Tâm bão cách Hà Tĩnh - Quảng Trị 120km, gió giật cấp 16

Google News

(Kiến Thức) - Hồi 12h ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất, giật cấp 16.

Theo thông tin mới nhất, hiện toàn tỉnh Quảng Trị đã bị cúp điện. Thông tin liên lạc giữa đất liền với huyện đảo Cồn Cỏ đã bị cắt đứt. Tại Quảng Bình, từ sáng đến trưa nay (30/9), toàn tỉnh đã có mưa to và gió mạnh cấp 5 - 6, các vùng ven biển gió đã mạnh dần lên cấp 7 - 8. Hiện, Sở điện lực của tỉnh đã bắt đầu cắt điện tại các vị trí trọng điểm của 7 huyện thị.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy, khoảng chiều và tối nay (30/9), vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Đến 22h ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở trạm đảo Lý Sơn đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 21m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 18m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 28m/s (cấp 10). Ở ven biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam có gió giật cấp 6 - 7. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6 - 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.
Hà Tĩnh: Một thuyền cá bị đánh chìm
Ngày 30/9, đồn Biên phòng Lạch Kèn (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vào khoảng 14h ngày 29/9, chiếc thuyền đánh cá với công suất 15 CV do ông Mai Văn Búp (64 tuổi ở thôn Lâm Vượng, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân) làm chủ thuyền đã bị sóng đánh chìm. Rất may 3 nạn nhân trên thuyền đã vào bờ an toàn, chiếc thuyền bị chìm đang được ngư dân địa phương tìm cách kéo lên bờ. Các thuyền đánh cá nhỏ khác cũng được đưa vào trú ẩn tại âu thuyền của xã Xuân Giang.
Theo đồn Biên phòng Lạch Kèn (tỉnh Hà Tĩnh), đến trưa 29/9, toàn bộ tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản của huyện Nghi Xuân gồm có 725 chiếc đã vào bờ trú ẩn an toàn.
Để ứng phó với bão, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Công điện hỏa tốc gửi các cơ quan ban ngành trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 10. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCLB huyện Lộc Hà đã Ban hành Công điện số 26/CĐ-PCLB; số 27/CĐ-UBND, ngày 29/9, để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bão trên địa bàn huyện.
 Nghệ An đã kêu gọi được hơn 4.000 tàu thuyền vào bờ.
Nghệ An: Đã kêu gọi hơn 4.000 tàu thuyền vào bờ
Ngày 29/9, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cơn bão số 10.
Chủ tịch UBND, Trưởng ban PCLB&TKCN tỉnh đã công điện khẩn đến các Sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các công tác đối phó với “siêu bão”. Tính đến hiện tại đã kêu gọi hơn 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân vào bờ trú ẩn an toàn. Đối với một số hồ đập thủy lợi đang có nguy cơ sạt lở, rò rỉ nước, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu, xử lý sự cố để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại và đảm bảo an toàn cho hồ đập. Về giáo dục, Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo tất cả các trường trên địa bàn toàn tỉnh sẽ chủ động cho học sinh nghỉ học khi bão đến.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, nhất là về người. Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi 24/24 diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời.
Quảng Trị: Di dời 20.502 hộ dân, học sinh nghỉ học
UBND tỉnh Quảng Trị trong 2 ngày 28 và 29/9 đã có 2 công điện khẩn gửi các địa phương, các ban ngành trong tỉnh cho biết tình hình, sớm đôn đốc người dân không lơ là, chủ quan trước bão số 10.
Công điện yêu cầu trước 22 giờ tối 29/9, các đơn vị liên quan phải hoàn thành công tác chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, sơ tán dân.
Theo kế hoạch, sẽ có tới 20.502 hộ dân/82.107 nhân khẩu thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập lụt đặc biệt nguy hiểm, vùng lũ quét, vùng sạt lở bờ sông thuộc 141 xã, phường trong toàn tỉnh sẽ được di dời.
Trong đó, đặc biệt chú ý tại địa bàn các xã vùng cao đầu nguồn sông Thạch Hãn như Pa Tầng, Tà Rụt, A Bung, A Ngo, Húc Nghì... nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số và thường xảy ra lũ quét. Theo công điện, hôm nay ngày 30/9, toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học và tùy tình hình diễn biến sẽ cho đi học lại sau.
 Người dân thôn Cang Gián (xã Trung Giang, H.Gio Linh) chằng chống nhà cửa.
Quảng Nam: Còn 65 tàu thuyền với hơn 2.000 ngư dân hoạt động trên biển
Ngày 29/9, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) Quảng Nam cho biết hiện vẫn còn 65 tàu cá (với 2.237 lao động) của địa phương đang hoạt động trên biển.
Theo đại tá Nguyễn Văn An, Chủ nhiệm Chính trị BCH BĐBP Quảng Nam, tính đến cuối giờ chiều 29/9, các đồn biên phòng đã kêu gọi trên 700 phương tiện vào bờ trú tránh bão số 10 an toàn. Trong đó, có 89 tàu đánh bắt xa bờ (2.697 lao động) đã vào bờ.
Hiện còn 65 tàu cá đang hoạt động trên biển tại khu vực quần đảo Trường Sa và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các đồn biên phòng.
BĐBP Quảng Nam cũng đã hướng dẫn cho 7 tàu vận tải ở khu vực Cù Lao Chàm nhanh chóng về neo đậu trên vùng biển Đà Nẵng và cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế).
Ngoài ra, một tàu vận tải (11 thuyền viên) bị hỏng máy đã được tàu của BĐBP Quảng Nam kéo về khu vực Cù Lao Chàm tránh trú.
Các đồn biên phòng đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương thông báo, thông tin cho ngư dân trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động phòng tránh.
Thừa Thiên Huế: Dự trữ hàng trăm tấn gạo, mỳ, xăng, dầu
Tại Thừa Thiên Huế, tối 29/9, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc về công tác ứng phó cơn bão số 10.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lê Trường Lưu đã báo cáo với Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai các phương án phòng, chống bão số 10. Cho đến 6 giờ, ngày 29/9, toàn tỉnh đã kêu gọi 1.833 phương tiện (trong đó 23 phương tiện của các tỉnh bạn) vào bờ trú ẩn; dự kiến di dời 2.884 hộ (11.561 khẩu) ở vùng sạt lở, vùng ven biển đến nơi an toàn. Trên địa bàn có 6.150 khách du lịch (trong đó 2.830 khách quốc tế, 3.320 khách nội địa) đang lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn. Các ban, ngành chức năng đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 200 nghìn lít xăng, dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa. Riêng hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng hóa nhu yếu phẩm khác. Đồng thời, tỉnh cũng đã chi trên 3 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp hơn 1.000 mét bờ biển bị sạt lở tại các xã: Hải Dương (thị xã Hương Trà), Vinh Hải (huyện Phú Lộc).
Đ.Nhiên - Lê Tập

Bình luận(0)