Ngày 21/5, người thân đã ngậm ngùi đưa quan tài 4 cháu bé cùng chết đuối về quê nhà ở các tỉnh Kiên Giang, ĐắkLắk và Đồng Nai để an táng trong tiếng nấc nghẹn ngào thương tiếc của người thân và bè bạn.
Clip hiện trường vụ 4 cháu bé nằm chết vương vãi ven bờ suối ở huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT
4 đôi dép, 4 sinh mạng trẻ thơ
Giữa trưa 21/5, chiếc quan tài của cháu Huỳnh Anh Đông (10 tuổi) được người thân đưa ra nghĩa trang huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, khi ngang qua ngôi trường tiểu học Phú Mỹ, gia đình đã dừng lại như muốn cho cháu được nhìn lần cuối ngôi trường thân yêu của mình. Nhiều quý thầy cô, bạn bè đã không giữ được nước mắt trước hình ảnh đau xót này.
|
Hiện trường bên bờ suối Sao, nơi bốn cháu bé (3 nữ, một nam, tuổi từ 8 đến 14) chết thảm thương. |
Trước đó sáng cùng ngày, lần lượt thi thể ba cháu gái là: Huỳnh Tiểu Vy (14 tuổi); Võ Thị Bé Trang (8 tuổi, cả 2 quê tỉnh Kiên Giang) và Vũ Nguyễn Hồng Ân (10 tuổi, quê tỉnh ĐắkLắk) đã được xe tang đưa về quê an nghỉ.
Anh Nguyễn Văn Bàng (30 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang, chú ruột cháu Trang) kể lại: “Vụ tai nạn thương tâm xảy ra từ khoảng hơn 14h chiều ngày 19/5 nhưng đến vài tiếng sau khi nước rút mọi người mới phát hiện”.
Anh Bàng cho biết, khoảng 17h cùng ngày, một người đàn ông ngụ trong khu nhà trọ (đa số là công nhân làm việc tại KCN Phú Mỹ) ra phía sau là dòng suối Sao thì hét lên khi nhìn thấy thi thể cháu Vy úp mặt xuống bùn, phần bụng trên bờ, chân dìm dưới nước. Nhiều người chạy ra thì tiếp tục phát hiện bé Trang nằm úp bên kia dòng suối đang rút nước.
|
Bờ suối nơi người dân phát hiện đầu tiên thi thể bé Vy và sau đó lần lượt các bé Ân, Đông và Trang được tìm thấy. |
“Lúc này một số người nhìn thấy có 4 đôi dép trên bờ cùng vài món đồ chơi nên ai cũng hốt hoảng, nháo nhào nghi còn nhiều bé gặp nạn”, anh Bàng kể tiếp.
Đúng như nhận định, khi tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thi thể cháu Đông (nam) vướng vào bụi cây và cách đó khoảng 10m là xác bé Ân.
Lãnh đạo “Bảo vệ trẻ em” quá đau lòng nên…né báo chí!
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, hoàn cảnh gia đình của các cháu đều nghèo khó, cha mẹ là công nhân suốt ngày đi làm để mưu sinh và 3 trong số 4 cháu đều là con một.
“Vì sống cảnh tha hương quanh năm thiếu thốn nên tôi chưa dám có thêm con. Bé Trang là đứa duy nhất nên vợ chồng tôi hết mực thương yêu, giờ cháu đi rồi không biết những ngày tới vợ tôi có vượt qua nổi cú sốc này không?”, anh Tuấn Em, cha cháu Trang ngẹn ngào chia sẻ.
|
Chị Tịch đau đớn trước cái chết của đứa con trai duy nhất. |
Vợ chồng anh Tuấn Em từ quê tỉnh Kiên Giang đến thuê nhà trọ ở khu phố Tân Ngọc, TT Phú Mỹ làm công nhân KCN địa phương. Hàng ngày sau giờ đi học, bé Trang về nhà chơi với các bạn cùng xóm là Vy, Đông và Ân nhưng ít khi chúng ra bờ suối chơi vì rất nguy hiểm, bị người lớn rầy la, cảnh báo.
Trong khi đó, bé Vy dù đã 14 tuổi nhưng vì gia đình không đủ điều kiện nên cháu không được đến trường như chúng bạn. Hàng ngày Vy ở nhà trọ và đưa đón em trai tên Hồ đi học.
“Thường ngày bé Hồ hay theo chị đi chơi nhưng thời điểm xảy ra tai nạn, cháu bé mê xem phim hoạt hình nên đã may mắn sống sót”, anh Bàng cho biết.
Theo những người chứng kiến thì khi thi thể 4 cháu được đưa lên bờ để nằm cạnh nhau, ai cũng không cầm được nước mắt và khi cha, mẹ, người thân các cháu nghe tin dữ chạy về thì tất cả đều ngã quỵ.
Nhận định ban đầu có khả năng vào thời điểm xảy ra tai nạn, nước ở con suối dâng cao và khi các cháu ra bắt cua, cá đã trượt chân kéo nhau. Đến chiều nước rút thì mọi người phát hiện ra vụ việc.
Cũng theo người dân thì cũng tại con suối chảy ra sông Thị Vải này trước đây đã từng xảy ra nhiều cái chết thảm thương cho trẻ nhỏ nhưng địa phương vẫn chưa có biện pháp cảnh báo và thảm nạn tiếp tục xảy ra.
Chiều 21/5, PV Kiến Thức cùng một số cơ quan truyền thông liên hệ với lãnh đạo phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tân Thành để trao đổi xung quanh vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng như giải pháp của chính quyền địa phương trong thời gian tới. Tuy nhiên sau khi trao đổi qua điện thoại, bà Lê Phó phòng phụ trách Bảo vệ Chăm sóc bà mẹ và trẻ em huyện Tân Thành đã từ chối trả lời với lý do quá đau lòng nên không muốn…tiếp báo chí!
Mùa “chết đuối”!
Mùa hè đến cũng là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao. Tuy nhiên cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ khi mà việc phổ biến, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ em Việt Nam vẫn rất hạn chế.
Theo số liệu thống kê năm 2013 và 2014 của Tổng cục Thống kê thì so với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần.Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Tai nạn đuối nước đang gia tăng nhất là vào mùa hè gây lo lắng trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước. Gần như ngày nào trên trên báo chí cũng có những thông tin về tai nạn đuối nước của trẻ em. Đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ chết đuối nước càng tăng cao.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.