Theo phản ánh từ người dân thôn Khánh Thượng, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thì từ năm 2008 đến nay, một số công ty khai thác đá tại địa bàn xã Cao Thịnh nổ mìn khai thác đá gây thiệt hại về tài sản và trực tiếp uy hiếp tính mạng của hàng chục hộ dân thôn Khánh Thượng. Những “trận địa bom đá” bắn phá nhà dân khiến người dân khổ sở.
Đã nổ phát nào thì rất lớn
“Sau tiếng nổ tại khai trường khai thác đá thuộc Công ty Đông Tân, hàng chục nhà dân thôn Khánh Thượng, xã Cao Thịnh rung lên bần bật rồi nứt toác, có nhà bị đá bắn phá thủng, nát hoàn toàn”, chị Bùi Thị Dương, thôn Khánh Thượng kể lại.
Thôn Khánh Thượng chỉ cách UBND xã Cao Thịnh chưa đầy 1km và nằm ngay cạnh hai khai trường khai thác, chế biến đá của Công ty Đông Tân và Công ty Hoàng Quân. Theo phản ánh của người dân địa phương thì các công ty này hoạt động từ năm 2008 đến nay. Các công ty này tuy ít khi nổ mìn phá đá, nhưng đã nổ phát nào thì rất lớn, bất chấp việc không ít gia đình tại thôn Khánh Thượng nằm ngay sát mỏ đá. Gia đình gần nhất có lẽ chưa đầy 100m.
|
Hiện trường vụ nổ mìn đánh sập một góc núi tại thôn Khánh Thượng. |
Việc khiến nhiều người ám ảnh khi đến thăm các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá của “bom đá” tại thôn Khánh Thượng đó là nhưng ngôi nhà bị nứt từ nhà mái bằng làm bằng bê tông cốt thép cho đến nhà cấp 4... Vụ nổ ghê gớm nhất gần đây mà người dân từng chứng kiến xảy ra ngày 18/01/2015 khiến hàng loạt ngôi nhà xung quanh khai trường khai thác đá của Công ty Đông Tân nứt toác.
Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà xây kiên cố, chị Bùi Thị Dương, thôn Khánh Thượng kể lại: “Nhà tôi xây dựng năm 1987. Từ lúc xây cho đến trước khi các mỏ đá hoạt động, nhà tôi không bị một vết nứt nào, bởi nền đất ở đây rất chắc, nhà xây bằng bê tông cốt thép nên dù mấy lần bão lớn mà chẳng hề hấn gì. Nhưng từ năm 2008, các công ty khai thác đá nhảy vào hoạt động, nổ mìn đánh đá đã làm nhà bị nứt toác”.
|
Đã bắn thủng cửa sổ của người dân. |
Ngôi nhà của chị Dương bị nứt một vết dài từ trên đỉnh tường xuống đến chân móng. Ở phòng ngủ của ba mẹ con chị cũng bị một vết nứt rộng đến 3cm ngay đầu giường. Ngoài ra, nhiều vị trí như gác xép, sân thượng cũng bị đá bắn tơi tả. Cửa sổ lên sân thượng bị đá bắn thủng một lỗ to bằng kích cỡ chiếc tivi. Một cửa sổ khác cũng bị đá bắn gãy nát, thủng, cạnh các chỗ thủng này vẫn còn vết bùn, đất bám lại.
Chị Dương cho biết: “Sau mỗi lần họ nổ mìn, sân thượng nhà tôi lại ngập đầy đất, đá, lá cây... có hôm trên mái nhà toàn những loại đá to như nắm tay, cái ấm nhôm và ngói vỡ”.
Cùng dính “trận địa pháo” như nhà chị Dương, nhiều hộ xung quanh sau khi bị đá, đất bắn vào nhà đã đến tận công ty gây ra hậu quả để khiếu nại, sau đó phía các công ty cho công nhân đến quét nhà, sân vườn, dọn dẹp hiện trường...
|
Một vết nứt khác do đá bắn. |
Ông Đỗ Đinh Nhường thôn Khánh Thượng chỉ sống cách địa điểm nổ mìn gần 100m cho biết: “Mỗi lần người ta nổ mìn đánh đá, lá cây, đất cát rơi kín mặt sân. Đợi cho người ta nổ xong, tôi đến tận công ty bắt họ đến kiểm tra. Nhưng công nhân cũng chỉ đến kiểm tra xong rồi thôi”.
