Cơ quan CSĐT Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Dũng (39 tuổi, nguyên Thẩm phán TAND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Trước đó, ngày 12/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra một nhà nghỉ trên địa bàn xã Trà Đa, TP Pleiku và bắt quả tang ông Nguyễn Thành Dũng đang tàng trữ hơn 1g tinh thể màu trắng. Ông Dũng khai số tinh thể trên là ma túy Ketamin.
|
Ông Nguyễn Thành Dũng từng là thẩm phán tại TAND huyện Chư Prông.
|
Ông Nguyễn Thành Dũng từng là thẩm phán tại TAND huyện Chư Prông. Tuy nhiên, vào ngày 8/1, ông Dũng đã có đơn xin nghỉ việc. Ngày 9/1, TAND tỉnh Gia Lai có quyết định đồng ý cho ông nghỉ việc. Do đó, hành vi vi phạm của ông Nguyễn Thành Dũng không liên quan gì đến TAND huyện Chư Prông và ngành Tòa án tỉnh Gia Lai. Như vậy, ông Nguyễn Thành Dũng được cho nghỉ việc chỉ 3 ngày trước khi bị cơ quan công an bắt giữ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là sự việc rất đáng tiếc khi một người có hiểu biết pháp luật, có nhận thức rất rõ ràng về tác hại của chất ma túy mà lại vẫn dính vào loại chất cấm này. Mặc dù thẩm phán đã nghỉ việc, không còn đảm nhận vị trí vai trò là thẩm phán. Tuy nhiên, mới nghỉ việc được vài hôm đã bị bắt về ma túy thì dư luận sẽ đặt ra câu hỏi đạo đức lối sống của vị cựu thẩm phán này trước đây như thế nào, lý do nào khiến người này nghỉ việc? Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhân thân lai lịch, đạo đức lối sống của người này, đồng thời sẽ làm rõ nguyên nhân tại sao người này lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số ma túy này từ đâu ra, người này tàng trữ ma túy nhằm mục đích gì. Đó là người nghiện ma túy hay không... là những yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm và làm cơ sở để thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Dưới góc độ pháp lý thì ma túy là chất cấm, có sự quản lý độc quyền của nhà nước. Bởi vậy mọi hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển, sản xuất, chiếm đoạt trái phép chất ma túy đều là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.
Tàng trữ trái phép chất ma túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất giấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 249 BLHS. Như vậy, trường hợp đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy thì người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số ma túy này lấy từ đâu ra, sẽ làm rõ nhân thân của người này để làm sáng tỏ bản chất sự việc, đồng thời làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, đây là một vụ việc rất đáng tiếc bởi người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy từng được trao nhiệm vụ bảo vệ công lý, là người cầm cân nảy mực, tuổi đời còn rất trẻ, tương lai còn ở phía trước. Tuy nhiên, đã thiếu tu dưỡng rèn luyện, bản thân không còn xứng đáng với cương vị thẩm phán và đã thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật thuộc nhóm tệ nạn xã hội. Đây là bài học rất đau xót về công tác cán bộ, về việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của các cán bộ trẻ. Có lẽ chỉ vì thiếu tu dưỡng, không biết giữ mình mà người này đã mất tất cả tương lai sự nghiệp, bản thân còn có thể vướng vào vòng lao lý...
>>> Xem thêm video: Hộp bánh trung thu chứa heroin và muôn kiểu ngụy trang ma túy của tội phạm