Sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng: Đừng đánh tráo khái niệm!

Google News

(Kiến Thức) - Nói nguyên nhân sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng do công trình lâu năm là không tách bạch tổng thể công trình với từng hạng mục đã được nâng cấp…

Vụ việc trần nhà thi đấu (NTĐ) Phan Đình Phùng (Quận 3, TP HCM) bất ngờ bị sập vào tối 2/9 khi giải cầu lông quốc tế Việt Nam mở rộng đang diễn ra khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Nguyên nhân vụ việc được ban Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Phan Đình Phùng báo cáo lên lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP HCM là do nhà thi đấu đã quá cũ kỹ, xuống cấp vì được xây dựng từ cách đây 30 năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Ban giám đốc Trung tâm TD TT Phan Đình Phùng đang đánh tráo khái niệm giữa tổng thể công trình nhà thi đấu lâu năm với cả những hạng mục đã được nâng cấp. Những mảng sập thạch cao cho thấy đây không phải là hạng mục lâu năm. Có nhiều công trình còn có thời gian lâu hơn thế nhưng chất lượng vẫn tốt. Từ đó, dư luận cho rằng, liên quan đến vụ việc này, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng và những đơn vị cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm, chứ không thể cứ mãi đổ lỗi cho khách quan được.
 Hiện trường vụ sập nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Để làm rõ những băn khoăn từ dư luận, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng Đại học Xây dựng.
Nói trần nhà sập do công trình lâu năm là đánh tráo khái niệm
- Việc sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng, ban GĐ TT TDTT Phan Đình Phùng cho rằng, nguyên nhân là do công trình lâu năm nên dẫn đến sự cố trên, PGS.TS đánh giá sao về việc này?
- NTĐ Phan Đình Phùng đúng là được xây dựng từ năm 1980 và được thử nghiệm sử dụng vào năm 1984, tính đến nay cũng 30 năm đưa vào khai thác. Vấn đề khai thác sử dụng công trình xuống cấp là lẽ tất nhiên, chứ không chỉ riêng gì nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Vì thế, Ban giám đốc trung tâm TDTT Phan Đình Phùng nói nguyên nhân sập trần nhà là do sử dụng lâu năm thật khó chấp nhận. Bởi có nhiều công trình còn có tuổi đời hơn trăm năm mà vẫn đảm bảo chất lượng chứ không sập như vậy. Họ nói vậy là đang đánh tráo khái niệm công trình lâu năm với toàn thể công trình ấy với một số hạng mục trong công trình đã được tu sửa.
- Đánh tráo khái niệm công trình lâu năm với hạng mục được tu sửa, PGS.TS có thể giải thích cặn kẽ hơn?
- Trong quá trình đưa vào sử dụng, NTĐ Phan Đình Phùng thường xuyên được tổ chức những giải đấu lớn trong nước và các giải quốc tế. Công trình này đã được tu sửa, nâng cấp một số hạng mục với chi phí đầu tư 8,5 tỷ dịp SEA Games 22 năm 2003. Năm 2004, Thanh tra TP HCM đã phát hiện tại NTĐ này có một số hạng mục quyết toán sai thực tế thi công, không đúng với thiết kế. Năm 2009, NTĐ này lại tiếp tục nâng cấp để chuẩn bị tổ chức thi đấu môn billiards trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3 (Asian Indoor Games 3). Vì thế, dù công trình nhà thi đấu lâu năm nhưng một số hạng mục trong công trình ấy đã được tu sửa, làm mới. Nói cách khác, công trình nhà thi đấu này là lâu năm nhưng những hạng mục trong công trình chưa chắc đã lâu năm vì nội thất mới được nâng cấp. Người ta đưa ra khái niệm công trình lâu năm để dư luận khó hiểu, khó tách bạch.
Trách nhiệm chính vụ sập trần nhà thuộc về cá nhân, tổ chức 
- Theo ông nhìn nhận, họ đang đánh tráo khái niệm, tuy nhiên mục đích của sự đánh tráo khái niệm này là gì?
- Họ đưa ra khái niệm công trình lâu năm để lý giải nguyên nhân vụ sập trần nhà, trong khi đó trần nhà sập những mảng thạch cao thì chắc chắn không phải lâu năm. Còn về mục đích gì không nói thì người dân cũng hiểu. Trên thực tế, nhiều công trình xuống cấp thì người ta hay đổ cho khách quan, ví dụ như vụ mặt đường lún, người ta đổ cho xe quá tải. Tuy nhiên, nếu là xe quá tải gây ra lún đường thì phải lún toàn tuyến đường chứ không phải là chỗ lún chỗ không.
Khi công trình đưa vào hoạt động khai thác thì người ta phải có trách nhiệm xem xét bảo quản, khi có dấu hiệu xuống cấp phải báo cáo chứ sập nhà mới bảo do công trình lâu năm. Cũng may là khi sập nhà thi đấu không có ai bị thương, nếu không hậu quả khó nói trước. Tuy nhiên việc này cho thấy, nhiều công trình có chất lượng quá kém, kể cả những hạng mục công trình đã được tu sửa. Xét về mặt kỹ thuật, trần thạch cao được ghép từ những tấm thạch cao riêng biệt và cố định vào trần nhà bằng hệ thống khung. Tấm thạch cao quyết định tính thẩm mỹ và các chức năng chống thấm, chống cháy, cách âm... Tuy nhiên, chất lượng của trần phụ thuộc vào hệ thống khung. Nếu khung kém chất lượng, mỏng, giòn, khẩu độ thi công và cách thức thi công không đúng chuẩn hoặc sai quy định của nhà sản xuất, sẽ ảnh hưởng đến sự chịu lực của hệ thống khung, từ đó sẽ làm bề mặt bị cong nứt, vỡ... dẫn đến sự cố trên.
- Theo ông, việc sập công trình nhà thi đấu này, trách nhiệm thuộc về ai hay là cứ do công trình lâu năm thì không cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?
- Vấn đề là ở chỗ cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm và khái niệm. Phải trả lời thắc mắc của người dân đến nơi đến chốn chứ không chỉ là chung chung là nguyên nhân do công trình lâu năm. Phải làm rõ nguyên nhân gây sập, quá trình khai thác bảo quản ra sao?. Bởi việc này làm ảnh hưởng đến uy tín ngành xây dựng và cả ngành thể thao vì thế phải làm rõ trách nhiệm của nhà thi đấu và địa phương, xem xét chất lượng công trình làm rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia nâng cấp…Xã hội phát triển là xã hội có trách nhiệm vì thế bất kỳ sự việc nào xảy ra liên quan đến đơn vị, cá nhân nào thì đơn vị cá nhân ấy phải chịu trách nhiệm, chứ không thể cứ đổ lỗi cho khách quan.
- Từ vụ sập trần nhà thi đấu có nên mở rộng kiểm tra các công trình khác hay không, thưa ông?
- Sự cố trên là sự cảnh báo cho các công trình khác, vì thế việc kiểm tra các công trình là cần thiết. Tuy nhiên các đơn vị chủ quản các công trình cũng nên thường xuyên kiểm tra các hạng mục của công trình ấy để tránh những sự cố đáng tiếc như trên.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Ninh

Bình luận(0)