Mấy ngày nay cộng đồng mạng xôn xao vụ trường VStar đuổi học sinh vì phụ huynh chê đồng phục nhà trường trên facebook (FB).
Nhận định về vụ việc này, trao đổi với PV Kiến Thức, GS Văn Như Cương cho biết, dù vì lý do gì nhưng việc cho thôi học em học sinh này là điều không nên làm bởi vì bản thân em học sinh không có lỗi.
|
Câu chuyện chiếc cà vạt học sinh đang khiến dư luận xôn xao. |
“Khi biết thông tin về vụ việc này, tôi có vào FB phụ huynh này để đọc và thấy không có vấn đề gì trong những dòng chia sẻ ấy. Mặt khác, việc lên FB góp ý là quyền của mọi người. Bởi FB cũng là một hình thức để góp ý bên cạnh rất nhiều cách góp ý khác như gặp trực tiếp, điện thoại, gửi email...Bên cạnh đó, những dòng chia sẻ ấy là do phụ huynh viết chứ không phải là học sinh ấy viết. Bản thân em học sinh ấy không có lỗi trong chuyện này. Nếu vì lý do đó mà cho thôi học với học sinh này, nhà trường đã làm sai”, GS Văn Như Cương nhận định.
“Tuy nhiên, bà Chu Thị Ngọc Thịnh, hiệu trưởng nhà trường có nêu lý do nghỉ học của học sinh này trên báo chí là “Theo tường trình của thầy hiệu phó thì cuộc trao đổi ngày 3/8 hai bên có trao đổi về chuyện cà vạt, có tranh luận nhưng cuối cùng hai bên không tìm được sự đồng thuận trong cách hành xử, trong việc giáo dục học sinh nên phụ huynh xin rút học bạ”. Không rõ nguyên nhân hay nội dung cuộc tranh luận đó là gì nhưng vụ việc này cả hai bên phụ huynh và nhà trường cần xem xét, rút kinh nghiệm trong cách ứng xử và giải quyết vụ việc.
Cụ thể, về phía phụ huynh khi viết FB cần rút kinh nghiệm, dù trường hợp này là góp ý nhẹ nhàng nhưng cách góp ý đã khiến vấn đề nhỏ trở lên căng thẳng. Về phía nhà trường cũng cần phải rút kinh nghiệm bởi việc này rất nhỏ, không nên làm lớn chuyện càng không đến mức phải cho học sinh thôi học”, GS Cương cho biết.
|
Giáo sư Văn Như Cương. |
“Hơn nữa, cần xem xét lại lý do cho thôi học có phải từ những chia sẻ của phụ huynh trên FB hay không. Bình thường, trường công lập khi cho học sinh nào đó thôi học phải có ý kiến của Sở GD&ĐT nhưng những trường tư hoạt động giống như một công ty tư nhân có thể xem xét cho học sinh nghỉ học mà không cần báo cáo Sở nhưng cũng cần có lý do chính đáng để học sinh không thiệt thòi mà cũng không làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Những trường tư phải nên chú ý đến những vấn đề này”, GS Cương nhìn nhận.
Nói về chuyện đồng phục của học sinh, GS Văn Như Cương cho biết, hiện đồng phục của học sinh các trường không do thiết kế nào của Bộ GD&ĐT mà do các trường tự thiết kế. Nhưng các trường không được bắt ép học sinh mua đồng phục nếu các em không thích. Trước đây, có chuyện ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều trường bắt học sinh may đồng phục, nhiều phụ huynh phải bán thóc đi để mua là điều không nên”, GS Văn Như Cương góp ý.
Diễn biến vụ việc gây xôn xao dư luận
Chị Nguyễn Thanh Hiếu (35 tuổi, quận 2, TP HCM), một phụ huynh chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình về vụ việc chỉ vì chị chê cái cà vạt của trường Vstar, quận 7, TP.HCM xấu nên con chị đang theo học tại đây bị đuổi học. Dù khi viết status ấy, bản thân chị Hiếu nghĩ chỉ chia sẻ quan điểm cá nhân, muốn góp ý kiến cho cà vạt của trường, chứ chẳng có ý bêu rếu nhà trường.
