TS Ngô Đức Lâm có những chia sẻ bổ ích với Kiến Thức liên quan tới vụ việc được báo chí phản ánh về một đại biểu HĐND ở TP HCM chơi game trong cuộc họp.
Không lạ
- Chiều 10/7 tại kỳ họp thứ 14 HĐND khóa VIII TPHCM, khi thư ký đang đọc tờ trình để xin ý kiến hội nghị thì một vị đại biểu vẫn vô tư ngồi chơi game đánh bài trên điện thoại cảm ứng. Thậm chí khi chủ tọa đề nghị các đại biểu biểu quyết thì ông vẫn ngồi im, phải mất vài giây sau ông mới giật mình giơ tay trong khi mắt vẫn hướng về màn hình. Ông có theo dõi thông tin này trên báo chí?
Có, tôi có đọc, cũng có suy nghĩ, nhưng cũng chẳng phải là điều gì bất ngờ. Không chỉ có trong kỳ họp HĐND TPHCM, thậm chí là cả trong Quốc hội cũng có những trường hợp kiểu như vậy, họ không toàn tâm toàn ý cho công việc mình đang làm. Nên chuyện này không có gì đặc biệt. Qua theo dõi tôi thấy, trong các kỳ họp HĐND ở các cấp phường, xã, quận huyện, việc này càng không lạ.
- Vì sao đã được tín nhiệm bầu làm đại biểu mà một số người lại có kiểu hành xử lạ như vậy?
Có nhiều nguyên nhân. Chúng ta thấy mỗi kỳ họp HĐND thường bàn rất nhiều vấn đề khác nhau. Có những đại biểu có cũng được, không cũng được, nhận thức thấp về các vấn đề thảo luận, vì thế mà chán. Ngồi họp liên tục mấy ngày trời mà chỉ tập trung mỗi một vài vấn đề, mà vấn đề đó chả hiểu gì, thì chán là dễ hiểu. Vị đại biểu kia chơi game, có vị thậm chí còn ngủ. Có những vị tỉnh táo đấy nhưng họ làm những việc khác như ngồi lướt mạng, thậm chí là nói chuyện riêng với nhau để giải tỏa khoảng thời gian gần như “chết” ấy. Rõ ràng vì nhận thức thấp, ít hiểu biết mà mới thành ra thế.
- Đúng là không hiểu mà phải nghe thì như tra tấn!
Đúng vậy, nó đâu khác nào tra tấn. Trong lớp học, em nào học khá, nhận thức được thì em đó rất tập trung. Còn em nào không nhận thức được, ngồi nghe mà không hiểu thì sẽ tụ tập nói chuyện hoặc ngủ. Điều này rất dễ hiểu trong trạng thái tâm lý con người.
- Nhưng người tỉnh táo ngồi nghe nhưng không tập trung thì cũng chẳng khác gì người ngủ hay chơi game?
Đó là kiểu đại biểu thứ 2, vào HĐND cho có cái ghế thôi chứ không toàn tâm toàn ý cho công việc. Ông tỉnh táo đấy nhưng ông lại làm việc khác. Nhiều người do cách sắp xếp, có thể là người hiểu biết nhưng vì hoạt động quá nhiều công việc nên không chú tâm, thiếu trách nhiệm vì chưa nắm được vai trò đầy đủ của mình đại diện cho nhân dân.
- Và tác hại sẽ là...?
Vai trò của họ rất to lớn, thậm chí là thảo luận để đưa ra các chính sách ảnh hưởng đến hàng triệu người. Có rất nhiều quy định ra đời nhưng không phù hợp với thực tiễn, bị người dân phản ứng nên lại rút về. Luật để nhiều kẽ hở để người ta trục lợi, không kín kẽ. Ai phải chịu trách nhiệm, tất nhiên là những người xây dựng luật rồi. Vì có những người làm việc thiếu trách nhiệm nên mới dẫn đến điều đó.
|
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, Bộ Công Thương. |
Tự bỏ tiền túi tham dự hội thảo
- Theo ông, vì đâu mà những người đó vào được cái ghế đại biểu thưa ông?
Nó thể hiện bất cập trong chính cách bầu cử của chúng ta. Chúng ta đang áp dụng hình thức bầu cử dân chủ đại diện. Người giới thiệu đại biểu đa phần là các tổ chức, đoàn thể. Vấn đề là có nên duy trì mãi hình thức bầu cử qua người giới thiệu hay không, hay là để người dân trực tiếp giới thiệu và bầu nên. Rõ ràng những đại biểu ngồi chơi game hay ngủ gật là bởi người giới thiệu đại biểu đó có vấn đề, xem xét chưa thấu đáo để giới thiệu những thành phần đó vào. Chưa cần biết là trong việc giới thiệu đó có lợi ích, có mối quan hệ nào hay không, nhưng ít nhất là nó thể hiện sự yếu kém trong khâu giới thiệu đại biểu.
