Nếu nhìn dưới góc độ khách quan, từ nhiều khía cạnh khác nhau thì cán bộ, đảng viên cũng là con người, là công dân và tất nhiên mọi công dân thì đều bình đẳng trước pháp luật. Trong đó, bình đẳng về thu nhập và các hoạt động kinh tế đã được pháp luật quy định rõ: “Người dân được làm những việc pháp luật không cấm. Cán bộ, đảng viên được làm những việc pháp luật cho phép”.
Mới đây, dư luận lại được dịp xôn xao khi ông Phạm Hồng Hà – cựu Chủ tịch TP Hạ Long (Quảng Ninh) bị bắt. Việc quan chức bị bắt, hay nói theo tiếng lóng mà dư luận hay gọi là “vào lò” trong bối cảnh toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang quyết tâm chống tham nhũng là chuyện “thường ở huyện”. Tuy nhiên, việc ông Hà bị bắt kèm theo việc niêm phong 4 xe ô tô hạng sang trị giá khoảng 20 tỷ và ngôi biệt thự “view” biển được cho có giá trị cả 100 tỷ khiến dư luận dậy sóng. Sau sự việc, những tiếng xì xầm từ trong nhà ngoài ngõ cho đến trên mạng xã hội lại râm ran: “Quan chức nên mới giàu thế!”
|
Khối tài sản hàng trăm tỷ của ông Phạm Hồng Hà -nguyên Chủ tịch TP Hạ Long sau khi ông bị bắt được cơ quan chức năng niêm phong khiến dư luận xôn xao. |
Việc cựu Chủ tịch TP Hạ Long giàu, sở hữu nhiều tài sản giá trị có liên quan đến sai phạm trong quá trình ông đương chức hay không?, cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không lạm bàn về việc đó. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, một bộ phận người dân có “căn bệnh”: Ghét giàu một cách tiêu cực. Đặc biệt, là ghét quan chức, cán bộ giàu. Dư luận cho rằng sự giàu có của một bộ phận cán bộ, đảng viên phần lớn là do liên quan đến tiêu cực, do tham nhũng mà có, chứ ít ai thừa nhận sự giàu có của đội ngũ cán bộ, quan chức là do tài năng của họ.
“Quan chức giàu chính đáng thì nên mừng”
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Quốc hội khóa XV - Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, công chức, viên chức, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhà nước có quyền làm giàu chính đáng, nguồn gốc tài sản hợp pháp từ việc mua bán, làm ăn hợp pháp thì đáng hoan nghênh. Bởi họ có quyền sở hữu tài sản dù lớn đến đâu nếu nó chính đáng.
“Cán bộ, đảng viên được làm những việc pháp luật cho phép. Họ cũng được tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được phát triển kinh tế, tạo cơ hội làm giàu chính đáng theo các quy định pháp luật hiện hành, sở hữu tài sản có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch và hợp pháp”, Đại biểu Hòa nói.
|
Đại biểu Quốc hội khóa XV - Phạm Văn Hòa. |
Theo điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên là những người ưu tú được quần chúng nhân dân tín nhiệm; có kiến thức, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức… những tiêu chuẩn này cho thấy, về lý thuyết thì đảng viên phải có những tư chất nổi trội hơn so với quần chúng nhân dân ở mặt nào đó để gánh vác, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quần chúng nhân dân. Vì thế, cán bộ, đảng viên nếu có những năng lực hơn người cũng là dễ hiểu, hay việc họ làm kinh tế giỏi cũng không có gì lạ. Cán bộ, công chức trước hết cũng là công dân, sự bình đẳng giữa các công dân cho phép và khuyến khích công chức làm giàu. Công chức giàu có là tốt, vấn đề cơ bản là bằng cách nào mà công chức giàu có. Nếu sự giàu có của công chức không dính líu đến tham ô, tham nhũng, đến việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi mà dựa trên chính sức lao động của mình để có thêm thu nhập, thậm chí là thu nhập cao (trên cơ sở của luật pháp và các quy định của các tổ chức xã hội mà công chức đó đang sinh hoạt) thì đó là sự giàu có chính đáng nên khuyến khích nhân rộng.
|
Căn biệt thự được cho có trị giá trăm tỷ nơi ông Hà sinh sống. |
Tuy nhiên theo đại biểu Hòa: “Nếu việc làm giàu của cán bộ mà không rõ việc làm ăn có chính đáng hay không? không rõ nguồn gốc tài sản đang sở hữu, người dân có quyền nghi ngờ!. Ví như vụ công ty Việt Á lại quả hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh thành số tiền lớn, nhiều cán bộ giàu lên bất thường. Những sự bất thường đó cần làm rõ và mới là cái mà chúng ta đáng phải bàn.”
Phải truy xét đến cùng tài sản bất chính, quan chức giàu bất thường
Không ai cấm quan chức giàu hơn dân, nếu làm giàu bằng sự năng động, sáng tạo để tạo ra của cải vật chất, góp phần làm giàu cho xã hội, cho đất nước thì đáng mừng, nhưng thật đáng tiếc, thực tế những vụ án tham nhũng bị điều tra, xét xử thời gian qua lại cho thấy bộ mặt trái ngược.
Trở lại vụ án liên quan tới cựu Chủ tịch TP Hạ Long, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục điều tra xem nguồn gốc khối tài sản của ông Phạm Hồng Hà từ đâu mà có.
“Nếu tài sản mà ông Hà có được không hợp pháp, nguồn gốc không chính đáng thì phải truy xét cho đến cùng. Bởi trước đây, ông Hà từng giữ chức vụ Chủ tịch TP Hạ Long, quyền hành rất lớn. Theo tôi đánh giá về mặt chủ quan, không ít nhiều, ông Hà được lại quả của các nhà đầu tư không phải là ít”, đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Hòa cho rằng, cần điều tra làm rõ, xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc làm rõ này là cần thiết để trả lời với công luận.
“Đây là bài học cảnh tỉnh cho những người có quyền lực, quyền uy trong thời điểm giữ chức vụ mà có hành vi tham ô cho bản thân mà sau khi hạ cánh xem như an toàn nhưng thực tế không phải vậy. Luật tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rất cụ thể, rõ ràng nếu vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức thì kể cả khi nghỉ hưu vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản bất minh”, ông Hòa nêu ý kiến.
Làm sao kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn?
Với mục tiêu nhằm góp phần ngăn ngừa tham nhũng, câu kết tham nhũng không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực tư nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Song hành với đó, cán bộ, đảng viên cũng cần nghiêm túc thực hiện Quy định 37-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm; nhất là trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên phải “tự giác nêu gương” là một trong những luận điểm quan trọng. Phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết TW4 (Khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố vụ án, khởi tố bị can vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí: