Ông Công ông Táo: vàng mã ế nhưng vẫn “lên đời“

Google News

(Kiến Thức) - Một số chủ cửa hàng bán vàng mã cho biết, năm nay khách vắng, hàng ế ẩm, thiếu những đơn hàng khủng nhưng vẫn phải đáp ứng nhu cầu "lên đời" cho các cụ.


Nhiều cửa hàng ngồi không vì vắng khách

Cụ  Tư (90 tuổi, chủ cửa hàng số 28, Hàng Mã) cho biết vào thời điểm này năm ngoái cửa hàng cụ tấp nập người mua, còn năm nay vẫn chưa đông đúc, lượng người mua rải rác rất ít và không đồng đều, “có hôm từ sáng đến trưa chưa có ai hỏi mua, hoặc khách xem rồi lại đi, nhưng hôm nay đỡ hơn, lượng người mua khá đông so với vài ngày trước”.
             
Ngược lên số 71 Hàng Mã, chị Nguyễn Phương Thanh, chủ  cửa hàng cũng lắc đầu buồn rầu vì hàng ế ẩm: “Vào thời điểm này năm ngoái phố Hàng Mã khách đông chen chúc nhau sắm nhiều đồ lễ tết chuẩn bị tiễn ông Táo chầu trời, còn năm nay đến giờ vẫn ế nên chúng tôi cũng không dám đặt hàng nhiều”.

 Gian hàng cụ Tư năm nay bán chậm

Chị Nguyễn Thị Oanh, chủ cửa hàng số 67 Hàng Mã thì mong tình trạng ế ẩm này sẽ nhanh hết và khởi sắc hơn trong chiều ngày hôm nay vì ngày mai đã là ông Công ông Táo “năm nay vì ông Táo vào cuối tuần nên phải đến gần cận ngày lượng người mua mới đông vì hầu hết những người đi làm cuối tuần họ mới tranh thủ đi mua sắm.”

Tuy lượng người mua giảm nhưng giá vàng mã năm nay vẫn tăng bình quân từ 10 – 15%. Tại phố Hàng Mã, bộ ông Công, ông Táo loại to, đẹp có giá 120.000 đồng, loại vừa giá 100.000 đồng, mua hàng rong giá cả dao động từ 25.000 - 50.000 đồng một bộ. Quần áo chúng sinh có giá khoảng 40.000 – 50.000 đồng 100 bộ. So với các năm trước thì năm nay người dân mua sắm đơn giản hơn nhiều, chỉ chọn mua những đồ dùng cần thiết cho ngày ông Công ông Táo như mũ mão, quần áo, cá chép giấy...nên những hàng này bán khá chạy, còn những loại hàng mã xa xỉ khác như tiền âm phủ, đô la, nhà lầu, xe hơi, điện thoại... không mấy người hỏi mua. Hầu hết các cửa hàng đoán được thị hiếu khách hàng năm nay nên những đồ vàng mã xa xỉ cũng được họ đặt ít lại để tránh ế hàng.

Hàng mã vẫn "lên đời"

Theo quan niệm của một số người, gia đình có điều kiện thì phải sắm những đồ lễ “xịn” cho các cụ cõi âm vì “thời nào của nấy”, nay mình ở nhà đẹp, xe đẹp thì cũng cứ đốt cho các cụ thứ ấy để các cụ “lên đời”.

 Cặp Ipad-Iphone để các cụ "lên đời"

Dù công việc kinh doanh gặp khó khăn, thất bát nhưng vợ chồng bác Nguyễn Thị Tuyết, 45 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội cũng tranh thủ đèo nhau lên Hàng Mã sắm mua vàng mã chuẩn bị tiễn ông Công, ông Táo cho chu đáo. Vợ chồng bác có mong muốn đổi điện thoại, xe máy cho các cụ “hợp mốt”. Năm nay gia đình bác đổi cho các cụ ông, cụ bà một tòa nhà 3 tầng có giá 220.000 đồng và một cặp Ipad – Iphone với giá 180.000 đồng, “năm nay công việc vất vả nhưng cũng phải chuẩn bị chu đáo cho các cụ không các cụ lại trách móc, sang năm không được phù hộ cho thì khổ, cả năm mới có một lần, tốn kém một chút cũng phải cho các cụ được chu đáo...”.

Bác Nguyễn Hiển (Nhân Mỹ, Mỹ Đình) cũng tất bật chuẩn bị sắm tết và không quên sắm vàng mã cho người cõi âm, bác cho biết năm nào cũng chuẩn bị chu đáo cho cụ ông (bố chồng) nào tiền, vàng thỏi, ngân lượng, lễ vật, đổi xe máy, điện thoại cho cụ. “Vừa rằm tháng bảy vợ chồng bác xây cho cụ cái nhà 3 tầng xong, nay mua thêm một cặp điện thoại để cụ dùng cho thích, với lại bác cũng chỉ đốt tiền giấy với mua cho cụ thêm mấy cây vàng xuống cho cụ mua quần áo là được”. Bác còn nói nhỏ, mấy ngày trước nằm mơ thấy cụ báo mộng nói điện thoại bị hỏng do đi trời tối không cẩn thận bị rơi, thấy mấy bà hàng xóm sắm điện thoại Iphone để hóa, bác cũng sắm một bộ cho cụ nở mày nở mặt”.

Ngày 12/7/2010, Chính phủ đã - ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.
Trong đó, tại điểm C, điều 18 có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2010.


Thanh Lan

Bình luận(0)