Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực điện - điện tử dân dụng khẳng định không thể có chuyện một nồi cơm điện bình thường lại nổ như bom vậy.
Thủng trần nhà, gây thương tích nặng
Nhặt được chiếc nồi cơm điện của ai đó bỏ ngoài cửa hàng, bà Võ Thị Thúy đem cho em gái mang về dùng. Tuy nhiên, chỉ vừa mới cắm điện, bà Võ Thị Thí, em gái bà Thúy, cùng cô con gái 7 tuổi đã phải gánh chịu những thương tích nặng nề do chiếc nồi phát nổ. Toàn bộ vùng mặt bé gái bị biến dạng do nhiều mảnh vỡ găm vào; tay chân và vùng bụng cũng bị tổn thương do sức ép và mảnh vỡ từ vụ nổ. Bà Thí cũng bị thương nặng ở đùi và nhiều mảnh vỡ của nồi cơm điện găm vào chân. Tại hiện trường có nhiều mảnh vỡ vụn của kính và các vật dụng trong bếp. Tấm nhựa ốp trần nhà cũng bị thủng một lỗ lớn do nắp nồi cơm điện văng lên. Nồi cơm điện được xác minh là loại nồi nhỏ, dùng để nấu khoảng 0,5kg gạo. Theo ghi nhận, nồi cơm điện vỡ nát hoàn toàn vỏ ngoài thành các mảnh vụn, chỉ còn nồi nhôm bên trong bị bục tung và biến dạng.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực điện, điện tử dân dụng không thể có lý do nào một chiếc nồi cơm điện lại có thể phát nổ lớn đến vậy. KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự khẳng định, những sự cố về điện đối với nồi cơm điện thường chỉ có thể là rò điện gây giật điện, hoặc chập cháy thì cũng có thể phát ra tiếng nổ, nhưng cùng lắm cũng chỉ như chập nổ cầu chì.
|
Hiện trường vụ nổ. |
KS Nguyễn Huy Bạo giải thích: Khi tụ điện bị hư hỏng, gây chập điện có thể phóng ra các tia lửa điện gây cháy nổ, có mùi khét và khói đen bốc ra. Tuy nhiên, không thể có khả năng gây tiếng nổ lớn, khói đen tỏa ra mù mịt như thông tin đã đưa. Sức ép của việc nổ nồi cơm điện đến mức gây thương tích nặng nề cho hai mẹ con là điều hết sức phi lý và chắc chắn có vấn đề không bình thường với chiếc nồi này. Trừ khi là nồi áp suất đã đun lâu, áp suất cao bị nổ mới có thể gây sức ép lớn đến vậy và thường phải kèm theo bỏng nhiệt.
KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật điện Hùng Lâm cũng cho rằng, việc phát nổ có sức ép lớn đến mức thủng trần nhà, vỡ kính, đổ vỡ đồ đạc xung quanh, và gây thương tích cho người ở gần đó chắc chắn phải có nguyên nhân nào khác chứ không thể chỉ là nổ nồi cơm điện thông thường. "Có thể cho rằng khi mang nồi cơm điện về, nạn nhân đã đem lau rửa sạch sẽ khiến bộ phận cách điện bị hỏng thì cũng chỉ có thể gây giật điện khi tiếp xúc chứ không thể gây nổ như vậy được", KS Trương Văn Hùng khẳng định.
|
Những gì còn sót lại của nồi cơm điện. |
"Cấu tạo không có gì để nổ"
Khi được hỏi về cấu tạo của nồi cơm điện, TS Trần Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Thiết bị điện - điện tử, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Cấu tạo của nồi cơm điện thì chẳng có gì để nổ. Nồi thường được cấu tạo gồm ba phần: Vỏ nồi, nồi nấu và bộ phận đốt nóng, hay còn gọi là mâm nhiệt đi kèm với cảm biến nhiệt và nút điều khiển chọn chức năng. Vỏ nồi 2 lớp, ở giữa có bông thuỷ tinh cách nhiệt. Nồi nấu làm bằng hợp kim nhôm, đặt khít trong vỏ, bên trong phủ lớp men chống dính. Phần đốt nóng gồm dây điện trở đúc trong ống chịu nhiệt, cách điện với ống và đặt trong mâm dưới đáy nồi.
KS Nguyễn Huy Bạo phân tích: Điện trở của nồi cơm điện gồm điện trở công suất lớn cung cấp nhiệt chủ yếu cho nồi cơm, trong suốt quá trình nấu và một điện trở phụ giúp giữ nhiệt cho cơm khi đã nấu chín. Cần điều khiển thông ra nút bấm điều khiển ở bên ngoài, đầu còn lại gắn vào sensor (bộ cảm biến nhiệt) cùng với một công tắc hai tiếp điểm để tùy chọn mức nhiệt nấu hoặc chỉ đủ giữ cho cơm nóng.
Các chuyên gia khuyến cáo để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, người sử dụng nên chú ý các yêu cầu an toàn trong sử dụng nồi cơm điện như khi không sử dụng nồi nhớ phải rút dây nguồn khỏi ổ cắm nguồn; không đặt nồi cơm điện ở vị trí không bằng phẳng, ẩm ướt hoặc gần với các dụng cụ phát nhiệt khác...