Tổng thanh tra: UBND Đà Nẵng chịu trách nhiệm gì về lùm xùm đất đai?

Google News

(Kiến Thức) - Một đại biểu đặt câu hỏi về thanh tra trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng trong quản lý đất đai có nhiều tranh cãi. Tổng thanh tra Chính phủ có giải thích gì?

Tiếp sau phát biểu kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đúng 9h13, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bắt đầu đăng đàn.
Nội dung trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ tập trung vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng lâu ngày; công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của Thanh tra các cấp trong thời gian qua; công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra; việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; công tác phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng; tổng hợp, đánh giá, dự báo và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng các Bộ: Công an, Nội vụ; Tổng kiểm toán nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
 Tổng Thanh tra Chính phủ  Huỳnh Phong Tranh. 
Mở đầu buổi đăng đàn chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu, trong những năm qua ngành thanh tra đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nhà nước giao đạt kết quả tích cực góp phần phát triển KTXH đất nước. Lần này, Thanh tra Chính phủ có 2 báo cáo tập trung vào những vấn đề QH quan tâm.
Ngay đầu phiên chất vấn, các đại biểu hầu hết đặt các câu hỏi hỏi liên quan tới vấn đề phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Văn Dinh nêu vấn đề: “Trong báo cáo của Chính phủ hàng năm, công tác phòng chống tham nhũng luôn được chú trọng. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, nhiều vụ việc tham nhũng vẫn tiếp diễn. Việc kê khai tài sản cán bộ hiện nay có tác dụng trong phòng chống tham nhũng chưa?”
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc kê khai tài sản thu nhập thực hiện từ năm 2008 đến nay, có kê khai lần đầu và bổ sung cho đối tượng phát sinh, tài sản thu nhập. Sau khi luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012, việc kê khai tài sản có tiến bộ hơn. Năm 2012, có trên 98% đối tượng được kê khai. Đến nay có 106 đơn vị đã hoàn thành việc kê khai. Có trên 919.000 đối tượng kê khai. Việc công khai tăng 38% so với năm 2013. Có khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực bị xác minh, kê khai lại. Có 88 cán bộ bị xử lý vì kê khai không trung thực và chậm kê khai. Việc kê khai có tác dụng công khai tài sản của các đối tượng quản lý. Các cơ quan nắm được tài sản cán bộ mình quản lý. Nắm được tài sản để kê khai tiếp khi có biến động.
Một đại biểu đặt câu hỏi về thanh tra trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng trong quản lý đất đai có nhiều tranh cãi. Tổng thanh tra Chính phủ có giải thích gì?
Tổng thanh tra Chính phủ trả lời: “Việc thanh tra được thực hiện liên ngành, Văn phòng Chính phủ đồng ý kết luận và đã công bố kết luận thanh tra. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng chưa đồng tình kết luận thanh tra. Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra lại và khẳng định kết luận có cơ sở. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an làm rõ việc chuyển nhượng đất đai, dự án ở Đà Nẵng. Bộ Chính trị cũng chỉ đạo Ủy ban kiểm tra TƯ kiểm tra trách nhiệm lãnh đạo của Đà Nẵng. Hiện, TP Đà Nẵng đã thực hiện các kết luận thanh tra, trong đó đang kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến đặt câu hỏi: “Năm 2011, 2012, 2013 phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng. Vậy tham nhũng đã bị đẩy lùi hay kết quả xử lý tham nhũng ngày càng hạn chế? Vấn đề phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra ra sao?”
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Công việc phòng chống tham nhũng trong thời gian qua được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Nhất là sau khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012, việc thực thi cao hơn. Trong tình hình tham nhũng vừa qua vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, phát hiện, xử lý chưa đạt như mong muốn. Dự báo sắp tới, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, khó phát hiện. Tham nhũng gây tổn hại đến ngân sách, doanh nghiệp cao nhưng xử lý còn thấp, chỉ chiếm 12-15%. Cần tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ hơn.
Ngành thanh tra có 3 chức năng chính, trước tiên là công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng. Vừa qua, ngành đã tập trung xử lý hành vi thanh nhũng dù kết quả chưa nhiều. Trong 2 năm chỉ phát hiện có 300 người, 44 vụ. Tới đây, tiếp tục giáo dục cán bộ am hiểu pháp luật, khách quan, công tâm hơn. Việc xử lý cán bộ trong ngành thanh tra trên toàn quốc từ 2011- 2013 có 85 cán bộ/28.000 người trong toàn ngành. Có 12 người có dấu hiệu tham nhũng, 1 cán bộ bị xử lý hình sự và 1 cán bộ bị cách chức. Thanh tra Chính phủ đã cố gắng khắc phục yếu kém. Việc vi phạm do cán bộ công chức chấp hành kỷ luật chưa tốt, có nể nang, né trách xử lý cán bộ. Tới đây sẽ ban hành các quy định để quản lý chặt chẽ trong ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đặt câu hỏi với Thanh tra Chính phủ và Viện kiểm sát, Tòa án tối cáo: “Vừa qua, chúng ta đã xử nhiều đại án tham nhũng như vụ án Nguyễn Đức Kiên – vụ án lớn trong ngành ngân hàng. Vụ án này còn nhiều ý kiến khác nhau. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các mức án đã tuyên đã nghiêm minh, đủ tính răn đe trong phòng chống tội phạm và tham nhũng chưa?”
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ trả lời ngắn gọn vụ xử lý Nguyễn Đức Kiên thuộc thẩm quyền của cơ quan truy tố xét xử.
Một đại biểu ở Phú Thọ hỏi về việc xử lý cán bộ tham nhũng sau thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, trước đây kết quả xử lý thấp. Từ năm 2011 đã khắc phục vấn đề này, tập trung thu hồi tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc thất thoát, số tiền thu hồi chỉ 30%, về đất chỉ thu hồi được 20%... Năm 2012 đến nay đã đôn đốc kết luận xử lý sau thanh tra thu hồi về tiền, về đất. Các địa phương cũng đã có phòng xử lý sau thanh tra. Tổng thanh tra thừa nhận có những kết luận thanh tra không khả thi, không đúng là trách nhiệm của Tổng thanh tra và của ngành. Trong luật quy định, thanh tra chỉ phát hiện và kiến nghị xử lý, không có quyền cưỡng chế, thi hành nên hạn chế việc thực hiện kết luận thanh tra. Đề nghị Chính phủ ban hành nghị định xử lý thanh tra, phong tỏa tài sản của các đơn vị kinh tế vi phạm.
Đại biểu Lê Thị Yến đặt câu hỏi: “Công tác phòng chống tham nhũng hiện nay hiệu quả như thế nào và việc phối hợp với các cơ quan khác đến đâu?”.
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thanh tra chú trọng vào việc tuyên truyền phòng chống tham nhũng, phòng ngừa, trách nhiệm người đứng đầu và xử lý tham nhũng. Ngành thanh tra đã phối hợp với các ngành chức năng để làm tốt vấn đề này.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Truyền: “Có ý kiến cho rằng có nhiều vụ sau thanh tra có dấu hiệu tội phạm nhưng ngành thanh tra không đưa ra, giải pháp khắc phục như thế nào? Vì sao tham nhũng không bị đẩy lùi mà ngày càng phát triển?”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay: “Việc thanh tra, chuyển cơ quan điều tra đúng là chưa nhiều. Việc truy tố, xét xử chưa đầy đủ. Theo đó, ngành sẽ tiếp tục đào tạo cán bộ làm việc công tâm khách quan.
Đại biểu tỉnh Đắc Nông đặt vấn đề với việc xử lý 528 vụ việc dây dưa, kéo dài, có vụ việc lên tới trên 30 năm ở phía Nam và 40 năm ở phía Bắc. Vừa qua đã thành lập 28 tổ công tác để giải quyết. Từ cuối 2012 đến nay đã giải quyết 492 vụ, hiện chỉ còn 38 vụ rất phức tạp. Thanh tra Chính phủ đang thống nhất giải quyết tiếp 12 vụ…
Về vấn đề này, Tổng thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm. “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm xử lý từ những vụ việc tồn đọng trên. Chủ trương của Nhà nước rất đúng đắn, người dân đồng tình. Ngành thanh tra đã đưa ra mục tiêu thực hiện quyết liệt, tạo sự đồng thuận chính trị. Việc khôi phục quyền lợi cho nhân dân về tiền, đất ở, nhà tái định cư… mang lại lợi ích cho người dân. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, tập trung giải quyết khiếu nại tồn đọng gắn với giải quyết khiếu nại thường xuyên.
Nguyên nhân tồn đọng khiếu nại vừa qua một phần do chính sách, gần đây là chính sách giải phóng mặt bằng liên tục thay đổi. Qua tranh chấp đất đai, đất tôn giáo, đất nông nghiệp… phải xem xét nhiều. Chính quyền có giải quyết sai một số vụ việc, phải khôi phục lại quyền lợi của người dân. Cũng có trường hợp khiếu nại không đúng. Trách nhiệm trên trước hết của ngành thành tra và các cấp chính quyền thi hành pháp luật”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu câu hỏi, ngoài vụ án điểm với nhiều "đại gia cá mập", việc tham nhũng có ở nhiều "ngõ ngách", chấn chỉnh việc này thế nào? Còn thực trạng người đứng đầu né trách việc tiếp dân, ngành thanh tra đã kiểm điểm được bao nhiêu người?
Tổng Thanh tra cho rằng vấn đề tham nhũng “vặt” đã diễn ra trên một số lĩnh vực quản lý của Nhà nước. Trước mắt sẽ thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Phát huy vai trò người đứng đầu, phát hiện xử lý tham nhũng, xử lý các hành vi, giáo dục nâng cao trách nhiệm công chức.
Với việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, việc kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương ở cả nước trong 3 năm đã xử lý hành chính trên 2.000 cán bộ, xử lý hình sự trên 30 trường hợp. Sắp tới sẽ kiểm tra, đôn đốc việc tiếp công dân, hạn chế việc đùn đẩy.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nêu vấn đề: “Hiện số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai tới 80%, đơn thư khiếu nại sai chiếm tới 60%. Đề nghị Tổng Thanh tra chính phủ và Bộ TN&MT có giải pháp khắc phục?”.
Tổng Thanh tra cho biết, qua 3 năm 2011 – 2013, có 70% khiếu nại đất đai, tố cao sai 30%, 32% có đúng có sai, chỉ có 20% khiếu là đúng. Khiếu nại vượt cấp nhiều. Sắp tới phải tuyên truyền pháp luật đến người dân về việc thực hiện khiếu nại tố cáo, tổ chức tiếp dân, đối thoại, tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hạn chế khiếu nại sai. Vừa qua, Bộ TNMT cũng đã tập trung giải quyết khiếu nại về đất đai.
Minh Hiếu

Bình luận(0)