người mất tích gồm anh Tường quê Hà Tĩnh, anh Hải quê Kiên Giang, anhTấn quê Hà Tĩnh, anh Sang quê Thanh Hóa và anh Quảng quê Nình Bình.
Sau khi đưa về đồn biên phòng Long Hòa hai anh Biên và Sang vẫn còn thất thần, không ai chợp mắt được vì lo lắng cho những người mất tích.
Trong lúc đối diện với cái chết tôi nghĩ về mẹ
Anh Trần Minh Sang xuất thân từ nghề cá vùng quê Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa có mẹ đã 60 tuổi ở quê. Hai tháng trước anh bỏ nghề cá để theo tàu Hoàng Phúc 18 chở vật liệu. Đây là lần thứ hai anh theo tàu.
Khi tàu chìm, anh Sang vừa ăn cơm xong và đang ngồi trong phòng. Thấy mọi người la hét, anh bỏ chạy ra phòng nhưng không kịp. Nước ập vào phòng đẩy anh ngã nhào, con thuyền chìm dần... Anh Sang nghĩ: “Mình phải sống, phải tìm cách thoát ra”. Rồi lặn xuống tay bấu vào các thanh sắt để tìm đường ra ngoài.
Sau khi lặn ra khỏi thuyền, anh Sang bấu víu vào bánh lái con tàu. “Khi mình ngoi lên khỏi mặt nước, tôi mới nghĩ đã có hi vọng sống và người đầu tiên tôi nghĩ là mẹ’’, anh Sang rưng rưng. Anh Sang kể trước khi đi mẹ anh đã ngăn vì nghề đi biển cực nhọc lại lắm rủi ro. “Giờ tôi cũng không dám gọi điện cho mẹ vì mất hết điện thoại, một phần sợ mẹ lo. Hi vọng ngày mai, mẹ xem tivi thấy con trai mình còn sống vẫn còn khỏe”, anh Sang nói.
“Sống rồi anh ơi”
Khi đang chìm dưới dòng nước lạnh lẽo, anh Sang cố nhìn xung quanh để tìm kiếm anh em thuyền viên. Cách đó không xa nơi anh Sang bám víu, một thuyền viên tên Hồ Nam cũng bám vào được mạn thuyền.
Thấy anh Sang, Hồ Nam hét lớn: “Anh Sang ơi, sống rồi anh ơi’. Anh Sang run bần bật quay lại nói: “Có hi vọng nhưng chưa chắc sống đâu”.
Theo anh Sang, đêm vừa lạnh sóng đập ầm ầm khiến mình kiệt sức những tưởng không còn trụ nổi. Nhưng với tia hi vọng cuối cùng, anh gắng bám thật chắc để không cho sóng cuốn đi dù chỉ còn 1% hi vọng.
Chia sẻ về những cuộc sống sau tai nạn, anh Sang nghẹn ngào: “Dù sao mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Còn mấy anh em trong đêm tối giữa mênh mông nước không biết trôi về đâu. Tôi mong cho anh em còn lại ai cũng may mắn như tôi”.
Theo anh Sang, trong những người mất tích có một người ở gần nhà anh có hai con mới đi làm, chỉ mong tai qua nạn khỏi. Trước đó trên thuyền cũng có một người đã xin về nhà nên không gặp nạn.
Còn anh Biên cho rằng chỉ cần chậm mấy giây có lẽ mình cũng đã buông tay. Khi tàu chìm, anh Biên đứng sát cánh cửa buồng lái. Nước cuốn dồn dập đẩy người xuống phía dưới buồng nhưng may thay phía cửa đối diện nước chảy theo hành lang vào cửa đẩy mình lên.
Anh Biên phải rướn mình nắm chặt thành cửa vượt qua dòng nước ngập. “Mình phải ráng bám boong tàu, đến đâu thì đến”, anh Biên nói.
Sau khi được sà lan (cùng công ty chở vật liệu) quay lại cứu sống, 8/10 thuyền viên được cứu sống nhảy sang tàu đánh cá quần thảo khu vực tàu chìm để tìm các thuyền viên còn mất tích. Nhưng tìm mãi không thấy ai, các thuyền viên còn sống đành theo tàu cá trở về liền.
Tại đồn biên phòng Long Hòa, dù đã rạng sáng nhưng hai nạn nhân vẫn trằn trọc trông tin những người còn mất tích. Họ lặng lẽ ngồi ở góc giường rồi nói chuyện với nhau: Mình còn may mắn, mong anh em còn lại được người cứu.
Vụ chìm tàu cá xảy ra trên sông Soài Rạp ở địa phận giáp ranh huyện Cần Giờ (TP.HCM) và Tiền Giang vào tối 30/10. Sau khi tàu chìm, các tàu đi ngang qua khu vực đã cứu được 11 người. Đến sáng 31/10 vẫn còn 5 người mất tích.