Sập nhà cổ Trần Hưng Đạo: Ai chịu trách nhiệm chính?

Google News

(Kiến Thức) - Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ nguyên nhân vụ sập nhà cổ Trần Hưng Đạo, xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan...

Đổ lỗi cho nhau
Liên quan đến vụ sập nhà cổ Trần Hưng Đạo (Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là 2 người chết, 6 người bị thương vào 12h45 ngày 22/9, hiện nay các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, những phát ngôn của các đơn vị liên quan như Sở Xây Dựng Hà Nội và đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng là Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho thấy, họ dường như đang đổ trách nhiệm về vụ việc cho nhau.
Cụ thể, trả lời báo chí liên quan đến việc cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc đổ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, khắc phục và xử lý sự cố, chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật, theo trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình.
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ, nhà 107 phố Trần Hưng Đạo có nguồn gốc là nhà vắng chủ được Nhà nước quản lý. Từ năm 1955, Tổng cục Đường sắt tiếp nhận, quản lý và khai thác ổn định khu vực Ga Hàng Cỏ (trong đó có khu nhà 107 phố Trần Hưng Đạo). Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà này.
Tuy nhiên, khi trả lời báo chí về vụ việc trên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết ngôi nhà cổ bị sập nằm trong diện an toàn và chưa từng có cơ quan chức năng nào cảnh báo về mức độ nguy cấp của tòa nhà. Theo ông Hoạch, từ năm 1955 tổng công ty được giao tiếp quản và sử dụng căn nhà 107 Trần Hưng Đạo. Sau đó, tổng công ty giao cho Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 sử dụng cho đến nay. Năm 1999 tòa nhà này đã được sữa chữa chống dột, sơn sửa, gia cố. Quá trình sử dụng công ty không thấy có vấn đề xuống cấp, chỉ bị dột nên hàng năm công ty vẫn tổ chức duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan chức năng nào cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tòa nhà. Trái lại, tòa nhà này được xác định thuộc danh mục biệt thự cổ do TP Hà Nội quản lý, đặc biệt chưa thuộc diện xuống cấp nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Kiến Thức về sự cố sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho rằng, có một thực trạng, hiện nay chúng ta đang quản lý chết, nghĩa là không ai sờ đến hồ sơ lưu trữ của các căn nhà cổ, nên khó chú ý đến niên hạn.
Sap nha co Tran Hung Dao: Ai chiu trach nhiem chinh?
 Cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong vụ sập nhà cổ làm 2 người chết, 6 người bị thương.
Ai chịu trách nhiệm?
Để làm rõ nguyên nhân sự cố, hiện các cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức giám định nguyên nhân theo quy định pháp luật. Bản thân Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị giao Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội tổ chức giám định, xác định nguyên nhân sự cố, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến công trình và các công trình liền kề, báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo, giải quyết. Tuy nhiên dư luận cho rằng, nếu sự cố này xảy ra do nhà xuống cấp mà các cơ quan chức năng liên quan không kiểm tra kịp thời thì bản thân cơ quan chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, bản thân Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị tiếp quản và hiện đang quản lý, sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm về sự cố này.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, việc xem xét trách nhiệm đơn vị liên quan đến vụ việc phụ thuộc vào nguyên nhân sập do đâu. trách nhiệm quản lý thì rõ ràng phải chịu trách nhiệm nhưng chịu đến đâu cần phải điều tra xem nguyên nhân thế nào.
“Theo như trả lời của đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngôi nhà cổ đã được sữa chữa chống dột, sơn sửa, gia cố vào năm 1999 và hàng năm công ty vẫn tổ chức duy tu, bảo dưỡng. Các cơ quan chức năng cần làm rõ xem tòa nhà có bị thay đổi kết cấu trong quá trình sửa chữa hay không. Đơn vị này đã duy tu, bảo dưỡng những gì, ai đánh giá đc mức độ duy tu bảo dưỡng? Nếu cố tình thay đổi kểt cấu để cho thuê thì đơn vị này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, Luật sư Thái nhìn nhận.
“Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm một phần bởi đây là đơn vị quản lý về xây dựng. Hàng năm phải có kế hoạch kiểm tra và đánh giá niên đại, mức độ an toàn các toà nhà. Nhưng dường như Sở Xây dựng chỉ có một việc cấp phép thôi sao? Chức năng quản lý các nhà cũ, nhà cổ, nhà xuống cấp thuộc về ai?”, Luật sư Thái cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội.
Luật sư Thái cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân vụ sập nhà, sau đó truy trách nhiệm những đơn vị liên quan. Nếu sai do cơ quan quản lý thì phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của các cá nhân xem có cố ý làm trái quy định hay không? Cùng với đó, vụ việc này cũng đặt ra vấn đề về các tòa nhà cổ khác, hiện giờ ai quản lý và đánh giá hiện trạng. Cần xem xét tổng thể các vấn đề tại các ngôi nhà cổ khác để tránh những trường hợp tương tự.
Về việc bồi thường thiệt hại của các nạn nhân trong vụ sập nhà, Luật sư Thái cho rằng cần xem xét nguyên nhân và trách nhiệm vụ việc là dân sự hay hình sự. Nếu đơn vị nào sai bên đó phải thực hiện chính sách bồi thường cho các nạn nhân của vụ việc theo quy định của pháp luật.
Luật sư Thái dẫn giải, việc bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể là:
- Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.
- Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:
+ Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
+ Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
Bồi thường thiệt hại bao gồm bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần được phát sinh do lỗi cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có điều kiện sau:
- Có thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức.
+ Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi thường, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ.
+ Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm hại bao gồm chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.
+ Thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần. Bộ luật Dân sự quy định: Toà án có thể buộc người xâm hại "bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân thích gần gũi của nạn nhân".
Luật sư Thái cũng cho biết, những quy định này chỉ định hướng nhưng chưa có tính định lượng trong việc bồi thường thiệt hại. Bởi vậy, Toà án là người phải xác định trong trường hợp nào được bồi thường, bồi thường bao nhiêu, bồi thường cho ai...Ví dụ: Thiệt hại về tài sản, biểu hiện cụ thể là mất tài sản, giảm sút tài sản, những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế, những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản. Đây là những thiệt hại vật chất của người bị thiệt hại
Sap nha co Tran Hung Dao: Ai chiu trach nhiem chinh?-Hinh-2
 Luật sư Nguyễn Hồng Thái trao đổi với PV Kiến Thức.
- Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật.
Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào "xâm phạm" đến các quyền đó. Bởi vậy, Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm. Việc "xâm phạm" mà gây thiệt hại có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kể cả những hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm các quy tắc sinh hoạt trong từng cộng đồng dân cư...
- Có lỗi của người gây thiệt hại.
Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Xét về hình thức lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý hay vô ý.
Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung. Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Bởi vậy, những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình sẽ không có lỗi trong việc thực hiện các hành vi đó.
Hải Ninh

Bình luận(0)