Liên quan đến đối tượng Đặng Ngọc Viết xông vào trụ sở UBND TP Thái Bình nổ súng khiến 1 nạn nhân bị tử vong, 4 nạn nhân khác bị thương, sau đó đối tượng tự sát tại chùa Đông Sơn (thôn Dục Dương, xã Trà Giang, Kiến Xương, Thái Bình), ngày 12/9, PV Kiến Thức đã tìm về nơi Viết tự sát. Nhiều nhân chứng vẫn kinh hoàng khi kể lại những điều tai nghe mắt thấy.
Dùng súng tự sát dưới chân tượng Phật
Bà Lê Thị Tám (57 tuổi, xóm 5, thôn Dục Xương, xã Trà Giang), nhân chứng chứng kiến vụ việc kể lại: Khoảng 15h chiều 11/9, có một người đàn ông đến chùa nói là đến chơi. Người này giới thiệu tên là Viết, dân gốc ở làng. Trò chuyện, bà Tám mới biết Viết là bà con xa của mình. Viết có bố là ông Đặng Văn Vu, hiện đang bị liệt đang ở nhà ông anh gần chùa. Sau đó, bà Tám đi nấu cơm còn Viết ngồi chơi uống nước với các phật tử tại chùa.
|
Bà Tám chỉ chỗ Đặng Ngọc Viết tự sát. |
Sau khi lang thang quanh chùa, Viết đến lăng Quan Âm Phật Bà chắp tay đi vòng quanh hơn 30 phút. Đến khoảng 18h cùng ngày, khi tới giờ cơm, Viết xin một bát cơm chay ở nhà chùa để ăn, sau đó lại ra ngồi im tại lăng Quan Âm Phật bà. Các phật tử trong chùa cũng thấy làm khó hiểu vì trời đã tối nhưng Viết không về mà vẫn ở lại chùa. Thi thoảng Viết còn quỳ gối dưới chân bức tượng. Một số người lo sợ Viết là trộm cắp giả vờ vào chùa nhưng không thấy người này có biểu hiện gì bất thường.
Đến khoảng 19h, khi bà Tám đang làm việc trong bếp bất ngờ nghe thấy hai tiếng nổ lớn, giống như tiếng pháo, một phật tử khác trong chùa là Phạm Công Uynh (76 tuổi, Hội trưởng Hội phật tử chủa Đông Sơn) nghe tiếng vội lấy đèn ra soi thì thấy Đặng Ngọc Viết đã nằm xuống dưới chân tượng. Viết đã dùng súng tự bắn vào ngực rồi ném súng xuống dưới ao trước khi tử vong. Lực lượng công an sau đó đã cho người dùng nam châm để mò tìm khẩu súng.
“Khi trò chuyện, Viết cũng tâm sự với những người phật tử chuyện mình bất mãn về việc đền bù đất đai”, bà Tám nhớ lại.
|
Di ảnh đối tượng Đặng Ngọc Viết. |
Ông Phạm Công Uynh kể lại: Vào chiều cùng ngày (11/9), ông và con trai ra chùa thì gặp anh Viết. Sau khi trò chuyện, Viết mời ông hút thuốc và kể chuyện mình là người gốc ở làng. Đến khoảng 19h, ông Uynh bất ngờ nghe thấy tiếng nổ lớn, chạy ra xem thì thấy Viết đã nằm gục dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm thở dốc. Do trời tối, ông Uynh và con trai kéo bóng điện ra soi thì thấy Viết đã nằm yên bất động, miệng sùi bọt mép nên vội báo gấp lên công an ở xã. Không lâu sau đó thì công an tới nhưng Viết đã tử vong. Khi lật người anh này lên mới phát hiện ở ngực có vết thương như súng bắn.
Mâu thuẫn từ chuyện đền bù giải phóng mặt bằng
Theo người thân và người quen Viết, đối tượng vốn là người hiền lành nên đến khi xảy ra sự việc, ai cũng ngỡ ngàng.
Người thân Đặng Ngọc Viết cho biết, Viết đã có gia đình và hai con nhỏ. Tuy nhiên, hai vợ chồng không hợp nhau nên đã chia tay cách đây mấy năm. Viết không nghề nghiệp ổn định, lang thang vào miền Nam làm thuê để kiếm sống. Hoàn cảnh gia đình Viết rất khó khăn, Viết có người anh trai bị chất độc màu da cam, hiện đang nhận phụ cấp hàng tháng.
Bà Bùi Thị Kim (65 tuổi), trú tại tổ 21 phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, mẹ vợ của Đặng Ngọc Viết cho biết, từ khi hai vợ chồng chia tay nhau, vợ Viết đi nước ngoài lao động, hai con nhỏ giao bà ngoại chăm sóc. Giờ bố chúng nó mất đi không biết các cháu sẽ ra sao.
Anh Đặng Ngọc Vinh, anh trai hung thủ, kể: Viết vốn rất ngoan và nghe lời, sau khi học hết cấp 3, Viết đi xuất khẩu lao động ở Nga một thời gian và mới về Việt Nam được vài năm. Vợ của Viết hiện tại đang cư trú tại Nga, hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau dù ly thân.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Trung tá Lê Bá Thắng, Trưởng Công an phường Kỳ Bá (TP Thái Bình) cho biết, bản thân đối tượng Đặng Ngọc Viết vốn là người hiền lành, chưa có tiền án, tiền sự, không cờ bạc, rượu chè... Sau khi nhận tiền đền bù 500 triệu đồng, đến tháng 5/2013, Viết vào TP.HCM và mới về cách đây gần 1 tháng.
Về nguyên nhân dẫn tới hành động xả súng vào cán bộ UBND của Đặng Ngọc Viết, người nhà hung thủ cho biết đều xuất phát từ việc đền bù giải phóng mặt bằng. Theo đó, căn nhà nơi Viết đang ở có diện tích khoảng 200m2, được đền bù gần 500 triệu và muốn chuyển sang khu tái định cư phải bù thêm tiền trong khi Viết không thể xoay xở được.
Ban đầu Viết định lấy tiền đền bù bằng tiền mặt nhưng phía UBND không trả một lần mà chia ra làm nhiều đợt. Sau khi lấy được 3 đợt, Đặng Ngọc Viết muốn chuyển sang hình thức nhận đất ở khu tái định cư và trả lại tiền mặt đã nhận nhưng không được chấp thuận. Đặng Ngọc Viết đã làm đơn kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết nên xảy ra mâu thuẫn với ông Tư và ông Dũng là Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Thái Bình.
"Do bức xúc trong vấn đề đền bù đất đai, Viết hành động như vậy khiến ngay cả người dân và chính quyền địa phương đều hết sức bất ngờ", ông Thắng cho biết.