Vợ Dương Chí Dũng bị xử đồng phạm hối lộ “ông anh” mật báo?

Google News

(Kiến Thức) - Dương Chí Dũng khai cùng vợ đi gặp "ông anh" mật báo và đưa tiền lót tay, vậy bà Mai Phương có bị xử đồng phạm về tội "đưa hối lộ"?

Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm về hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Chí Dũng có mặt với tư cách là nhân chứng và đã có những lời khai gây chấn động dự luận. Ngoài việc khai "ông anh" mật báo - Thứ trưởng Bộ Công an, thì Dũng đồng thời cho biết "ông anh" đã nhận không ít tiền hối lộ. Trong đó, có tình tiết vợ Dũng là bà Mai Phương đi cùng và có mặt trong một vụ đưa hối lộ 10.000 USD cho "ông anh". 
Bản thân bà Phạm Thị Mai Phương, vợ ông Dương Chí Dũng, cũng là nhân chứng trong phiên tòa trên. Bà cũng khai trước tòa rằng ngày 29/4/2012, bà cùng chồng đi thăm vợ chồng "ông anh", lúc đó đang đi nghỉ ở Tuần Châu và đã đưa tiền.
 Bà Phạm Thị Mai Phương, vợ ông Dương Chí Dũng, cũng khai trước tòa rằng ngày 29/4/2012, bà cùng chồng đi thăm vợ chồng "ông anh", lúc đó đang đi nghỉ ở Tuần Châu và có đưa tiền.
Nếu lời khai của Dương Chí Dũng là thật thì bà Mai Phương có đồng phạm tội đưa hối lộ?
Theo luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Văn phòng luật sư Trí Minh, nếu lời khai này là thật thì cần làm rõ mục đích đưa số tiền này để làm gì, có phải là hối lộ, hay đây là khoản tiền thỏa thuận trong một phi vụ làm ăn nào đó được thỏa thuận trước và việc đưa tiền chẳng qua là chia phần. 
Nếu đúng là đưa hối lộ (tức là đưa tiền để người nhận là người có chức vụ làm một việc vì lợi ích của người đưa tiền) mà bà Mai Phương có tham gia vào việc này, thể hiện qua việc cùng bàn bạc và đi cùng để đưa tiền thì bà Mai Phương và cả ông Dũng sẽ bị xử lý về tội "đưa hối lộ" theo Điều 289 Bộ luật Hình sự. 
Nếu bà Mai Phương chỉ đi cùng ông Dũng nhưng không được bàn bạc, không biết ông Dũng đưa tiền về việc gì thì bà sẽ không phải chịu trách nhiệm về tội đưa hối lộ hay bất cứ tội nào khác.
Nếu cơ quan chức năng chứng minh được bà Mai Phương đưa hối lộ theo các luận điểm nêu trên, thì với số tiền hối lộ là 10.000 USD (tương đương 200 triệu đồng), thì bà Mai Phương có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 13 đến 20 năm, theo Khoản 3, Điều 289 Bộ luật Hình sự về tội đưa hối lộ.
Điều 289 Tội đưa hối lộ
1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.
6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Minh Hiếu

Bình luận(0)