Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 18/3, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Nhật Bản - cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất ở châu Á.
Với đầu đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi”, bài phát biểu vừa là bức thông điệp khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản, vừa nêu bật những đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực và những xu thế lớn của thời đại, qua đó khẳng định “đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi” là sự lựa chọn tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc.
|
Vào sáng ngày 18/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng trước quốc hội Nhật Bản. |
Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được Quốc hội Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao với nhiều lần vỗ tay, để lại ấn tượng sâu đậm và mạnh mẽ trong chính giới Nhật Bản.
Thay mặt Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện Bunmei Ibuki đã bày tỏ sự tán đồng và hết sức tâm đắc với những thông điệp được nêu trong bài phát biểu của Chủ tịch nước. Ông cho rằng những lời nói nồng ấm và nhận định sâu sắc của Chủ tịch nước đã giúp cá nhân ông và Quốc hội, nhân dân Nhật Bản thêm vững tâm vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quý báu của Nhật Bản đã được Việt Nam sử dụng rất hiệu quả. Nhiều công trình quan trọng, phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, nhà máy, các cảng biển và hàng không… đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước chúng ta. Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản về tấm lòng và cử chỉ hào hiệp ngay cả trong những lúc Nhật Bản phải khắc phục hậu quả của động đất sóng thần, vẫn duy trì và gia tăng viện trợ ODA cho Việt Nam.
Thế giới chúng ta đang đứng trước các thách thức phức tạp, đa chiều, ngày càng gay gắt, từ các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, an ninh hạt nhân, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cho tới những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh nguồn nước… Để vượt qua những thách thức trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau ngày càng cao, cần đổi mới tư duy và cách nhìn nhận đánh giá môi trường chiến lược cũng như phương thức hợp tác và quan hệ giữa các nước. Việt Nam tin rằng các mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế của mỗi quốc gia chỉ đạt được khi mỗi quốc gia gắn vận mệnh của mình với vận mệnh chung của khu vực và thế giới.
Trên tinh thần đó, đối với những vấn đề tranh chấp trên biển, Việt Nam trước sau như một, kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Đại hội đồng IPU lần thứ 130
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Đại hội đồng IPU lần thứ 130 diễn ra trong 5 ngày (16 – 20/3) đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của hơn 700 đại biểu của các nước thành viên dự Đại hội.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới 130 tại Geneva, Thụy Sĩ. |
Đại hội đồng IPU-130 diễn ra trong 5 ngày (16-20/3) bàn thảo các nội dung như: Giải trừ vũ khí hạt nhân, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo vệ và duy trì hòa bình ở các quốc gia, châu lục trên thế giới…
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU 130, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều tha thiết với ước vọng về một thế giới hoà bình cũng như quyết tâm hiện thực hóa nền dân chủ. Để thực hiện ước vọng này, các nước thành viên IPU cần không ngừng xây dựng, củng cố lòng tin lẫn nhau, bảo đảm hòa bình để thúc đẩy dân chủ và bảo đảm dân chủ để tạo nên nền hòa bình bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Việt Nam ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Việt Nam cũng cho rằng chống phổ biến phải được thực hiện phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và không gây ra gánh nặng không cần thiết cản trở hoạt động kinh tế, thương mại bình thường của các nước. Với mong muốn hòa bình, Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi khủng bố và đe doạ khủng bố trên toàn cầu”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, với nhận thức dân chủ là giá trị chung của nhân loại, Việt Nam đã có nhiều đóng góp với tư cách quốc gia thành viên của IPU nói riêng và của Liên hợp quốc nói chung, trong việc thúc đẩy và bảo vệ dân chủ.
Khẳng định, dân chủ là bản chất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Việt Nam hy vọng IPU phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc đảm bảo và thúc đẩy dân chủ. Các nước cần tôn trọng và bảo vệ nhân quyền theo các chuẩn mực quốc tế và tiếp tục tăng cường vai trò của Nhà nước pháp quyền. Việt Nam cho rằng nhân quyền hiện nay không chỉ được thúc đẩy bởi vai trò của Quốc hội trong vấn đề lập pháp và giám sát hành pháp, chấp hành tư pháp trong nước, mà còn cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua đối thoại và hợp tác quốc tế về nhân quyền tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế như IPU.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68
Vào sáng 28/9/2013, theo giờ Việt Nam, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên Thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên Thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68. |
Với tựa đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập câu chuyện chiến tranh và hòa bình, phát triển và nghèo đói vẫn đang là những chủ đề thời sự nóng bỏng của thế giới, đòi hỏi phải có niềm tin chiến lược, sự chung tay giải quyết của mọi quốc gia trên thế giới. Và trong những nỗ lực chung đó, Việt Nam luôn sẵn sàng với tư cách một quốc gia xây dựng và trách nhiệm.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhận định, phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc là diễn đàn lớn nhất hành tinh và những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong bài phát biểu của mình chính là những vấn đề đang được cả thế giới quan tâm, có tính chất như một bản tuyên ngôn, đại diện cho Việt Nam và nhiều nước tương đồng.
Và một lần nữa, sau sự kiện Shangri-La, thông điệp “lòng tin chiến lược” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh như một nhân tố vô cùng quan trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng dân tộc Việt Nam luôn có chính kiến, có trách nhiệm và có lòng tin đối với đấu tranh cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Thực sự đấu tranh cho hòa bình là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, gian khổ nhưng mọi người hãy có lòng tin vào hòa bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một thông điệp rất giản dị: Các quốc gia và các dân tộc hãy cùng nhau ngăn chặn bàn tay chết chóc của chiến tranh, của khủng bố, của bạo lực, và nếu không ngăn chặn thì cũng “đừng tiếp tay”, “đừng làm ngơ”.
Thủ tướng khẳng định, việc giữ gìn hòa bình bao giờ cũng đòi hỏi thiện chí của các bên, vai trò của các cường quốc là không thể thiếu với “lòng tin chiến lược không ngừng được vun đắp bằng thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể”.
Vị thế của Việt Nam là thế của một nước chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh trên thế giới. Sau chiến tranh, trải qua mấy chục năm làm công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, chúng ta đang thu hoạch được những thắng lợi trong hòa bình khiến vị thế của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng rõ ràng trên trường quốc tế, ngày càng đàng hoàng, mạnh mẽ hơn.
Từ những kinh nghiệm của mình, Việt Nam cũng đã nhiệt tình và bền bỉ giúp đỡ các nước đang phát triển khác tự sản xuất thêm lúa gạo, như với Cuba, Mozambique, Angola, Mali, Madagascar, Myanmar... Đó không chỉ là việc làm của một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, mà còn thể hiện đạo lý "thương người như thể thương thân" đã trở thành truyền thống nhân nghĩa, cao đẹp nghìn đời của Việt Nam.