Kiến Thức đã lật lại hồ sơ dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, nhận thấy rằng dự án, giai đoạn 1 có quy mô xây dựng mới đường sắt đôi trên cao đoạn Giáp Bát-Gia Lâm với chiều dài 15,36 km và khu Tổ hợp Ga Ngọc Hồi dài 3,85 km. Tổng mức đầu tư là 19.460 tỷ đồng (13.972 tỷ vay JICA, còn lại là đối ứng).
Dự án khủng...
Dự án do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư, tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2008 đến năm 2017. Đây là tuyến đường được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ nhiều năm nay với sự tham gia của nhiều hãng tư vấn nước ngoài như Đức (DOSRCH), Hiệp hội tư vấn Nhật Bản (JTCA), Tổ chức JETRO (Nhật Bản)...
|
Phối cảnh tuyến đường sắt số 1 dính nghi án "quan chức" nhận hối lộ. |
Theo thiết kế, đường sắt trên cao từ Ngọc Hồi đến Yên Viên là đường sắt đôi, dài khoảng 28 km. Toàn tuyến có 5 ga dùng chung giữa ĐSQG và ĐSĐT bao gồm: Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm, Yên Viên; và 11 ga chỉ dùng cho vận tải hành khách đô thị là: Vĩnh Quỳnh, Văn Điển, Hoàng Liệt, Phương Liệt, Bạch Mai, công viên Lê Nin, Phùng Hưng, Long Biên Nam, Long Biên bắc, Đức Giang, Cầu Đuống. Ga Ngọc Hồi là ga đầu mối trên mặt đất có chức năng lập tàu khách và tàu hàng đường sắt Quốc gia (ĐSQG)...
Theo nghiên cứu của Tư vấn JETRO (Nhật Bản), Tổng mức đầu tư cho dự án ước tính khoảng 25,5 ngàn tỷ VNĐ (tương đương khoảng 1.600 triệu USD). Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 với TMĐT khoảng 1.100 triệu USD bao gồm: Xây dựng mới tổ hợp khu ga Ngọc Hồi, cải tạo khu ga Gia Lâm, Yên Viên phục vụ di chuyển khu ga Hà Nội và khu ga Giáp Bát và đảm bảo vận hành liên tục của tuyến đường sắt Quốc gia.
Xây dựng đoạn đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm với tổng chiều dài 10 km, bao gồm cả các cầu, cầu vượt trên đoạn này. Xây dựng ga Hà Nội và 2 toà nhà 21 tầng tại khu vực Hà Nội và 1 toà nhà 21 tầng tại ga Giáp Bát (dự kiến sử dụng kinh phí từ việc sử dụng quỹ đất tại ga Hà Nội và Giáp Bát). Xây dựng cơ sở thiết bị, Depo…tại khu ga Ngọc Hồi. Xây dựng ga Giáp Bát bao gồm cả ga tạm phục vụ chạy tàu trong quá trình thi công GĐ1; Xây dựng 6 ga đường sắt đô thị; Mua sắm 75 tàu phục vụ đường sắt đô thị…
Giai đoạn 2, với TMĐT khoảng 500 triệu USD bao gồm: Xây dựng mới đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát với quy mô: 3,4 km cầu cạn, 3.87 trên mặt đất và 6.0 Km đường tạm. Xây dựng đoạn đường sắt Gia Lâm - Yên Viên với quy mô: 2.4 km cầu cạn, 5.31 trên mặt đất. Xây dựng các cầu, cầu vượt trên đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát & Gia Lâm - Yên Viên. Xây dựng khu ga Yên Viên gồm ga khách, ga hàng và các khu kỹ thuật đầu máy toa xe…\
Ngày 12/2/2004, Thủ tướng Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại văn bản số 195/CP-CN và giao cho Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi để thực hiện đầu tư dự án đường sắt tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên từ năm 2005. Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có quyết định số 478/QĐ-BGTVT ngày 03/3/2004 cho phép Tổng công ty ĐSVN được lập báo cáo NCKT dự án. Đầu tháng 9/2005, nhóm kỹ sư Nhật Bản với sự tài trợ của JETRO sang lập nghiên cứu dự án, vào tháng 4/2006, tư vấn JETRO đã hoàn thành F/S và chuyển giao cho tư vấn trong nước tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Mới đây, tiểu dự án từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5,649 km và kết nối với giai đoạn 1, tổng mức đầu tư trên 24.825 tỉ đồng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a, đang thương thảo tài chính với liên danh do JTC đứng đầu, dự kiến ký kết hợp đồng trong tháng 7/2014.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, đến thời điểm này, dự án đường sắt trên cao tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật nhưng do đoạn tuyến phía bắc cầu sông Hồng chưa được Hà Nội và các ngành thống nhất hướng tuyến nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa thể phê duyệt được toàn bộ thiết kế kỹ thuật. Hợp đồng tư vấn đã giải ngân khoảng 80% phần tiền yen và 69% phần tiền Việt.
Bộ GTVT cho biết đến nay, dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay JICA với tổng giá trị 21,271 tỉ yen, các giai đoạn của dự án đã bắt đầu triển khai từ năm 2008. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn phải tuân thủ các quy định của nhà tài trợ và Luật Đấu thầu của Việt Nam. Dịch vụ tư vấn đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn và thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2a, công tác đấu thầu xây lắp chưa được triển khai.
|
Công ty JTC thừa nhận đã đưa 80 triệu yen để trúng thầu. |
Nghi vấn hối lộ 80 triệu yen và 3 quan chức bị điều tra?
Tuy nhiên, khi dự án này dính nghi án nhận hối lộ lên đến 80 triệu yen, ngày 23/3/2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban QLDA đường sắt tạm dừng giải ngân theo Hợp đồng đã ký với JTC; đồng thời, tạm dừng thương thảo tài chính Hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a đối với JTC. Bộ GTVT cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trên; đồng thời, báo cáo Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin và phối hợp xử lý khi có những thông tin tiếp theo.
Bộ GTVT yêu cầu các cá nhân có liên quan đến Dự án, kể cả những người đã chuyển công tác, tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia tại dự án. Yêu cầu trên cũng được thực hiện cả với các cán bộ có liên quan đến dự án này đã nghỉ hưu. Báo cáo của các cá nhân hoàn thành trước ngày 31/3; giao Thanh tra Bộ thành lập các đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, trước mắt là các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt.
Hiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - ông Nguyễn Văn Hiếu - đã được yêu cầu tạm dừng công việc để tập trung thời gian giải trình, cung cấp tư liệu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu, khẳng định, không liên quan gì đến việc nhận hối lộ.
“Tôi cam đoan là không nhận bất kỳ khoản tiền hối lộ nào từ Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC). Tôi cũng không làm gì sai trái cả. Tôi là Đảng viên, tôi cam đoan về điều đó”, ông Hiếu quả quyết.
Không dừng ở đó, hôm nay (24/3), hai Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là ông Ngô Anh Tảo -Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt của Tổng Công ty và ông Trần Quốc Đông - từng có thời gian phụ trách Ban Quản lý dự án nói trên, cũng bị đình chỉ công tác 10 ngày để xác minh thông tin từ nghi án nêu trên.
Kiến Thức tiếp tục cập nhật…