- Để có được những đại biểu thực sự tài năng thì theo ông phải có tiêu chí nào?
Phải có những tiêu chí rất cụ thể chứ không thể nói một cách chung chung là “hồng và chuyên” được. Trước tiên phải là người có trách nhiệm, không vô cảm với dân, nhiệt huyết với công việc. Thứ nữa là phải có trình độ nhận thức, hiểu biết sâu sắc, còn nếu chỉ tốt thôi thì chưa ổn. Tự mình nâng cao hiểu biết của mình. Thứ nữa là phải có lòng tự trọng để từ chức khi mình không làm được việc.
- Vấn đề là khi đã ngồi vào cái ghế đại biểu, họ bận trăm công nghìn việc, mà không thể vấn đề nào cũng hiểu, cũng nắm chắc, vậy thì phải làm thế nào?
Khi các chuyên gia làm việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, tôi có mặt ở đó. Một vị đưa ra câu chuyện về việc ông ấy tham dự một hội thảo khoa học của Mỹ, người tham dự hội thảo phải mất tiền. Khi nhìn xung quanh, ông thấy có rất nhiều nghị sỹ Quốc hội tham dự. Các vị ấy tự bỏ tiền túi ra để được ngồi nghe, nâng cao hiểu biết vấn đề mà các vị ấy chưa nắm rõ. Sau này khi tham gia xây dựng chính sách, họ sẽ sử dụng hiểu biết đó để làm việc. Điều này cho thấy, nếu đại biểu muốn học hỏi, hoàn thiện kiến thức của mình, hiểu biết của mình, thì không có gì là khó khăn cả.
- Ông có liên hệ gì với các đại biểu Quốc hội ở Việt Nam?
Câu này hẳn là không cần phải trả lời. Có điều để nâng cao chất lượng thì nên tăng cường số đại biểu chuyên trách từng lĩnh vực, chứ không thể chỉ có hiểu biết khơi khơi được. Còn một người nắm quá nhiều chức vụ thì không thể toàn tâm toàn ý để thảo luận chính sách được.
Ghế đại biểu là bàn đạp
- Ông vừa đề cập đến việc có những đại biểu có mặt chỉ cho đủ chỗ, để giữ lấy cái “ghế”, giá trị của cái “ghế” ấy hẳn là ghê lắm?
Cái đó đúng, người ta chỉ cần cái danh nên cái “ghế” đại biểu được coi là bàn đạp để phục vụ cho các mục đích khác trong quá trình tiến thân. Một doanh nhân là đại biểu Quốc hội hoặc HĐND khi đi ký kết thì thường dễ dàng hơn rất nhiều so với người khác, đó là ví dụ đơn giản nhất.
- Có phải một đại biểu càng nói nhiều, càng phát biểu nhiều thì càng chứng tỏ mình có tài?
Không hẳn. Có những đại biểu phát biểu rất nhiều, rất hăng, nhưng chất lượng các phát biểu ấy thấp. Người nghe có chuyên môn là biết họ nói lấy được thôi chứ cái đề xuất ấy nó quá cũ rồi.
- Nhưng thế còn hơn là các vị không bao giờ nói bất cứ điều gì trong suốt nhiệm kỳ?
Các khóa trước thì nhiều, chứ bây giờ thì tôi thấy số đại biểu đó cũng ít đi rồi. Trong các đoàn có sự phân công rải đều cho các vị, mỗi vị phụ trách một mảng nào đó.
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng các kỳ họp HĐND hiện nay?
Có một thực trạng không thể phủ nhận là đa phần thời gian của kỳ họp này dành cho việc đọc báo cáo. Hết ngành này đến ngành khác, ban nọ đến ban kia, nhiều khi chỉ cần thay số liệu, ngày tháng năm của báo cáo năm trước là ra báo cáo năm sau. Các phiên chất vấn làm rõ bức xúc của người dân lại chưa được chú trọng. Có thể nói chất lượng họp như vậy là không cao, cũng đã có nhiều cử tri bức xúc về vấn đề này rồi.
Xin cảm ơn ông!
Đại biểu làm gì thì làm cũng phải đại diện cho tiếng nói của nhân dân, đừng để người dân chán nản quay lưng với các kỳ họp, không quan tâm kỳ họp đó bàn bạc vấn đề gì. Để làm được như thế thì mỗi đại biểu đừng ngồi cho kín cái ghế, đừng chỉ biết im lặng, giơ tay. Tự trau dồi hiểu biết và có chính kiến chính là cách tự xây dựng hình ảnh của mình.