Theo đó, sự cố đổ lở hòn 649 trên Vịnh Hạ Long là hoàn toàn do hiện tượng tự nhiên, do sự vận động kiến tạo địa chất trên vịnh.
Nhận định này được đưa ra sau khi Đoàn công tác của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có buổi khảo sát thực địa tại nơi xảy ra hiện tượng đổ lở.
|
Đảo đá trên vịnh Hạ Long sạt lở xuống biển (Ảnh: Lao Động) |
Ngoài ra, theo nhận định của Đoàn công tác, các yếu tố như mưa, bão, sóng, gió, sự ăn mòn của nước biển trên Vịnh cũng là những tác nhân nhỏ (yếu tố kích hoạt) gây ra hiện tượng đổ lở. Như vậy, sự cố đổ lở hòn 649 hoàn toàn không phải do con người tác động.
Trước đó, ngày 6/8, trong khi đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 6, cán bộ của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phát hiện hòn 649 trên Vịnh Hạ Long bị sạt lở. Hòn 649 nằm tại khu vực làng chài Cống Tàu, giữa Trung tâm 3 và Trung tâm 4 của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Ngay sau sự cố xảy ra, tỉnh Quảng Ninh đã mời Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đến khảo sát, phân tích, đánh giá tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự đổ lở của hòn 649.
Hiện, các cơ quan chuyên môn của Quảng Ninh đang phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng một số cơ quan khác đang lập đề tài nghiên cứu các quá trình địa chất, địa động lực hiện đại phục vụ quan trắc biến động các hang động và đảo đá trên Vịnh Hạ Long để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn các giá trị địa chất, địa mạo của Vịnh Hạ Long.