Phán quyết nào cho án oan 10 năm?

Google News

Dư luận đang quan tâm đến vấn đề: Ông Nguyễn Thanh Chấn có bị điều tra viên (ĐTV) Công an Bắc Giang ép cung, dựng kịch bản và dùng nhục hình?

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan trong vụ án giết người đã rõ. Hung thủ Lý Nguyễn Chung - kẻ giết người - đã ra đầu thú. Dư luận những tưởng mọi chuyện đã hai năm rõ mười, nhưng việc phân minh “hậu” hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên lại rơi vào câu hỏi vì sao lại tái thẩm mà không giám đốc thẩm?
Dư luận đang quan tâm đến vấn đề: Ông Nguyễn Thanh Chấn có bị điều tra viên (ĐTV) Công an Bắc Giang ép cung, dựng kịch bản và dùng nhục hình? Ông Chấn nói có, các ĐTV nói không. Vậy, câu hỏi được đặt ra: Vì sao ông Nguyễn Thanh Chấn lại nhận tội?
Phan quyet nao cho an oan 10 nam?
Ông Chấn sẽ còn phải đối mặt với con đường dài đi tìm công lý. 
Tòa soạn đã nhận được nhiều hiến kế của bạn đọc cho câu hỏi đã được đặt ra. Người là luật sư, người đang công tác trong cơ quan tố tụng, kể cả những người - cũng tự nhận rằng - không am hiểu lắm về luật, nhưng vì thấy quá vô lý khi ông Chấn bỗng dưng nhận tội giết người, nếu ông không phải là con duy nhất của liệt sĩ thì án tử hình đã “giáng” xuống đầu ông từ chục năm trước.
Dư luận bức xúc án oan sai là điều dễ hiểu. Bài thơ “Nhật ký trong tù” đã nói thay lòng người đang đau với nỗi đau của ông Chấn - người đã chịu án tù oan 3.600 ngày có lẻ: “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài/ Lời nói người xưa đâu có sai/ Sống khác loài người vừa bốn tháng/ Tiều tụy còn hơn mười năm trời”.
Việc các ĐTV phủ nhận việc ép cung, dùng nhục hình để buộc ông Chấn phải nhận tội, cũng là điều dễ hiểu. Họ sợ ảnh hưởng đến “cái ghế của mình đang ngồi... làm sao họ đủ lý trí, dũng cảm để nhận rằng mình đã sai. Rồi sẽ rơi vào “điệp khúc, nào lại là yếu tố khách quan, là trình độ có hạn, rồi lại sẽ là rút kinh nghiệm và....đủ thứ “rồi lại”.
Trong lịch sử ngành tư pháp nước ta, hãy làm phép tính cộng, công khai trước dư luận để biết rằng đã có bao nhiêu ĐTV, kiểm sát viên và thẩm phán trong những vụ án oan sai đã bị mất chức, bị khởi tố trước pháp luật?
Trước khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (1.1.2010), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 17.3.2003, đã ban hành Nghị quyết 388, quy định bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Điều 18: Áp dụng nghị quyết để giải quyết bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan.
Theo nghị quyết này, những người bị kết án oan mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/7/1996 thì được áp dụng bồi thường theo nghị quyết này.
Với những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước ngày 1 tháng 7 năm 1996 nếu có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, tiếp nhận trước ngày nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết, thì áp dụng nghị quyết này để giải quyết.
Phải nói rằng, những người bị án oan hơn chục năm về trước, khi Nghị quyết 388 chưa được ban hành, họ chỉ biết âm thầm cầm tờ quyết định “trả tự do”. Việc minh oan công khai, khôi phục danh dự cho người bị hàm oan tại nơi cư trú hay nơi làm việc cũng chỉ là điều... trong mơ.
Người tù oan trong bộ phim “Nếu anh thề bảo vệ công lý” của Hungary cay đắng nói: Khi tôi bị bắt thì đầy đủ các cơ quan, ban bệ, khi tôi ra tù chỉ với tờ quyết định trả tự do. Trong con mắt mọi người, tôi vẫn là kẻ đi tù.
Ngay cả những quy định về “khôi phục danh dự”- điều 4 của Nghị quyết 388 như: “Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu không đăng báo”, cũng là sự hiếm hoi đã được các cơ quan tố tụng thực hiện.
Để nhận được số tiền bồi thường cũng gian nan không kém... hành trình “ngồi tù oan”, nào thương lượng, nào “mặc cả”... rồi sự thiệt thòi vẫn thuộc về con người cụ thể - tập thể gây oan sai vẫn là số đông. Và trong trường hợp bồi thường oan sai thì số đông bao giờ cũng thắng.
Ngày 6/11, Hội đồng tái thẩm TANDTC đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên án tù chung thân về tội giết người đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trước câu hỏi của dư luận: Vì sao không kháng nghị giám đốc thẩm mà lại tái thẩm, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện KSNDTC chia sẻ “Tôi cũng rất tiếc có một số người có ý kiến về việc tái thẩm hay giám đốc thẩm. Nhưng việc tái thẩm và giám đốc thẩm khác nhau như thế nào? Tôi nói rõ, tái thẩm là khi có những tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Trong vụ này, có sự xuất hiện của đối tượng Lý Nguyễn Chung. Tuy tòa chưa tuyên, nhưng khả năng phạm tội của đối tượng Chung là khá rõ ràng…”.
Nhưng ông Nguyễn Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - lại bày tỏ quan điểm với đề xuất: Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, bởi:
- Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, kể cả thời gian ở trong nhà tù, ông Chấn đều đã tố cáo bị đánh, nhục hình, truy bức mớm cung, thậm chí còn được “huấn luyện” để diễn lại quá trình phạm tội-dựng lại hiện trường do cơ quan điều tra tiến hành.
- Luật sư đã trưng nhiều bằng chứng, chứng minh ông Chấn không phạm tội giết người.
- Hung thủ Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú.
Ông Vũ Đức Khiển nhấn mạnh: “Đến đây thì tôi cho rằng, đã có đủ căn cứ quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004 để kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án trên. Cụ thể là: Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Vợ ông Chấn đã có đơn tố cáo hung thủ là Lý Nguyễn Chung từ lâu, nhưng rất tiếc cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét, nay hung thủ đầu thú thì không thể coi là tình tiết mới xuất hiện, để kháng nghị tái thẩm theo Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004.
Vậy “kịch bản” nào trong trường hợp án oan này: Tái thẩm hay kháng nghị giám đốc thẩm? Để phù hợp với những điều khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự?
“Nếu kháng nghị giám đốc thẩm vụ án thì việc minh oan, bồi thường cho ông Chấn sẽ sớm khép lại, còn nếu tái thẩm thì việc minh oan cho ông Chấn sẽ kéo dài, kể cả việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Và bản án tái thẩm sẽ “giúp” TANDTC “thoát” khỏi trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn. “Kịch bản” nào cũng có “cái được”, “cái mất”.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ giám sát “hậu” vụ án này. Ngày 4/11/2013, Văn phòng Chủ tịch Nước có công văn số 1443 gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, thông báo ý kiến của Chủ tịch Nước.
Chúng ta hãy chờ đợi một sự phán quyết, với hy vọng: Đúng luật, hợp lòng dân.
Theo Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)