Hàng trăm tiểu thương bỗng dưng mất chỗ kinh doanh?
Để giải tỏa mặt bằng xây dựng tường bao
Bệnh viện Việt Tiệp, UBND TP
Hải Phòng đã giao cho UBND Quận Lê Chân và UBND phường Cát Dài yêu cầu các hộ dân kinh doanh giáp tường bao bệnh viện này, đoạn đường Hai Bà Trưng từ ngã 3 nhà Thương đến ngã 3 đường Trần Nguyên Hãn di dời hàng quán, ngừng kinh doanh, trả lại mặt bằng để bệnh viện thi công công trình theo kế hoạch đã đề ra.
Theo thông báo số 18/TB-UBND của UBND Phường Cát Dài do chủ tịch UBND phường bà Nguyễn Thị Thắng ký ngày 29/10 đã yêu cầu đến ngày 11/11, các hộ tiểu thương phải hoàn trả lại mặt bằng. Quá thời hạn trên nếu hộ kinh doanh nào không thực hiện sẽ bị cưỡng chế di dời theo quy định. Trong quá trình thi công, hộ nào vẫn cố ý kinh doanh trên đoạn đường trên, ngoài việc xử lý hành chính, nếu xảy ra tai nạn về người và tài sản thì hộ đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
|
Khu vực bị giải tỏa để xây tường bao Bệnh viện Việt Tiệp. (Ảnh: Hải Ninh) |
Ngay khi nhận được thông báo này, hàng chục tiểu thương với hàng trăm nhân khẩu đang sống và kinh doanh buôn bán quần áo và các dịch vụ xung quanh vỉa hè thuộc khu vực phải giải tỏa để thực hiện dự án xây tường bao Bệnh viện Việt Tiệp đã phản ứng và làm đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng
Thành phố Hải Phòng. Lý do người dân phản ứng là bởi từ nhiều năm nay, các hộ tiểu thương vẫn kinh doanh buôn bán tại khu vực này và được chính quyền địa phương cho phép. Để được kinh doanh buôn bán họ đã nộp thuế phí đầy đủ. Tuy nhiên, đến ngày 3/11, trong cuộc gặp giữa chính quyền phường Cát Dài với các hộ tiểu thương, các tiểu thương mới nhận được thông báo khu vực nơi họ buôn bán buộc phải giải tỏa, nhiều hộ tiểu thương đã nhận lô hàng mùa đông với số tiền đi vay mượn, nên không biết sẽ sống ra sao nếu quyết định này được thực thi.
Bà Phạm Thị Nghỉ, tổ trưởng tổ bán quần áo trên đường Hai Bà Trưng cho biết: “Có gần hai chục hộ tiểu thương với hơn 100 nhân khẩu kinh doanh tại khu vực này đến nay cũng hàng chục năm. Chúng tôi được UBND TP tạo điều kiện cho kinh doanh buôn bán tại khu vực này và đóng thuế phí đầy đủ. Đến tháng 10 năm nay chúng tôi vẫn đóng thuế phí. Giờ bỗng dưng chúng tôi bị giải tỏa không cho kinh doanh buôn bán nữa. Hàng tết chúng tôi đã nhập về. Số tiền lấy hàng hoàn toàn đi vay mượn. Đa số hộ dân đều là gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn.
Khó khăn này ai thấu hiểu cho dân?
Cuộc sống vốn đã khó khăn, hàng trăm con người chỉ trông chờ từ hàng quán, nay bị giải tỏa, không biết ngày mai thế nào. Hàng chục hộ dân lo lắng nếu quyết định giải tỏa này được thi hành thì sẽ không biết đi đâu, về đâu.
“Chúng tôi luôn chấp hành chủ trương của nhà nước. Nhưng nếu chúng tôi bị buộc phải di dời đi nơi khác thì địa phương phải sắp xếp cho chúng tôi nơi kinh doanh để tiếp tục buôn bán. Nếu vào chợ thì không đủ tiền mua chỗ để kinh doanh Số quần áo hiện mới nhập về chúng tôi biết giải quyết thế nào?”, Bà Phạm Thị Nghỉ cho biết.
Ông Trần Quang Minh, tiểu thương bán quần áo trên đường Hai Bà Trưng (Phường Cát Dài, Quận Lê Chân, Hải Phòng), có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố già 86 tuổi, từng tham gia chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, bị tai biến bại liệt 9 năm nay. Mẹ già 78 tuổi già yếu mắc nhiều loại bệnh, bản thân ông Minh đi bộ đội về và kinh doanh quần áo tại đây.
“Cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào cửa hàng quần áo này, giờ giải tỏa khó khăn này ai thấu hiểu cho dân?”, ông Trần Quang Minh than thở.
Theo các hộ dân, họ chấp nhận di dời theo chủ trương của UBND Quận Lê Chân và UBND TP Hải Phòng. Tuy nhiên, trước khi di dời, các tiểu thương mong muốn các cơ quan chức năng bố trí nơi kinh doanh mới cho họ hoặc trả lời rõ cho người dân biết họ phải di dời để triển khai xây dưng tường bao hay phải di dời vĩnh vĩnh?
Liên quan đến những vấn đề trên, PV Kiến Thức sẽ làm việc với các cấp chính quyền TP Hải Phòng và thông tin đến bạn đọc…