Nhìn trên tường nhà, chuồng trại, sân vườn nhà ông Nhường nhiều chỗ còn thấy vết tích đá bắn. Đó là chiếc chảo thu HD bị công phá vênh, méo không sử dụng được, là mảng tường nhà bếp rộng đến hơn 1m bị bắn sập vừa được xây lại – vết xây vẫn còn mới. Thậm chí bức tường phía trong bếp cũng bị đá bắn nát...
|
Một vết nứt nghiêm trọng tại nhà chị Bùi Thị Dương. |
Mặc dù nhà bị đá công phá thuộc loại dữ dội nhất thôn Khánh Thượng, nhưng ông Nhường vẫn không làm đơn báo cáo chính quyền địa phương. Ông cho biết: “Chủ mỏ đá họ cũng sống ở đây, tình làng nghĩa xóm nên tôi chỉ nói mồm với họ vậy. Nếu họ có đền thì cũng chỉ được vài trăm ngàn, nhiều thì một hai triệu, ăn rồi cũng hết. Thế nên có bị hỏng hóc gì tôi chỉ báo cho phía công ty gây ra sự cố biết để đến khắc phục”.
Đánh cả tấn thuốc nổ?
Theo phản ánh của người dân địa phương thì nhiều công ty khai thác đá trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có sử dụng phương pháp phá đá mà dân quen gọi là “đánh cống” – có nghĩa là công nhân sẽ khoan vào lòng núi đá những lỗ to như cống thoát nước, sau đó nhồi cả tấn thuốc nổ vào rồi cho nổ. Có nhiều phương pháp phá đá bằng thuốc nổ. Chẳng hạn như với mỏ đá ở gần khu dân cư thì công nhân chỉ được khoan vào vách núi những lỗ chứa lượng thuốc nổ nhỏ và đảm bảo đá không tàn phá khu vực xung quanh. Còn phương pháp “đánh cống” chỉ dùng ở những nơi xa khu dân cư, với khối lượng thuốc nổ nhồi vào mỗi “cống” từ vài tạ cho đến cả tấn.
|
Nếu mỏ đá tiếp tục nổ mìn thì ngôi nhà của bà Dương có thể sập bất cứ lúc nào.
|
Chị Bùi Thị Dương, người từng là công nhân khai thác đá của Công ty Đông Tân cho biết: “Hôm nào người ta “đánh cống” là biết ngay. Vụ nổ của nó sẽ làm rung chuyển một khu vực cách xa nhiều cây số. Một vụ “đánh cống” như thế có thể phá hủy diện tích núi đá rất lớn mà công nhân có thể làm cả năm cũng không hết. Khi “đánh cống” người ta phải xác định hướng phụt đá, ví như hướng phụt lên trời hoặc phụt theo chiều ngang để giảm thiểu thiệt hại cho khu vực xung quanh, nhưng ở đây thì người ta chẳng mấy quan tâm đến điều đó. Vả lại với lượng thuốc nổ lên đến cả tấn như “đánh cống” mà nằm cạnh khu dân cư thì cho dù có định hướng phụt thì sẽ rất khó tránh được thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân cũng không được đảm bảo”.
Nhiều người dân thôn Khánh Thượng trong quá trình làm việc với phóng viên tường trình: “Dân chúng tôi ở cách mỏ đá Đông Tân vài trăm mét, nên khi họ nổ mìn, nhiều người, nhất là trẻ em bị sức ép. Một làn gió mạnh như bão giật qua đập thẳng vào mặt. Đất đá, cành, lá cây bị giật bay đến cả trăm mét, cùng với đó là đá đủ các kích cỡ bắn phá khắp nơi”. “Nhiều hộ gia đình nằm cách mỏ đá hàng trăm mét nhưng vẫn bị nứt thì chứng tỏ người ta phải dùng đến một lượng thuốc nổ rất lớn”, ông Phạm Văn Dưỡng cho biết.
Theo Luật Khoáng sản thì các công ty, đơn vị khai thác đá sau khi được các cấp có liên quan cấp phép sẽ phải tiến hành khảo sát, đền bù di chuyển người dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn sau đó mới tiến hành khai thác. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thôn Khánh Thượng thì chưa có gia đình nào được phía Công ty Đông Tân đền bù, giải phóng mặt bằng mà chỉ khi nào xảy ra sự cố gây thiệt hại về tài sản thì họ mới đền bù dựa trên giá trị tài sản đó...