Cụ thể bài trên Facebook chị Nguyễn Thanh Hiếu (35 tuổi, quận 2, TP HCM):
"Thứ nhất, mời quý trường xem hình cà vạt của hai trường tiểu học Việt Nam và Hàn Quốc để so sánh! Mẫu của trường Hàn Quốc chiếc cà vạt được may cố định, tống vào máy giặt quay điên đảo cũng không bung bét ra mất phom, học sinh sáng ra đi học mắt nhắm mắt mở cũng lôi cài lên cổ cái rẹt với hai cái nút hai bên là tươm tất đến lớp! Còn mẫu cà vạt của trường ta là hai cọng dây vải phải khéo léo thắt vào nhau mới thành hình cái cà vạt, con nhà cháu nông dân không biết cách thắt thế là mẹ cháu cứ buộc thắt nút vào như dây giày rồi treo lên cổ anh Tin. Nhiều sáng, cáu tiết mẹ cháu bảo con nhét đại vào túi đến nhờ cô giáo thắt cho đẹp! Nhưng đến chiều cháu về cà vạt vẫn nguyên trong túi! Tin nói cô bảo con tự thắt đi. Nên mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé! Nếu không làm được thì dẹp đi ạ, chả khác nào cái giẻ rách vắt lên cổ các cháu! Xấu hình ảnh của nhà trường ghê nơi".
|
STT của phụ huynh được cho là nguyên nhân khi em học sinh bị thôi học. |
Theo lời phụ huynh, sau khi status được đăng lên, nhà trường có mời chị lên làm việc vài lần nhưng chị bận ở Hà Nội nên đến ngày 3/8 mới lên trường. Đó là ngày học sinh Vstar School tựu trường mà chị không được thông báo về nội dung này. Khi lên trường gặp thầy hiệu phó chị mới biết con mình bị cho thôi học.
Trong cuộc trao đổi với chị Hiếu, ông Huỳnh Châu Lộc, phó hiệu trưởng Vstar School nói rõ: “Tại sao chị lại lên mạng xã hội chê chiếc cà vạt của trường chúng tôi là xấu. Chúng tôi thấy chiếc cà vạt trường rất đẹp, tại sao chị lại đi so sánh với cà vạt của trường Hàn Quốc nào đó? Tại sao chị không xóa lời chia sẻ đó? Chúng tôi đã lập một hội đồng họp và quyết định không nhận con chị vào học nữa. Tụi tui nhận thấy là môi trường giáo dục của tụi tui có lẽ không phù hợp với gia đình của nhà chị. Cả hội đồng đã thống nhất là mình không phù hợp với người ta mà người ta đến đây để nói mình như thế thì không nên. Đó là lý do tụi tôi không nhận.
Sau đó, ông Lộc trả lại bộ hồ sơ của con chị Hiếu, bao gồm học bạ và tất cả những giấy tờ liên quan, rồi yêu cầu chị Hiếu về nhà. Khi chị Hiếu yêu cầu được xem biên bản họp của hội đồng về việc cho con chị nghỉ học, ông Lộc lại bảo “không lập hội đồng tổ chức họp mà chỉ trao đổi với nhau”.
Hiệu trưởng Trường Vstar, bà Chu Thị Ngọc Thịnh nói về lý do cho thôi học trên báo chí: “Phần nội dung trên Facebook là ý kiến cá nhân của phụ huynh. Chúng tôi cũng xem như đó là một trong những góp ý của rất nhiều phụ huynh khác và rất trân trọng những góp ý ấy. Tôi cho rằng trong lúc viết Facebook có thể phụ huynh rất bức xúc hoặc do áp lực nào đó. Tôi nhấn mạnh trường chúng tôi là trường tư, chắt chiu từng em học sinh chứ không có lý gì lại đuổi học sinh chỉ vì chuyện cỏn con như thế. Ngay cả những em có vấn đề về trí tuệ, có em tự kỷ nhưng không phá rối các bạn, chúng tôi vẫn nhận. Theo tường trình của thầy hiệu phó thì cuộc trao đổi ngày 3/8 hai bên có trao đổi về chuyện cà vạt, có tranh luận nhưng cuối cùng hai bên không tìm được sự đồng thuận trong cách hành xử, trong việc giáo dục học sinh nên phụ huynh xin rút học bạ”.